Về cuộc thi ý tưởng cho Di sản đương đại Mang Thít

08:08, 16/08/2022

Để diện mạo Di sản đương đại Mang Thít được hình thành và phát huy tốt nhất giá trị chiến lược của làng nghề, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc khảo sát và hội nghị của các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành hữu quan, nhằm tiếp thu ý kiến hướng đến tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch- kiến trúc và giải pháp đầu tư cho khu Di sản đương đại Mang Thít.

 

Những lò gạch dọc trên tuyến kinh Thầy Cai (Mang Thít).
Những lò gạch dọc trên tuyến kinh Thầy Cai (Mang Thít).

Để diện mạo Di sản đương đại Mang Thít được hình thành và phát huy tốt nhất giá trị chiến lược của làng nghề, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc khảo sát và hội nghị của các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành hữu quan, nhằm tiếp thu ý kiến hướng đến tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch- kiến trúc và giải pháp đầu tư cho khu Di sản đương đại Mang Thít.

Một số kiến trúc sư (KTS) có cùng đề xuất về phương thức bảo tồn những giá trị cốt lõi của làng nghề, đồng thời cần phân biệt rõ khái niệm giá trị di sản với một phương thức sản xuất của làng nghề. KTS Nguyễn Văn Tất- Công ty TNHH Tư vấn và Thiết kế TAD, cho rằng: “Cần tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm từ làng nghề, chứ không phải bảo tồn cho một phương thức sản xuất, tạo điều kiện cho người dân giữ lò, không quay lưng với nghề, làm sao để người dân có thu nhập từ việc chuyển đổi nghề sản xuất gạch sang các ngành nghề phục vụ khách du lịch để họ ổn định kinh tế từ việc thực hiện đề án di sản.

Nên lưu giữ phương thức sản xuất truyền thống nhưng cũng phải gắn với sự đa dạng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian tới. Về tổ chức cuộc thi, đề xuất đề thi cần đưa ra nhiều thách thức để thu hút được nhiều ý tưởng bởi vì có nhiều cuộc thi tìm được phương án trội nhưng cũng có nhiều cuộc thi không tìm được phương án tốt nhưng phải tốn rất nhiều kinh phí để tổ chức”.

Mục tiêu chính của cuộc thi là tìm kiếm những giải pháp chiến lược để khai thác giá trị làng nghề thế nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể đề ra những ý tưởng hay. Do đó, đối tượng cuộc thi cần được đa dạng, nhưng quan tâm đến các nhà phát triển du lịch, nhà nghiên cứu văn hóa, công ty lữ hành và cả cộng đồng địa phương.

Cùng với đó, là ý kiến cần làm rõ tên gọi đề án, giá trị cốt lõi của đề án mang lại, làm thế nào để bảo tồn giá trị các lò gạch, chứ không phải bảo tồn quy trình sản xuất gạch, việc khai thác phải giữ nguyên giá trị gốc thì mới gọi là di sản.

Theo KTS Phó Đức Tùng- chuyên gia quy hoạch vùng ĐBSCL, thì không phải bảo tồn nghề sản xuất gạch để phát triển du lịch mà cái cần bảo tồn là làm thế nào để giữ lại các lò gạch hiện nay, vì đó là nguồn di sản vật thể vô giá, mang nét độc đáo cho địa phương gắn liền với cảnh quan sông nước.

Về cuộc thi, đề xuất nên tổ chức cuộc thi ý tưởng, giải thưởng hấp dẫn, không nên tổ chức cuộc thi về quy hoạch nói chung vì sẽ hạn chế về đối tượng tham gia cũng như về thời gian, chi phí… đề nghị tỉnh cần nghiên cứu xem quy hoạch có phải là cái chúng ta cần hay không hay là cách thức tổ chức, quản lý, triển khai tại đây.

Tuy nhiên, phản biện ý tưởng tổ chức cuộc thi, KTS Hồ Viết Vinh- Khoa Quy hoạch, Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho rằng không khả thi, không có sự hấp dẫn, nếu giải thưởng không tương xứng sẽ không thu hút được quốc tế tham gia. Ông đề xuất không nên tổ chức cuộc thi ý tưởng mà chọn giải pháp về bảo tồn phát triển trên một khu vực, làm thí điểm một mô hình nếu hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng mô hình ra phạm vi lớn hơn.

ThS. Phạm Thị Huệ Linh- Giám đốc Trung tâm IV, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) có cùng quan điểm: “Các cuộc thi về quy hoạch lớn thường không mang lại hiệu quả cao, vì người tham gia cần có một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu về đối tượng mới quy hoạch phù hợp và đối tượng tham gia là những cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp thiên về chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy, đề xuất nên tổ chức cuộc thi về giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu di sản, tìm kiếm các ý tưởng hay, mới mẻ để phát triển từng mô hình, từng khu vực”.

Tổng hợp cả 2 luồng ý kiến, ThS. Phạm Thị Thanh Hường- Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, lưu ý về tên gọi cuộc thi cần thiết kế cho phù hợp, theo yêu cầu, mục đích hướng đến của cuộc thi. Tuy nhiên đề nghị xem lại có cần tổ chức thi hay không vì thi hay không thi cũng phải làm quy hoạch theo quy trình xây dựng. Tổ chức cuộc thi chủ yếu là để tổ chức thu thập thêm các ý tưởng hay, đồng thời tạo sự chú ý, truyền thông quảng bá di sản, thương hiệu.

Đoàn khảo sát quy trình sản xuất gạch.
Đoàn khảo sát quy trình sản xuất gạch.

Nếu tổ chức cuộc thi thì cái quan tâm là đối tượng của cuộc thi hướng tới là chuyên nghiệp hay không chuyên? Để cuộc thi đảm bảo tính hấp dẫn thì phải có giải thưởng hấp dẫn như vậy nguồn lực sẽ như thế nào, ngân sách nhà nước có đảm bảo? Cuộc thi diễn ra thời gian nào, kéo dài bao lâu?... Đây là những câu hỏi mà nhà tổ chức cần nghiên cứu kỹ khi xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi. Việc tổ chức thi nhìn chung đem lại lợi ích cho việc lập quy hoạch nhưng cũng sẽ bị rủi ro nếu như kéo dài thời gian.

Nhìn chung các ý kiến còn khá phân vân về việc tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch- kiến trúc và giải pháp đầu tư cho khu Di sản đương đại Mang Thít. Đồng thời, chú ý quan điểm quy hoạch vùng di sản phải đảm bảo tính chuyển đổi, đa dạng và phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đề xuất thực hiện quy hoạch chung song song với tổ chức cuộc thi để tranh thủ được thời gian, bảo tồn khu di sản. Đề xuất tổ chức cuộc thi giải pháp đầu tư hay sáng kiến bảo tồn và phát triển để tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, không tổ chức một cuộc thi với quy mô quốc gia, quốc tế.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh