Làng nghề tàu hủ ky xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), đã được công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đã có rất nhiều niềm vui, kỳ vọng cho sự phát triển một di sản làng nghề vẫn đang tồn tại và phát triển. Nhiều vấn đề đặt ra và cũng cần có một chiến lược, quy hoạch hay một đề án cụ thể để biến những mong muốn hôm nay sớm trở thành hiện thực.
Lãnh đạo tỉnh trao Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh”. |
(VLO) Làng nghề tàu hủ ky xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), đã được công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đã có rất nhiều niềm vui, kỳ vọng cho sự phát triển một di sản làng nghề vẫn đang tồn tại và phát triển. Nhiều vấn đề đặt ra và cũng cần có một chiến lược, quy hoạch hay một đề án cụ thể để biến những mong muốn hôm nay sớm trở thành hiện thực.
Cách đây hơn 12 năm, tôi cùng các đoàn khảo sát của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long đã nhiều lần về tận làng nghề và đi dọc theo con sông Trà Ôn bắt đầu từ vàm Tắc Từ Tải, đi qua các xã Mỹ Hòa về xã Đông Thạnh (TX Bình Minh), kết thúc ở cồn Công, làng bánh tráng ở cù lao Mây (Trà Ôn), một quãng đường vừa vặn cho một tuyến du lịch hấp dẫn nếu là người có nghề xây dựng tour.
Những năm 2018-2019, tôi cũng nhiều lần tham gia khảo sát lại tuyến này, nhưng cũng chẳng thấy một dự án nào được triển khai.
Các đơn vị mới thì còn khá e dè, còn các công ty du lịch cũ thì chẳng muốn rời bỏ địa bàn quen thuộc ở 4 xã cù lao Long Hồ, để thử nghiệm ở địa bàn mới lạ.
Vậy là chúng ta… ngậm ngùi nhìn các hãng, các nhóm du lịch ba lô hoặc các công ty từ TP Cần Thơ họ khai thác tuyến này từ rất lâu, cho đến nay vẫn rất hiệu quả.
Nhiều du khách ba lô tự đến, tự tham quan trải nghiệm; còn các hãng du thuyền từ TP Cần Thơ thì luôn ngang qua tuyến sống này rồi nối tuyến vào sông Măng đi qua sông Tiền.
Vậy là du lịch Vĩnh Long cứ mãi nói là lợi thế giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, nhưng hơn 4 thập kỷ chúng ta chỉ khai thác được hướng sông Tiền.
Trong khi mặt sông Hậu sát nách đô thị trung tâm của đồng bằng, rất nhiều nguồn khách đa dạng từ bình dân đến cao cấp, xem như… bỏ trống.
Ở cù lao Mây thì mọc lên vài ba điểm làm du lịch kiểu tự phát, đò du lịch từ Cần Thơ đưa khách qua ăn chơi tầm một buổi rồi về. Họ cũng chẳng muốn làm lưu trú vì ngại không rành nghiệp vụ dù có nhiều yêu cầu từ khách du lịch.
Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI |
Nhưng kiểu làm du lịch tự phát có cái hay và có nhiều cái dở, các hãng lữ hành chuyên khách bình dân, cũng như khách ba lô rất thích kiểu tự khám phá.
Họ không có yêu cầu cao, thích thâm nhập sâu vào đời sống, sinh hoạt, văn hóa người dân bản địa. Nhưng kiểu làm này rất dễ làm “chai” những tài nguyên du lịch, rất dễ làm hỏng không gian, môi trường du lịch nguyên sơ, quan trọng hơn là nguồn thu thấp nhưng nguy cơ tổn hại tài nguyên du lịch là rất lớn.
Do đó, đầu tư bài bản, đầu tư có chiều sâu, chuyên nghiệp và đẳng cấp là rất cần thiết để cho ra đời những dòng sản phẩm du lịch xứng tầm với một vùng đất, địa phương có nhiều tiềm năng.
Bữa tiệc có nhiều món ăn được làm từ nguyên liệu tàu hủ ky. |
Có thể nói Bình Minh sở hữu một tuyến sông rất đẹp chảy qua tạo nên những vùng đặc sản và giờ chúng ta đã có thêm một di sản tầm vóc quốc gia.
Ai sẽ viết lên câu chuyện có thể như một truyền thuyết cho dòng sông này đã tạo nên miền đặc sản bưởi năm roi, vườn thanh trà, làng nghề tàu hủ ky và xa xưa nữa là xóm làm lu ở xã Mỹ Hòa.
Cần một chương trình quảng bá, xúc tiến cho các đoàn famtrip, sớm có thể xây dựng nên một làng du lịch cộng đồng quyến rũ có thể lôi kéo nguồn khách từ TP Cần Thơ tạm rời những khách sạn 4, 5 sao để qua đây tận hưởng một không gian xanh yên bình bên bờ sông Hậu.
Cũng rất thuận lợi thu hút nguồn khách nội địa, lẫn quốc tế khi có cầu cảng hàng không ở TP Cần Thơ, cửa ngõ hàng năm đón tầm 8,5 triệu lượt khách.
Riêng đối với làng nghề tàu hủ ky, có nhiều ý kiến về hiện đại hóa trong khâu sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu mỹ quan, về an toàn thực phẩm nếu muốn hướng đến làm du lịch.
Nhưng nên nhớ điều ngược lại, cần phải bảo tồn những giá trị xưa cũ của di sản, những hình ảnh truyền thống mới chính là điều hấp dẫn và đó cũng là những nguyên tắc bắt buộc đối với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản.
Nhiều lần ngồi với nghệ nhân Đinh Công Hoàng, cũng như những vị cao niên ở Bình Minh, họ nhắc lại hình ảnh làng nghề tàu hủ ky hồi xưa nhìn từ xa là thấy những cây rơm chất cao hơn chục thước, khói tỏa nghi ngút từ những bếp lò đỏ lửa, tạo nên hình ảnh đặc trưng của làng nghề khởi thủy hồi trăm năm trước.
Đó cũng là những điều cần lưu ý trong quá trình xây dựng cho làng nghề nếu hướng đến làm du lịch cộng đồng.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin