Vĩnh Long hướng tới phát triển đô thị thông minh

Cập nhật, 22:25, Thứ Tư, 27/09/2023 (GMT+7)

 

Phát triển đô thị thông minh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Phát triển đô thị thông minh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 950 ngày 1/8/2008 (Đề án 950), nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát huy các tiềm năng và lợi thế, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Vĩnh Long, Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm ĐTTM.

Theo Đề án 950, đến năm 2025, thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển ĐTTM. Trong đó, hỗ trợ ít nhất 6 ĐT/6 vùng kinh tế phê duyệt đề án tổng thể về phát triển ĐTTM và tổ chức triển khai thực hiện các tiện ích ĐTTM phục vụ cư dân ĐT.

Cùng với đó, thực hiện các mục tiêu được duyệt của chương trình, dự án ưu tiên thí điểm phát triển ĐTTM vùng ĐBSCL.

Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi ĐTTM khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL và lấy Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM.

Theo Bộ Xây dựng, đến tháng 1/2023, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một ĐT thuộc tỉnh. Theo đó, có 14/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án 950.

20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai lập đề án. Về triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ TM, có khoảng 57 địa phương và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, ATGT), y tế TM, giáo dục TM, phát triển các ứng dụng cảnh báo. Vĩnh Long nằm trong số 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.

Cụ thể, để thúc đẩy phát triển các dịch vụ ĐTTM, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, tháng 2/2020, Sở Thông tin-TT Vĩnh Long đã thành lập Tổ triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Tháng 12/2020, Sở Thông tin-TT thành lập Tổ chuyên gia đánh giá triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Các dịch vụ ĐTTM của tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những kết quả cụ thể.

Cuối năm 2022, tỉnh dừng triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Ông Đỗ Công Danh- Trưởng Phòng Quy hoạch kiến trúc (thuộc Sở Xây dựng), cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin-TT và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm ĐTTM trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Sở Xây dựng phối hợp với Phân viện Cán bộ quản lý xây dựng và ĐT miền Nam tại TP Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng chuyên sâu về quy hoạch và phát triển ĐTTM bền vững tại Vĩnh Long.

Theo ThS.KTS Nguyễn Thị Ngọc Toàn, xuất hiện từ cuối những năm 1990, thời gian đầu, thành phố TM được hiểu là đưa hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành ĐT. Giữa những năm 2000, việc xây dựng thành phố TM đặt vai trò của “hạ tầng mềm” (xã hội, nguồn lực con người…) lên trên vai trò công nghệ thông tin.

Từ năm 2010 đến nay, thành phố TM là sự kết hợp giữa hạ tầng cứng (công nghệ thông tin và các tiến bộ công nghệ) và hạ tầng phần mềm, hướng đến việc cung cấp một cách bền vững cuộc sống chất lượng cao cho cư dân và dịch vụ/môi trường kinh doanh chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng, ĐT hóa mang lại cơ hội về tăng trưởng kinh tế và các triển vọng về môi trường kinh doanh cũng như việc làm cho người dân, góp phần vào tăng trưởng. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của các ĐT và tốc độ ĐT hóa nhanh đang gây ra áp lực cho các ĐT, cụ thể là vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, kết cấu hạ tầng xuống cấp và tắc nghẽn giao thông…

Đứng trước những thách thức mà các ĐT phải đối mặt, xu hướng phát triển ĐT trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ mô hình thành phố vườn, ĐT nén, ĐT theo mô hình giao thông công cộng TOD, ĐT phức hợp đa chức năng và hiện đang chuyển sang xu hướng ĐT tăng trưởng xanh, phát thải thấp và đặc biệt tận dụng những thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển theo hướng “ĐTTM bền vững”.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, hiện có rất nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau về ĐTTM, tuy nhiên về tổng quan một ĐTTM đòi hỏi hội tụ 3 yếu tố là: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện; và dựa trên 6 tiêu chí là nền kinh tế TM, di chuyển TM, công dân TM, môi trường TM, quản lý điều hành TM và cuộc sống TM.

Theo phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển ĐTTM. Theo đó, tỉnh tăng cường trang bị những kiến thức về ĐTTM, nâng cao trình độ quản lý; làm nền tảng để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển ĐT thời gian tới.


Bài, ảnh: SÔNG HẬU