Sổ tay giáo dục

Đừng để đổi mới quá tải thành gánh nặng

Cập nhật, 22:35, Thứ Tư, 27/09/2023 (GMT+7)

Trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của chương trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên đã đổi mới phương thức giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào để học sinh không quá tải là vấn đề đặt ra.

Một số học sinh phổ thông cho biết, ngoài việc thực hiện các bài kiểm tra tại lớp, bài tập về nhà như trước đây thì các em còn phải chuẩn bị bài thuyết trình hay dự án theo nhóm. Trong khi đó, chương trình học là 2 buổi/ngày.

Bài thuyết trình, đề án là hoạt động thú vị giáo dục kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,... cho học sinh nhưng thường mất nhiều thời gian vì bài thuyết trình chẳng những cần chuẩn bị file trình chiếu mà còn phải làm video, cần thời gian thực hiện rất nhiều. Nếu môn nào cũng có bài thuyết trình, mỗi tuần phải thuyết trình 2 môn khác nhau thì chương trình đối với các em là rất nặng.

Bên cạnh, vẫn còn tình trạng các thành viên trong nhóm sao nhãng, ỷ lại khi làm việc nhóm. Trong một nhóm đông, thái độ làm việc của các thành viên trong nhóm là không giống nhau, thậm chí có một vài học sinh không làm gì vẫn có điểm. Bởi vì, điểm thuyết trình thường được chia đồng đều cho các thành viên trong đội, hoặc cộng thêm 1 điểm cho học sinh thuyết trình.

Thiết nghĩ, đổi mới phương pháp không phải là cứng nhắc bê nguyên xi một phương pháp dạy học nào đó liên tục hoặc là phô hết các phương pháp ra trong cùng một môn học. Tùy từng bài học, từng môn học mà giáo viên nên tính toán thiết kế các hoạt động sao cho phù hợp nhẹ nhàng.

Làm sao để đổi mới nhưng không quá tải, đổi mới nhưng vẫn có thời gian cho học sinh vui chơi, sáng tạo để việc học tập không phải là gánh nặng mà là niềm vui, sự say mê; như vậy, mới mang đến hiệu quả tích cực nhất.

VĨNH PHÚC