Những nguy cơ khi trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

02:05, 23/05/2023

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất là những thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, sự tăng trưởng, phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ sau này. Do đó, các bà mẹ cần đặc biệt quan tâm vấn đề này.

 

 

Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm.
Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất là những thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, sự tăng trưởng, phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ sau này. Do đó, các bà mẹ cần đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Trẻ thấp còi do thiếu dinh dưỡng

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, qua thống kê hiện có 58% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ thì có một trẻ bị thiếu sắt là 2 vi chất quan trọng giúp cơ thể tăng trưởng và củng cố hệ miễn dịch, theo điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Kết quả này cho thấy trẻ em Việt Nam đang đối mặt với thách thức thiếu vi chất kẽm, sắt.

“Trẻ thiếu vi chất khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở quá trình tăng trưởng và phát triển toàn diện”- BS Ngọc Diệp nói và cho biết thêm rằng thiếu vi chất còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn”, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ.

Theo Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, ở trẻ, các vitamin và khoáng chất rất dễ bị thiếu là vitamin A, B1, C, D, sắt, i-ốt, kẽm. Thiếu vitamin A, trẻ thường có biểu hiện chậm lớn, răng mọc không đều, da tay nhăn nheo, mắt khô, sức đề kháng kém. Thiếu kẽm cũng làm trẻ chậm lớn, chán ăn thường xuyên, hay cảm lạnh. Thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt, trẻ thường có biểu hiện: da bị ngứa, tóc khô dễ gãy, móng tay mềm, mặt mũi nhợt nhạt, xanh xao. Khi trẻ biếng ăn, tiêu hóa không tốt, có thể do thiếu vitamin B1.

Cần chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong thai kỳ, nếu thai phụ không chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân để xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng thì rất có thể trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai (trẻ sinh ra đủ tháng mà có cân nặng từ 2,5kg trở xuống thì bị xác định là suy dinh dưỡng từ bào thai). Đây là một bất lợi lớn đối với trẻ.

Nếu có chế độ cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thì trong 3 năm đầu đời trẻ có thể tăng nhanh về chiều cao, cân nặng (thông thường trẻ tăng 25cm chiều cao trong năm đầu tiên; năm thứ 2 tăng khoảng 12cm, năm thứ 3 tăng khoảng 8-10cm). Nếu để đến 4, 5 tuổi mới cho trẻ đi khám dinh dưỡng thì khi đó sẽ khó can thiệp, cải thiện hơn.

Do đó, giải pháp đầu tiên để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em là cần phải chú ý dinh dưỡng của người mẹ trước khi mang thai, trong khi mang thai và cả trong quá trình nuôi con nhỏ.

Trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, cần ưu tiên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất 2 năm, chỉ cho trẻ sử dụng sữa công thức khi tình trạng không đủ sữa mẹ. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn...

Theo kế hoạch thực hiện “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, ngành y tế Vĩnh Long phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất, dinh dưỡng và tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được cung cấp miễn phí viên đa vi chất đạt độ bao phủ tối thiểu là 60%. Ngoài ra, tăng thêm 5% so với năm 2022 tỷ lệ trẻ em từ 6-23 tháng tuổi ăn bổ sung đúng, đủ và đạt độ bao phủ 80% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp (nếu có).

Song song với việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng để thức ăn không là nguồn gây bệnh.
Song song với việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng để thức ăn không là nguồn gây bệnh.

Mục tiêu ngành hướng tới nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể trạng tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2023.

Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, phụ huynh cần “tô màu” cho bữa ăn của con. “Một bữa ăn nhiều màu sắc thì chứa được đầy đủ chất ở trong đó hơn. Trẻ cần được ăn đủ 4 nhóm: bột đường, đạm, béo, vitamin- khoáng chất. Khi trẻ bị bệnh thì không nên kiêng khem quá mức mà phải được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Chăm sóc, nuôi dưỡng bé trong môi trường sạch sẽ, xổ giun định kỳ và chủng ngừa đầy đủ”.

Đồng thời, ba mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng thường xuyên cho trẻ bằng cách cân đo hàng tháng. Nếu trẻ có dấu hiệu bị chững lại thì cần điều chỉnh ngay chế độ dinh dưỡng. Nếu sau khi điều chỉnh mà trẻ vẫn không cải thiện thì cần cho trẻ đi khám dinh dưỡng.

Ngoài ra, hãy cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 1 năm 2 lần theo chỉ định của bác sĩ và bà mẹ ngay sau khi sinh con cũng cần được uống một liều vitamin A.

Theo BS.CK2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để trẻ không thiếu vi chất dinh dưỡng, bảo đảm vitamin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi gia đình về lợi ích của vi chất dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ và bà mẹ.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh