Kỳ 2: "Hai Lúa" mở đồng sen đón khách

07:08, 13/08/2017

Vài năm trước, mấy ông Hai Lúa mở cửa ruộng sen, cất vài cái chòi thoi loi giữa đồng nước đón khách quen, tưởng làm chơi… mà có ăn thiệt, người này truyền tai người kia tới "chơi sen"! Từ cách làm sáng tạo của những người nông dân còn gợi mở hướng phát triển cho cây sen vùng Tháp Mười ở Đồng Tháp.

 

Vài năm trước, mấy ông Hai Lúa mở cửa ruộng sen, cất vài cái chòi thoi loi giữa đồng nước đón khách quen, tưởng làm chơi… mà có ăn thiệt, người này truyền tai người kia tới “chơi sen”! Từ cách làm sáng tạo của những người nông dân còn gợi mở hướng phát triển cho cây sen vùng Tháp Mười ở Đồng Tháp.

Du khách hòa vào cánh đồng sen bạt ngàn.
Du khách hòa vào cánh đồng sen bạt ngàn.

“Ông già đồng sen nồng hậu”

“Đồng Tháp Mười mùa nào cũng có sen và đẹp nhất là vào mùa nước, nước càng nổi sen càng vọt lên. Vùng này trước nữa toàn sen rừng lởm bởm trong đìa, lung xen với rừng tràm… Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, cư dân mới khai phá trồng lúa 2 vụ, rồi trồng sen”- lão ông tri điền Hai Hơn (ông Nguyễn Văn Hơn- chủ Khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp) nồng hậu mời khách trà tim sen mở đầu câu chuyện thật cuốn hút.

Ngày cuối tuần, khách đến đồng sen khá đông, thỉnh thoảng ông Hai Hơn quay ra biểu “xấp nhỏ đẩy chẹt đón khách, pha trà mời khách…”

Lão nông tri điền Hai Hơn nói mình được sinh ra và lớn lên nơi quê hương vùng trũng Đồng Tháp Mười này đã hơn 65 mùa nước nổi.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen” mà, nên ông luôn trăn trở: “Vĩnh Long làm du lịch miệt vườn, Cần Thơ người ta làm du lịch bè cá… Tui suy nghĩ phải làm gì gắn liền với quê hương mình”. Từ thực tế sản xuất làm lúa giá cả bấp bênh, trồng sen hiệu quả không cao, ông Hai Hơn đã nghĩ đến việc tận dụng ruộng sen để làm du lịch.

Nghĩ là làm, từ mùa nước nổi năm 2013, ông đã “mở cửa” ruộng sen hơn 30 công, đúng độ sen nở rộ rất đẹp đón khách. Ban đầu khách địa phương truyền tai nhau, “share” hình ảnh đồng sen tuyệt đẹp trên các mạng xã hội và khách biết nên tới “chơi sen” nườm nượp.

“Làm du lịch mệt thiệt, nhưng mà vui”- bà Hai Hơn xởi lởi, “thấy mấy nhỏ tới đây chơi hồn nhiên, dễ thương lắm”.

Bà Hai kể có đoàn khách sinh viên ở Vĩnh Long tới, chẹt đợi sẵn hổng chịu mà cởi đồ nhảy ùm ùm bơi qua kinh. Tới đây ăn uống, câu cá, tắm ruộng cả ngày mà còn nói chưa đã. Hồi về còn để bọc quần áo “tụi con gửi mai mốt xuống nữa…” Thím cất giữ dùm mà “thấy thương quá trời!”

Khách dễ thương và tình cảm nông dân miệt ruộng mộc mạc, nên du lịch đồng sen mỗi ngày càng thêm mới lạ. Khách đòi bơi xuồng hái sen, giăng lưới, đổ xà di, đi tắc ráng cho biết…

“Mấy cái đó nghề của tụi tui mà”, vậy là “có thêm dịch vụ. Đúng ra khách khen đồng sen tui lớn, có cảnh đẹp, còn quý khách nữa. Người ta tới thấy có ông già tiếp khách nồng hậu, hỏi vui lớn tuổi rồi sao còn làm. Tui nói thiệt, tui ở đây để tiếp khách”- ông Hai Hơn hóm hỉnh bảo.

Lão nông tri điền Hai Hơn hào hứng uống với khách ly rượu sen và kể chuyện về Đồng Tháp Mười.
Lão nông tri điền Hai Hơn hào hứng uống với khách ly rượu sen và kể chuyện về Đồng Tháp Mười.

“Mấy ông khách tham quan Khu di tích Gò Tháp nhưng không nắm được. Tui trao đổi với mấy ổng, tui nói đây là trung tâm Đồng Tháp Mười, rồi nói về khu Gò Tháp gắn với nền văn hóa Óc Eo. Rồi tui nói tới tháp 10 tầng, ai xây dựng và vì sao nó sập…

Mấy ông cao niên mừng lắm, vì đi du lịch mà có ông già kể chuyện Đồng Tháp Mười nghe sướng lỗ tai”- ông Hai Hơn cười khà khà và bảo rằng đó cũng là “điểm lợi thế” thu hút khách tới đồng sen của ông.

Từ “đặc sản” có một không hai đó, khách còn phải lòng thực đơn từ món “sen rang muối ớt, sữa sen, chè sen… của bà xã tui làm. Cá lóc nướng trui gói lá sen của con trai. Món lẩu cá đồng của con gái nhỏ…”- ông Hai Hơn tự hào các món ăn đều do nhà tự chế biến sao cho thiệt dân dã để khách cảm nhận hương vị đồng quê.

 

Theo thống kê của  Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, Khu du lịch sinh thái Đồng Sen hiện có hơn 15ha đang được khai thác để phát triển du lịch. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, đã thu hút được hơn 36.000 lượt khách trong và ngoài nước. Ước doanh thu đạt hơn 2,1 tỷ đồng, tăng hơn 86% so cùng kỳ năm ngoái.

 

Những giá trị tăng thêm từ du lịch sen

Dọc tuyến đê ngăn cách một bên là rừng tràm, năng, sen thuộc phạm vi bảo vệ Khu di tích Gò Tháp; một bên là cánh đồng mênh mông mà từ vài năm qua đã chuyển từ lúa sang trồng sen.

Nhiều nông dân mở ruộng sen đón khách tương tự mô hình của chú Hai Hơn, khiến khách đến đây như lạc vào “phố du lịch” gọi chung là cánh đồng sen Tháp Mười, hiện mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách tham quan. Thời gian này, mặc dù chủ ruộng thiệt lòng “ruộng ít bông sen lắm nhen”, nhưng khách vẫn muốn vô đồng sen hít thở không khí đồng nội.

Anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa (Tháp Mười) cho biết anh trồng 4ha sen, sau khi trừ chi phí một năm lời hơn 300 triệu đồng. Với diện tích sen hiện có, anh còn làm dịch vụ du lịch, mở quán cho khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn từ sen, tính ra lời gấp 2-3 lần trồng sen.

Trong khi anh Nguyễn Trường An- cũng là chủ của một điểm du lịch- cho biết bắt đầu làm du lịch trên ruộng sen 3ha. “Ngoài bán gương sen, gia đình tui còn có thêm thu nhập từ việc đón khách”- theo anh An, không chỉ gia đình anh mà nhiều bà con ở đây cũng có cuộc sống khấm khá hơn kể từ khi bắt tay vào làm du lịch trên ruộng sen của gia đình.

Nhiều du khách tới đây rất có cảm tình với đồng sen. Chú Nguyễn Minh Cải (77 tuổi, đến từ Lâm Đồng) cho biết: “Đây là lần thứ 3 gia đình tôi đến đồng sen Tháp Mười. Chúng tôi mê cánh đồng sen một, mà mê tấm lòng người dân Tháp Mười rất cởi mở, đầy thân thương tới hai. Hơn nữa còn vì mê mấy món ăn từ sen nữa”.

Trong khi nhóm của chị Bảo Ngọc ở Bình Thuận thì bất ngờ trước một cánh đồng sen rộng lớn, cảm giác ngồi trên đồng nước lồng lộng gió thật khó tả.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thiện- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa: “Cánh đồng sen Tháp Mười có 7 hộ làm du lịch và đang từng bước đi vào nề nếp. Các điểm đã xây dựng được nhà vệ sinh, các chòi ngoài đồng sen được sửa chữa an toàn hơn, sự thân thiện trong cung cách phục vụ. Các món ăn tại các điểm được niêm yết, không cạnh tranh giá nên khách khá hài lòng”.

Bên cạnh, để hỗ trợ thiết thực cho người nông dân làm du lịch có hiệu quả, xã Mỹ Hòa đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn đờn ca tài tử, hò cho người dân trong xã. Ngoài ra, còn tổ chức dạy nấu ăn cho bà còn để phục vụ khách chu đáo hơn.

 

Theo kết quả nghiên cứu của TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường ĐH Cần Thơ), cho thấy lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa 3 vụ/năm tại xã Mỹ Hòa (Tháp Mười) chỉ có 60,2 triệu đồng/ha; thâm canh sen thì lợi nhuận trên 117 triệu đồng/ha; trồng sen kết hợp nuôi cá cho lợi nhuận 130 triệu đồng/ha và nếu trồng sen kết hợp làm du lịch thì thu nhập lên đến 290 triệu đồng/ha. Theo TS Dương Văn Ni, ở Tháp Mười nông dân làm mô hình sen- lúa, sen- cá hoặc trồng sen quanh năm để làm du lịch đều hiệu quả. Điều đó cho thấy trồng sen trên ruộng lúa là một trong những giải pháp khả thi cho vùng ngập lũ lẫn khô hạn ở ĐBSCL.

 

>> Kỳ cuối: “Trái cây bao bụng”- đặc sản của nông dân miệt vườn

  • Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh