Đến Tiền Giang ghé thăm chùa Vĩnh Tràng

11:08, 09/08/2016

Hơn 20 năm nay, từ khi du lịch Tiền Giang thu hút đông du khách quốc tế, chùa Vĩnh Tràng đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour đi về trong ngày. Ngoài ra, khách ba lô cũng tự đến theo guidebook (sách hướng dẫn du lịch).

 

Chùa Vĩnh Tràng luôn thu hút đông du khách đến chiêm ngưỡng, hành hương.
Chùa Vĩnh Tràng luôn thu hút đông du khách đến chiêm ngưỡng, hành hương.

Hơn 20 năm nay, từ khi du lịch Tiền Giang thu hút đông du khách quốc tế, chùa Vĩnh Tràng đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour đi về trong ngày. Ngoài ra, khách ba lô cũng tự đến theo guidebook (sách hướng dẫn du lịch).

Đây là một công trình nghệ thuật kiến trúc cổ, độc đáo, có sự phối hợp hài hòa giữa kiểu dáng, vật liệu Âu- Á; là Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong- cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 5km.

Chùa Vĩnh Tràng-một lần đến

Trước đây, đối với các tour dành cho khách Nhật từ TP Hồ Chí Minh về Tiền Giang, luôn phải ghé thăm chùa Vĩnh Tràng; trước hết do khách Nhật thường thích tham quan chùa chiền, phần kiến trúc ngôi chùa này lại có sử dụng phối hợp vật liệu Nhật Bản.

Những năm gần đây, chùa được xây dựng thêm một số công trình phụ, tạo thêm điểm nhấn đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như: chợ nổi Cái Bè, biển Gò Công, cù lao Thới Sơn, Trại rắn Đồng Tâm,…, thì chùa Vĩnh Tràng là một địa điểm ở Tiền Giang khá hấp dẫn du khách. Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghé lại đây. Mặc dù đã quá 10 giờ, nắng bắt đầu gay gắt hơn, nhưng vẫn thấy từng đoàn xe du lịch “cỡ lớn” từ 29- 50 chỗ đậu thành hàng trước cổng vào.

Còn trong khuôn viên chùa, từng dòng người tấp nập đến tham quan, thắp hương tưởng niệm đức Phật và không quên lưu lại những bức ảnh đẹp về cảnh quan, kiến trúc để làm kỷ niệm. Trong đó, có khá đông du khách quốc tế.

Chị Lĩnh (quê ở Kiên Giang) nói: “Tôi được bạn bè giới thiệu về chùa Vĩnh Tràng này lâu rồi. Nay có dịp đến Tiền Giang công tác, công việc khá nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng đến cho biết. Ngôi chùa rất đẹp, có kiến trúc rất độc đáo, đây là kiến trúc lần đầu tiên tôi mới thấy. Nhất là hai cổng chùa có nhiều mảnh sành, sứ ốp lại tạo nên màu sắc sặc sỡ, tương tự như chùa chén kiểu ở Sóc Trăng vậy”.

Ngoài nét đẹp kiến trúc, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi để nhiều người về đây thắp hương, mỗi người mang theo một ước nguyện trong lòng như điểm tựa tâm linh thêm vững tin trước những khó khăn trong cuộc sống.

“Đến đây tham quan, chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo, chúng em còn thắp hương cầu Phật cho gia đình được an khang, riêng chúng em thì học giỏi để không phụ lòng cha, mẹ, thầy cô”- hai học sinh Trường THPT Đốc Binh Kiều (Cai Lậy- Tiền Giang) chia sẻ.

 

Đại đức Thích Thiện Quang cho biết, trong các ngày 28- 29 tháng 6 (âl), tại chùa diễn ra nhiều hoạt động của đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981- 2016) có chủ đề “Hình thành- Ổn định- Phát triển”.

Hài hòa kiến trúc nghệ thuật Á- Âu

Chùa Vĩnh Tràng do ông Bùi Công Đạt phát nguyện xây dựng vào đầu thế kỷ XIV. Lúc đầu, chùa chỉ là một cái am nhỏ với mái lá, vách đất.

Khi ông Bùi Công Đạt qua đời, Hòa thượng Huệ Đăng vận động tín đồ xây dựng thành ngôi chùa lớn theo kiến trúc của chùa Giác Lâm ở Gia Định, nhưng to hơn, gồm 178 cột, 2 sân thiên tỉnh, 5 lớp nhà, hoàn thành vào năm 1849 có tên là chùa Vĩnh Trường, xuất phát từ 2 câu đối “Vĩnh cửu đối sơn hà/Trường tồn tề thiên địa”, ngày nay người dân thường gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng trùng tu toàn diện ngôi chùa, và chùa có lối kiến trúc như hôm nay.

Chùa Vĩnh Tràng được xây theo dạng chữ “Quốc” trong tiếng Hán, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Nhìn tổng quan bên ngoài, chùa Vĩnh Tràng có pha lẫn lối kiến trúc Á- Âu, nhưng vẫn đảm bảo được nét hài hòa, còn bên trong, chùa giữ được nét kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt Nam.

Chùa có 4 hạng mục nối tiếp gồm: tiền đường, chánh điện, nhà Tổ và nhà hậu trên diện tích 14.000m2.

Nối chánh điện với nhà tổ là khoảng không nhỏ có hòn non bộ ở giữa. Hiện nay, chùa còn bảo tồn được 60 tượng quý tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung và được thếp vàng rực rỡ. Giá trị nhất là bộ tượng gỗ 18 vị La Hán ở 2 bên chánh điện được tạc từ thế kỷ XX.

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn và bảo tháp đang được xây dựng, tôn tạo.
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn và bảo tháp đang được xây dựng, tôn tạo.

Mỗi vị cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà nhà Phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý).

Ngoài ra, chùa còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo chuông nặng khoảng 150kg được làm giữa năm 1854, trên thân có khắc “Vĩnh Trường tự”, nhưng tiếc là chuông hiện không sử dụng được vì nằm dưới nước thời gian dài trong lúc bị thất lạc.

Hai cổng chùa Vĩnh Tràng được xây theo lối cổ lầu, có nhiều sành, sứ ghép lại tạo sắc màu sặc sỡ với chủ đề “long, lân, quy, phụng”, “ngư, tiều, canh, mục”, chim, hoa và các điển tích của Phật giáo. Bên cạnh đó, 5 mái chùa được xây nhô cao tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ theo quan niệm của phương Đông.

Trong khuôn viên chùa, các ao sen nở tỏa hương thơm ngát cùng tượng Phật Di Đà cao 24m cầu mong an lành, hạnh phúc; một niềm tin trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân Nam Bộ xưa nay.

 

Chùa Vĩnh Tràng đang dần hoàn thiện bảo tháp và tôn tạo tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn cạnh chùa, cao 17m, dài 35m, rộng 18m.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh