Trước sự cạnh tranh giữa các tỉnh về điểm đến, ngành du lịch Vĩnh Long đang nỗ lực xây dựng nét đặc trưng riêng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để thu hút du khách. Từ những nét riêng, tạo ra sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá, xúc tiến… để tạo "sức bật" cho du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng để du khách trải nghiệm giá trị văn hóa, thiên nhiên. |
(VLO) Trước sự cạnh tranh giữa các tỉnh về điểm đến, ngành du lịch Vĩnh Long đang nỗ lực xây dựng nét đặc trưng riêng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để thu hút du khách. Từ những nét riêng, tạo ra sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá, xúc tiến… để tạo “sức bật” cho du lịch.
Giữ gìn vẻ đẹp văn hóa sông nước miệt vườn
Khi đề xuất xây dựng thương hiệu của tỉnh Vĩnh Long, TS Nguyễn Văn Hiến- Trường ĐH Tài chính- Marketing cho rằng, du lịch Vĩnh Long hiện nay đang khá nổi tiếng lĩnh vực du lịch khám phá các cù lao sông nước.
Tuy nhiên, khi định vị hình ảnh du lịch cần khéo léo kết nối giữa giá trị văn hóa địa phương với điều kiện tự nhiên trời phú thì mới tạo được nét riêng, độc đáo nhằm hấp dẫn, thu hút du khách và không trùng lắp với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL.
TS Nguyễn Văn Hiến đề xuất: “Lấy yếu tố văn hóa Vĩnh Long kết hợp du lịch khám phá cù lao sông nước để định vị cho du lịch. Điểm nhấn là vẻ đẹp văn hóa sông nước miệt vườn chứ không đơn thuần là vẻ đẹp thiên nhiên”.
Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết: “Vĩnh Long khác những địa phương còn lại ở điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch cộng đồng khi nằm giữa 2 con sông lớn của vùng là sông Tiền và sông Hậu.
Người dân cù lao nhìn thấy những lợi thế này nên phát triển du lịch cộng đồng từ lâu và được xây dựng đảm bảo giá trị thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, đáp ứng được nhu cầu của những du khách trong và ngoài nước- những người đi tìm du lịch xanh, du lịch bền vững, gần gũi thiên nhiên”.
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã và đang chủ động tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và mới lạ nhằm tạo sự khác biệt so với sản phẩm du lịch của các địa phương để thu hút du khách.
Tỉnh chủ trương phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù, với sản phẩm chủ lực là du lịch homestay; du lịch nông nghiệp; du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.
Du khách trải nghiệm sông nước miệt vườn: bắt cá, hái nông sản địa phương. |
Hai đề án lớn đang được từng bước triển khai tạo nét độc đáo “có một không hai” của tỉnh là: Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL và đề án Di sản đương đại Mang Thít.
Trong đó, nổi bật ở những Giải thưởng Du lịch ASEAN chính là lời khẳng định, cũng là động lực để những người làm du lịch Vĩnh Long tiếp tục phát huy thương hiệu “Homestay Vĩnh Long”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa-TT- DL Phan Văn Giàu, so với các tỉnh, thành phố lân cận, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn ở cù lao An Bình (Long Hồ) đã hình thành, phát triển từ rất sớm, đặc biệt là loại hình du lịch homestay.
Qua hơn 30 năm hình thành, phát triển, đến nay trên địa bàn các xã cù lao An Bình đã có hơn 20 homestay phục vụ du khách.
Trong đó có 9 homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN từ năm 2017 đến nay. Đóng góp của các homestay, các điểm vườn ở các xã cù lao An Bình luôn chiếm hơn 40% lượt du khách trong tỉnh.
Ông Phan Văn Giàu cho biết: “Sắp tới, các điểm được công nhận phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, củng cố, đề xuất với các chủ homestay còn lại cố gắng nâng chất để làm sao tiếp tục được công nhận. Càng nhiều điểm du lịch đạt chuẩn du lịch ASEAN thì sẽ tạo được thương hiệu, khẳng định vị thế của mình là: “Đệ nhất du lịch homestay”.
