Thu hút khách du lịch từ ẩm thực

Cập nhật, 15:23, Chủ Nhật, 29/01/2023 (GMT+7)
Đầu bếp CLB Bếp Bắc giới thiệu món ăn đặc trưng.
Đầu bếp CLB Bếp Bắc giới thiệu món ăn đặc trưng.

(VLO) Vào cuối năm 2022, Hiệp hội Ẩm thực TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình “Ngày Hội F&B (Food and Beverage) Việt Nam 2022”, mong muốn xây dựng và lan tỏa các mô hình “Kinh tế đêm và Ẩm thực phát triển”.

Xây dựng hệ sinh thái F&B

Theo ông Nguyễn Tấn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP Hồ Chí Minh, ngày hội là nơi hội tụ, kết nối tinh hoa ẩm thực đến với cộng đồng nhằm xúc tiến tiềm năng thương mại, kinh doanh ngành ẩm thực tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Đây cũng là nơi chia sẻ, gắn kết, tạo động lực cho cộng đồng F&B, cũng như tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, góp phần cổ vũ tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngày hội nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, món ăn đặc trưng của TP Hồ Chí Minh và Việt Nam đến cộng đồng F&B và quảng bá ra thế giới.

Đồng thời tạo không gian để các doanh nghiệp và du khách trong nước, quốc tế có dịp vừa thưởng thức ẩm thực vừa trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Chương trình cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, phục hồi du lịch TP Hồ Chí Minh và cả nước trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là ngành ẩm thực…”- ông Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - VISTARTUP cho rằng, ẩm thực là thế mạnh rất đặc trưng của Việt Nam để thu hút khách, nhất là nhóm khách quốc tế.

Phát triển ngành ẩm thực theo định hướng phát triển du lịch thông minh, kinh tế đêm sẽ góp phần đưa sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Việt Nam ta “xuất khẩu tại chỗ” thông qua khách du lịch, góp phần đưa nền ẩm thực nước nhà ra quốc tế.

Định hướng, phát triển các mô hình Kinh tế đêm

Khái niệm Kinh tế đêm trong những năm gần đây được thực hiện theo “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” (Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020) với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân...

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều nhà hàng 4 - 5 sao, và đã quy hoạch 22 tuyến phố ẩm thực sẽ là động lực phát triển, phục vụ đa dạng ẩm thực từ trung đến cao cấp cho đối tượng khách trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế đêm, trong đó đặc biệt là ngành ẩm thực đêm sẽ đóng góp rất lớn cho ngành du lịch. TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, dẫn số liệu các nước cho hay, kinh tế đêm là ngành công nghiệp đứng thứ 5 về tỷ trọng, mang về doanh thu 66 tỷ bảng Anh mỗi năm.

Tại Australia, kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD, còn tại Nhật Bản, ngành kinh tế đêm cũng phát triển rất mạnh. 

“Tại Việt Nam kinh tế đêm sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, đồng thời thu hút ngoại tệ và tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương trong thời gian tới”, ông Quý nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, du lịch TP Hồ Chí Minh đã xác định phát triển ẩm thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Năm 2023, thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực và sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với chủ trương phát triển kinh tế đêm của thành phố.

Bánh cúng dân gian.
Bánh cúng dân gian.

Trong khi đó, Vĩnh Long cũng đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030. Đây là cơ sở cũng là cơ hội để ngành du lịch tỉnh có những đề án, kế hoạch phát triển ngành du lịch, trong đó có phát triển ẩm thực gắn với kinh tế đêm, thu hút và giữ chân du khách.

Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn chưa hình thành các mô hình kinh tế đêm gắn với phát triển các sản phẩm ngành ẩm thực. Có nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, Vĩnh Long cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù từ đặc sản ẩm thực.

Theo ThS. Nguyễn Diễm Phúc - ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, vị thế đặc sản ẩm thực của tỉnh đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng du khách như: khoai lang Bình Tân và xà lách xoong Thuận An thuộc top 50 món đặc sản nổi tiếng Việt Nam; bánh bò, xôi lá cẩm của nghệ nhân Phạm Thị Cẩm Lợi và bánh xếp của nghệ nhân Đinh Văn Khang đã đạt giải cao trong cuộc thi lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2019… Ngoài ra còn một số đặc sản địa phương như cam sành Tam Bình, bưởi năm roi Bình Minh...

“Từ thực tế cho thấy, việc vận dụng sản phẩm ẩm thực nhằm đa dạng hóa và đặc thù hóa sản phẩm du lịch Vĩnh Long là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay.

Bước đầu cũng đề xuất chương trình du lịch đặc sản ẩm thực Vĩnh Long qua ứng dụng công nghệ 4.0; tổ chức tour kết nối đặc sản ẩm thực và dần hình thành chương trình du lịch “Một ngày làm đầu bếp vùng đất phù sa”- ThS. Phúc chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY