Lan tỏa sâu rộng hành động bảo vệ môi trường

05:08, 01/08/2023

Đề cao vai trò của cộng đồng, hạn chế hành vi gây hại ngay từ thói quen hàng ngày là một trong những trọng tâm trong chính sách về môi trường hiện nay. Nhiều chương trình truyền thông, những mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) được triển khai, lan tỏa đến từng ấp, từng nhà, tạo chuyển biến tích cực.

 

Ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan cần được hình thành từ thế hệ trẻ.
Ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan cần được hình thành từ thế hệ trẻ.

Đề cao vai trò của cộng đồng, hạn chế hành vi gây hại ngay từ thói quen hàng ngày là một trong những trọng tâm trong chính sách về môi trường hiện nay. Nhiều chương trình truyền thông, những mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) được triển khai, lan tỏa đến từng ấp, từng nhà, tạo chuyển biến tích cực.

Thay đổi trong nhận thức và hành động

Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc- Lê Sơn Hải chia sẻ, nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Thực hiện Luật BVMT, công tác BVMT ở nước ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác BVMT. Nhận thức về BVMT trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp: đất đai bị xói mòn, thoái hóa; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm…

Ông Lê Sơn Hải nhấn mạnh: “Để giải quyết các vấn đề về môi trường, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đặc biệt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác BVMT trong toàn thể cán bộ, công chức và toàn xã hội”.

Theo ThS Võ Quốc Bảo- Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT), tại tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về “Chống rác thải nhựa”. Trong đó, có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilon.

Đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai sử dụng mô hình 3T (tiết giảm- tái sử dụng- tái chế) nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại túi nilon, các sản phẩm nhựa phát sinh trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Đẩy mạnh cuộc vận động người dân trên địa bàn tỉnh không xả rác ra đường và kênh rạch; không thải bỏ chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa bừa bãi xuống đường phố, kênh rạch, cống rãnh. Và định kỳ tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh, thu gom rác thải nhựa tồn đọng tại các khu vực công cộng, khu đất trống, sông, kênh, rạch.

ThS Võ Quốc Bảo tiến hành điều tra khảo sát 998 người trên toàn tỉnh. Kết quả, có 94,87% biết được rác thải nhựa gây tác hại với tự nhiên và 85,64% biết được các hành động chống rác thải nhựa. Sở TN-MT đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho hơn 1.000 người, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng về BVMT; xây dựng các mô hình nổi bật như: cơ sở du lịch cam kết giảm thiểu sử dụng và chống rác thải nhựa tại Khu du lịch Bến Thành- Vinh Sang (Long Hồ), ngôi nhà gom rác thải nhựa trong trường học…

Hình thành ý thức, thói quen cho thế hệ tương lai

Trong xây dựng khung tiêu chí trường học xanh, 100% trường học đồng ý rằng đây là việc làm cần thiết, sẵn sàng tham gia thực hiện các giải pháp trường học xanh.

Chú trọng công tác bồi dưỡng cho tất cả cán bộ, giáo viên thực hiện hiệu quả việc giảng dạy lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu trong các môn học theo quy định. Song song đó, triển khai các hoạt động tuyên truyền, xây dựng trường học xanh cho học sinh với các hình thức phong phú, phù hợp.

Những bài học về BVMT được truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất ngay trong sinh hoạt hàng ngày của các em. Các em tìm hiểu ý nghĩa của việc thiết lập điểm tái chế ở trong trường học, thu gom những đồ vật có thể tái chế như giấy, vỏ hộp nhôm hay chai nhựa.

Ở nhà thì sử dụng bóng đèn nào ít tiêu hao năng lượng; thời gian nào trong ngày được quy định là giờ cao điểm về sử dụng điện; khi ra khỏi phòng phải tắt đèn; khi sử dụng quạt thì chỉ mở đủ dùng...

 Từ những bài học trên lớp, các em đã hiện thực ý tưởng bảo vệ môi trường từ những mô hình nhỏ.
Từ những bài học trên lớp, các em đã hiện thực ý tưởng bảo vệ môi trường từ những mô hình nhỏ.

Trong các giờ thực hành, ứng dụng kiến thức vào sáng tạo khoa học, kỹ thuật, nhiều sản phẩm do chính các em thực hiện có ý tưởng BVMT. Em Lê Hồng Thuận (TT Trà Ôn) chế tạo ra tàu bảo vệ, xử lý, chăm sóc BVMT, thủy sản, ao hồ.

Mô hình tàu thủy tích hợp các chức năng như thu gom rác, rải thức ăn, vôi, thuốc, tạo oxy phục vụ chăn nuôi thủy sản. Em Bành Gia Phúc (học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, TP Vĩnh Long) thì tạo đất nặn xà phòng và gel rửa tay từ dầu ăn thừa.

Tận dụng dầu ăn thừa để tạo ra đất nặn an toàn cho trẻ và gel rửa tay có khả năng diệt khuẩn cao, giúp người sử dụng an tâm hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng, nhóm bạn Lâm Nguyễn Phúc Thịnh (Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm) thì sáng tạo nên mô hình nhà chống ngập. Với thiết kế độc đáo, tuy xây trên cạn nhưng gặp khi nước lụt, nhà sẽ nương theo mực nước mà nổi lên…

Việc giáo dục ý thức và hành vi BVMT cho thanh niên, thiếu niên cần được tiếp tục coi trọng tại các gia đình, các khu dân cư, các trường học, doanh nghiệp... Đây là việc làm thường xuyên, liên tục gắn liền với tất cả các hoạt động học tập, sản xuất, vui chơi giải trí cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần tạo thành thói quen cho thế hệ tương lai.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh