Nuôi con bằng sữa mẹ- nguồn dinh dưỡng hoàn hảo dành cho trẻ

05:08, 01/08/2023

"Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) tại nơi làm việc"- là chủ đề của Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2023 từ ngày 1-7/8. Tuần lễ này được tổ chức hàng năm nhằm giúp người dân có thể nhận thức đúng hơn về ý nghĩa của việc NCBSM, hãy để cho con lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này.

 

Sữa mẹ bảo vệ trẻ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.
Sữa mẹ bảo vệ trẻ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.

“Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) tại nơi làm việc”- là chủ đề của Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2023 từ ngày 1-7/8. Tuần lễ này được tổ chức hàng năm nhằm giúp người dân có thể nhận thức đúng hơn về ý nghĩa của việc NCBSM, hãy để cho con lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này.

Cần cho trẻ bú ngay khi chào đời

NCBSM là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cần được NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu tiên và hoàn hảo dành cho trẻ sơ sinh từ giây phút đầu tiên bé lọt lòng mẹ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.

Các đặc tính miễn dịch của sữa mẹ đảm bảo tình trạng dinh dưỡng đầy đủ, tăng trưởng thích hợp và phát triển khả năng phòng chống bệnh tật ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, NCBSM về cơ bản làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm vì nó loại bỏ mọi nguy cơ ô nhiễm từ sữa công thức hoặc các chất lỏng và thực phẩm khác.

Chị Nguyễn Anh Thy (Phường 2, TP Vĩnh Long) nắm chặt bàn tay bé nhỏ của con trai, nhìn khuôn miệng con háo bú nuốt trọn những dòng sữa mẹ ngọt ngào, chị thấy hạnh phúc biết bao!

“Ngay khi mẹ sinh mổ bắt con ra, con được bác sĩ đặt “da kề da” với mẹ. Con oe oe trườn lên tìm ti mẹ theo bản năng, được bú những giọt sữa non đầu tiên. Cảm giác ấm áp, vui mừng khi nhìn thấy con bé bỏng, đó là giây phút hạnh phúc nhất được làm mẹ của tôi, thương yêu lắm!”- chị Thy xúc động.

Mặc dù đã sinh bé thứ 2, nhưng trải nghiệm về NCBSM của chị Lê Thanh Trúc (TX Bình Minh) trở nên rất mới mẻ. “Khi khám thai và được các bác sĩ tư vấn, tôi mới biết cho con bú sớm sau sinh là một trong 9 bước bản năng đầu đời của con và sẽ tăng khả năng NCBSM hoàn toàn lên 50%. Con vừa sinh ra, nằm trên ngực mình, đẩy chân, tự trườn bò tìm bú mẹ, làm tôi quá hạnh phúc”, chị Trúc cảm nhận.

Theo BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, dù là sinh thường hoặc sinh mổ, tất cả các mẹ đều được đảm bảo có thể cảm nhận được sự gắn kết thiêng liêng và khó quên cùng con bằng phương pháp da kề da với mẹ ít nhất 90 phút, kể cả trẻ sinh non, nhẹ cân.

Vì vậy, các bé đều được hưởng những giọt sữa non quý giá của mẹ ngay trong giờ phút đầu đời. “Cho bé bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh với nhiều ưu điểm: Sữa non dễ tiêu hóa, nhiều chất dinh dưỡng, kháng thể bảo vệ…

Mặc dù sữa non rất ít, chỉ khoảng 3-5ml sữa nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được. Thắt chặt mối liên hệ giữa mẹ và bé thông qua kích thích xúc giác như sờ, sưởi ấm và mùi. Việc cho trẻ bú sữa mẹ cũng giúp mẹ giảm đau, bớt lo lắng, giảm chảy máu sau sinh, giúp co hồi tử cung, bảo vệ chống lại ung thư vú và buồng trứng... giúp tâm lý mẹ và bé ổn định hơn”- BS Mỹ Dung cho biết.

Dù ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng tỷ lệ này còn thấp, ước tính năm 2015 là 22,7% và năm 2020 là 45,4%.

“Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”

Với chủ đề trên, Tuần lễ thế giới NCBSM năm nay sẽ tập trung đẩy mạnh việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ phải đi làm tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Để hưởng ứng Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2023, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế 8 huyện, thành phố cùng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2023.

Cụ thể, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung hướng dẫn doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Ngoài ra, tuyên truyền cho người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp về lợi ích của việc NCBSM để hỗ trợ thiết thực cho bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn và duy trì nguồn sữa mẹ khi trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản.

Truyền thông, tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc NCBSM đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tăng cường thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh những trường hợp sinh tại trạm y tế nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Song song đó, tổ chức tư vấn NCBSM cho phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ về lợi ích của việc cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không nước, không sữa bột, không thức ăn bổ sung) và bú mẹ kéo dài đến 24 tháng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh