Phát huy thế mạnh, phục hồi du lịch

Cập nhật, 08:53, Thứ Ba, 02/08/2022 (GMT+7)

Sau 2 năm gần như đóng băng bởi dịch COVID-19, du lịch Vĩnh Long đã có những khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3. Những nỗ lực thích ứng, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, làm mới loại hình du lịch cũng đang được đẩy mạnh thực hiện, phát huy thế mạnh mang tới những tín hiệu lạc quan, góp phần quan trọng giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.

Làng nghề chằm nón cũng được hướng tới xây dựng là điểm đến đặc trưng của tỉnh.
Làng nghề chằm nón cũng được hướng tới xây dựng là điểm đến đặc trưng của tỉnh.

Ngành du lịch khởi sắc

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, toàn tỉnh đã trở về trạng thái bình thường mới từ giữa cuối tháng 4/2022, đây là điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) phát huy tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội. Ngành đã hoàn thành việc triển khai thực hiện phục hồi du lịch tỉnh giai đoạn 2, đồng thời đang triển khai giai đoạn 3. Trong đó, tập trung mở rộng hoạt động du lịch nội vùng tỉnh Vĩnh Long, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành y tế, Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức 2 cuộc thẩm định kế hoạch phòng dịch và phương án xử trí khi có cá nhân nhiễm COVID-19, đồng thời trình phê duyệt cho 106 cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện.

Đầu tháng 5/2022 ngành VHTTDL đã ban hành văn bản kích cầu du lịch và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các điểm vườn trái cây, các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch bằng những việc làm thiết thực như: chỉnh trang cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, khuyến mãi giá vé và xây dựng sản phẩm mới phục vụ khách. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động trong việc đón khách đảm bảo các quy định phòng dịch; tăng cường tuyên truyền về du lịch Vĩnh Long- điểm đến an toàn để thu hút du khách quay lại sau thời gian bị tác động của dịch bệnh,...

Theo ông Nguyễn Trọng Tín- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL), để phục hồi du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đề án trình UBND tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch, có xây dựng tour tuyến mới của tỉnh, cùng với làng nghề gạch gốm Di sản đương đại Mang Thít và làng nghề cốm kẹo gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, ngành du lịch bắt đầu khảo sát tuyến sông Long Hồ có làng nghề như chằm nón lá và làng nghề đan rổ, rế Mang Thít… “Với những điểm đến độc đáo như nhà dừa, nhà gốm đỏ, nhà tre, chúng tôi cũng khảo sát và tìm những điểm đến mới như nhà thuyền “độc nhất miền Tây” của ông Cao Văn Năm ở Mang Thít…”- ông Tín cho biết.

Với quyết tâm, nỗ lực của ngành, du lịch Vĩnh Long có những khởi sắc, tổng lượt khách và doanh thu tăng liên lục. Trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 410.000 lượt khách (tăng 13,9% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.100 lượt (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021), khách nội địa ước đạt 407.900 lượt (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu ước đạt 200,4 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021).

Quan tâm xây dựng sản phẩm đặc thù

Nhằm để tránh việc na ná nhau về sản phẩm du lịch giữa các tỉnh trong khu vực, phát huy thế mạnh của du lịch, tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó xác định giai đoạn 2020- 2025 tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc thù. Cụ thể: Du lịch homestay nghỉ dưỡng, tạo dựng thương hiệu đệ nhất homestay trên nền tảng thương hiệu các homestay đạt chuẩn ASEAN; du lịch văn hóa, trong đó hướng đến các lễ hội và di tích, điểm đến mang tính độc đáo, độc bản như: Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu… Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, xây dựng trên nền tảng du lịch sinh thái, các vườn cây trái, vùng chuyên canh, nông nghiệp sạch,… hướng tới gắn với giá trị độc đáo là Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đồng thời chú trọng du lịch làng nghề gắn với các làng nghề đặc trưng của tỉnh (chằm nón, tàu hủ ky, chằm lá,…) và trọng tâm là làng nghề gạch, gốm Mang Thít…

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở VHTTDL, qua quá trình triển khai, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định như tiếp tục nâng cao chất lượng các homestay hiện có, trong đó tập trung quan tâm 2 homestay đạt chuẩn ASEAN của tỉnh là Homestay Út Trinh và Homestay Phương Thảo. Hỗ trợ điểm Nhà dừa CocoHome đạt chuẩn cấp tỉnh. Thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều homestay đạt chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh công nhận để xây dựng thương hiệu đệ nhất homestay trong chuỗi liên kết du lịch 13 tỉnh- thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác của ngành du lịch đến khảo sát điểm đến nhà thuyền “độc nhất miền Tây” của ông Cao Văn Năm ở Mang Thít.
Đoàn công tác của ngành du lịch đến khảo sát điểm đến nhà thuyền “độc nhất miền Tây” của ông Cao Văn Năm ở Mang Thít.

Trong du lịch văn hóa, sản phẩm trải nghiệm xem hát bội đã được Sở VHTTDL đưa vào thử nghiệm phục vụ du khách trong thời gian qua khá thành công, đã giới thiệu các công ty lữ hành để phục vụ khi khách có nhu cầu. Trong du lịch nông nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục khai thác và nâng cao chất lượng các điểm vườn sinh thái trước đây, Sở VHTTDL đang phối hợp khảo sát các điểm vườn nông nghiệp sạch trồng theo quy trình an toàn để quảng bá cho du khách với các loại trái cây đặc trưng của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh chia sẻ: “Nhìn chung, các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đang trong giai đoạn được tập trung xây dựng để du lịch tỉnh nâng cao tính cạnh tranh, tạo những sản phẩm riêng thu hút du khách. Thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với du khách và người dân, để qua đó mọi người nhanh chóng nắm thông tin, tiếp nhận, trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm của
địa phương”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