Mục tiêu trong thời gian tới để nâng cao chất lượng loại hình này đòi hỏi ở hạ tầng giao thông, đặc biệt tuyến đường liên ấp trên địa bàn cù lao. Đồng thời, tuyến đường thủy phải đảm bảo an toàn cho du khách tại các bến bãi. Ngoài ra cần tạo những sản phẩm mới để các điểm du lịch thu hút du khách”.
Tiềm năng lớn của du lịch văn hóa
Lĩnh vực du lịch văn hóa ngày càng trở nên hấp dẫn, chiếm tới 40% tổng doanh thu du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa đã tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của nhiều gia đình, cộng đồng, địa phương.
Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, có đủ tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Toàn tỉnh hiện có gần 700 di tích, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; có gần 1.400 lễ hội.
Tuy nhiên những cơ hội phát triển du lịch phải xuất phát từ nơi nguồn lực văn hóa được gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả.
Tham gia nhiều chuyến khảo sát các điểm du lịch, các tour- tuyến ở Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH Lửa Việt có nhiều trăn trở về điểm nhấn tạo nên sức cạnh tranh cho du lịch: “Ở nơi nào cũng có homestay thì mỗi địa phương phải làm thật chỉn chu, tiếp thu bài học của người đi trước cho homestay từ cái mùng, từ cái đèn…
Ngành du lịch kỳ vọng hút khách từ sản phẩm đốt đuốc vào đình xem hát bội. |
Thu hút được du khách thì chỉ mới là thành công bước đầu, trong du lịch điều quan trọng chính là xây dựng dịch vụ và phẩm chất dịch vụ xung quanh, đó mới là bài toán của lợi nhuận”.
Theo ông Mỹ, những sản phẩm, những tiềm năng du lịch vô giá không có sự cạnh tranh của địa phương khác do tính đặc thù, cần phải hướng đến nhiều dòng khách với nhiều chuẩn dịch vụ khác nhau, đáp ứng được sở thích du khách mới có thể cải thiện được nguồn thu đáng kể.
Út Trinh Homestay là homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN đầu tiên của khu vực ĐBSCL. Để tiếp tục thu hút du khách, nơi đây không ngừng đầu tư và tạo nên những sản phẩm mới.
Khi nhắc đến vai trò của văn hóa- nghệ thuật trong du lịch, bà Phạm Thị Ngọc Trinh- Chủ cơ sở Út Trinh Homestay chia sẻ, đờn ca tài tử là đặc sản của cả ĐBSCL, hầu như đến tỉnh nào thì du khách cũng được nghe.
Đêm đèn dầu nghe đờn ca tài tử là chương trình được yêu thích tại Út Trinh Homestay. |
Tuy nhiên tại Út Trinh Homestay đặc biệt ở chỗ đờn ca tài tử hát dưới ánh đèn dầu, khi triển khai dịch vụ này thì khách rất thích. Riêng nghệ thuật hát bội, khi được nhiều người ủng hộ hơn nữa thì mong tất cả các homestay ở An Bình cùng nhau giới thiệu loại hình này.
Ví dụ đêm trăng rằm mỗi tháng tổ chức, rồi dần mỗi tuần một lần. Dần dà tạo cho tất cả các hãng lữ hành biết, nắm lịch và tạo thành thói quen hấp dẫn du khách với sản phẩm “Đốt đuốc lá dừa đi vào đình xem hát bội”.
Với sự quan tâm đầu tư, xây dựng và khai thác, chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tăng lượng khách và doanh thu trong thời gian tới. Tính thu hút từ sản phẩm du lịch đặc thù sẽ là đòn bẩy cho phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đạt lượng khách du lịch giai đoạn từ năm 2021-2025 tăng trung bình 9 %/năm, doanh thu tăng bình quân 25 %/năm.
Thời gian tới, du lịch Vĩnh Long sẽ phấn đấu nhiều hơn để phát triển theo hướng chuyên nghiệp gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh, lan tỏa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin