Vinh danh nghề giáo, nghiệp chữ

Cập nhật, 07:11, Thứ Ba, 08/12/2015 (GMT+7)

Với những gia đình được vinh danh “Gia đình nhà giáo tiêu biểu”, thì đó không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho các thế hệ nhà giáo trong mỗi gia đình, mà còn là sự ghi nhận của xã hội dành cho sự nghiệp dạy chữ, dạy người.

Nghề giáo

Đến thăm gia đình nhà giáo Hà Tấn Bé khi mới nhận được danh hiệu “Gia đình Nhà giáo tiêu biểu” được 2 ngày. Niềm vui mừng còn hiển hiện trong từng thành viên gia đình. Ông Bé là giáo viên kháng chiến, tham gia dạy học trong những năm 1972- 1973.

“Chiến tranh đang rất ác liệt. Lúc ấy hưởng ứng lời kêu gọi “người biết chữ dạy người không biết chữ”, việc dạy và học ở mọi lúc mọi nơi, có khi đêm hôm muỗi mòng, có lúc ở chuồng trâu, chuồng bò chứ đâu như bây giờ. Hồi đó, có lúc tui dạy học ở một điểm trường mà địch đốt 3 lần, nhưng không quá 3 ngày là bà con mình cất lại liền. Khó khăn gian khổ vậy chứ dân ham học lắm”- ông Bé nhớ về cái thời còn ít chữ ngày trước.

Gia đình Nhà giáo tiêu biểu Hà Tấn Bé (bìa phải) cùng ngồi lại kể chuyện nghề, nghiệp “gõ đầu trẻ” với phóng viên.
Gia đình Nhà giáo tiêu biểu Hà Tấn Bé (bìa phải) cùng ngồi lại kể chuyện nghề, nghiệp “gõ đầu trẻ” với phóng viên.

Hiện gia đình ông Bé có tất cả 7 giáo viên bao gồm cả dâu, rể. Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng- con rể ông Bé- hiện là giáo viên Trường Tiểu học Trung An A (xã Trung An) tâm sự: Gia đình có truyền thống dạy học, bởi vậy anh chị em trong nhà nói nhau phải nỗ lực phấn đấu để giữ vững truyền thống ấy.

Ông Nguyễn Văn Săng- Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trung An hồ hởi: “Gia đình được như vậy là niềm vinh dự mà ở xóm làng bà con cũng thơm lây”.

Ở gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, có 3 người con thì cả 3 đều theo nghề của mẹ. Bà Bảy nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước A. Hiện nay tính cả dâu, rể thì gia đình bà có 5 giáo viên cũng là 5 đảng viên.

“Đứa chị lớn thích làm giáo viên nên quyết định theo nghề mẹ. Em thấy vậy cũng cố gắng học theo. Hồi đó cực lắm, chồng tôi đi làm ăn xa, tôi đi dạy nên mấy đứa con phải tự lập sớm. Chị em thương nhau lại có ý chí vươn lên từ nhỏ”- bà Bảy nói.

Nói về “Gia đình nhà giáo tiêu biểu” ông Hồ Văn Lai- chồng bà Bảy- phấn khởi: “Hôm nay nhận được danh hiệu này là cũng nhờ được Nhà nước và ngành giáo dục quan tâm. Mình thấy hãnh diện về cách nuôi dạy con. Đây cũng là gương cho con cháu sau này”.

Nghiệp chữ

Thầy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Anh chị em cùng nghề nên dễ trao đổi kinh nghiệm. Khi làm chủ nhiệm lớp, gặp học sinh cá biệt anh em về bàn với nhau để góp ý tìm phương hướng giáo dục phù hợp. Nhất là ở nông thôn, cuộc sống khó khăn nên phụ huynh ít quan tấm đến việc học tập của con cái. Khi nói chuyện nghề với nhau, ai có cách hay thì xem đó như nghề dạy nghề vậy.

Là Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Lộc B (xã Bình Phước), ông Lai vui mừng nói về cháu nội, ngoại ông hôm nay: “Mấy đứa nhỏ thông minh, hiếu thảo, đặc biệt rất có khiếu văn chương nên vợ chồng tui rất mong sau này sẽ được 3 thế hệ nhà giáo. Dù con cháu thế hệ giờ thích gì thì mình ủng hộ và định hướng đúng cho nó, nhưng vẫn mong mỏi như vậy”.

Không theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, nhưng ông Lai nói nghề giáo có nhiều điều hay. Đó là khi dạy dỗ nên các thế hệ học trò. Còn “bạc” là khi ai đó làm nghề truyền đạt chữ nghĩa này mà có con, cháu không chăm chỉ học hành.

 

Vợ chồng cô Bảy tâm sự chuyện nghề, chuyện nhà với phóng viên.
Vợ chồng cô Bảy tâm sự chuyện nghề, chuyện nhà với phóng viên.

 

Còn thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng băn khoăn, việc đánh giá học sinh theo quy định mới còn mới mẻ, bỡ ngỡ. Một số ít người dân nông thôn còn nặng gánh mưu sinh nên còn lơ là, thiếu quan tâm chuyện học hành con em.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng nói: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, khoản phụ cấp dành cho giáo viên dạy buổi 2 này theo quy định cũ hiện nay khá thấp, đời sống vì vậy cũng chật vật hơn, song giáo viên chúng tôi vẫn cố gắng để học sinh được học 2 buổi/ngày.

Bài, ảnh: CHI ĐOÀN