Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp "hồi sinh" cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Nghĩa cử cao đẹp đó đang ngày một nhân lên, tạo nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn xã hội, rằng "cho đi là còn mãi".
Sau buổi tuyên truyền, có nhiều người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể. |
(VLO) Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Nghĩa cử cao đẹp đó đang ngày một nhân lên, tạo nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn xã hội, rằng “cho đi là còn mãi”.
Nghĩa cử cao đẹp
Hội Chữ thập đỏ vừa tổ chức buổi tuyên truyền, vận động và tiếp nhận thông tin người hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể.
Chăm chú lắng nghe những thông tin, rưng rưng nước mắt khi nghe câu chuyện hiến tạng của bé Hải An (Hà Nội) và người mẹ ở Bắc Giang đã hiến tạng con mình, cứu sống được 5 người khác, em Nguyễn Hoàng Ngọc Hân - sinh viên khoa Khoa học sức khỏe Trường ĐH Cửu Long và hơn 10 bạn khác đã đăng ký hiến tạng.
Ngọc Hân bộc bạch: “Cho đi là còn mãi. Mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép như trái tim vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng”.
Bác sĩ Lê Hồng Vinh - Khoa Ngoại tổng quát BVĐK tỉnh cho biết, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Việt Nam đã có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Các bác sĩ ở nước ta đã thực hiện thành công và làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép giác mạc…
Thậm chí, nhiều nơi đã có thể ghép đa tạng, ghép đồng thời các mô tạng cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, so với các nước trên thế giới, số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này.
Một số người còn lo lắng về tâm linh khi ra đi không trọn vẹn thân thể. Cả nước hiện có hơn 10.000 người suy tạng (gan, thận) cần ghép; khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế…
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, đến tháng 12/2022, có 20.801 người tình nguyện hiến mô, tạng.
Theo bà Nguyễn Thụy Yến Phương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, hiện có hơn 100 người tình nguyện hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể.
Thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến công tác vận động hiến máu, mô, tạng, bộ phận cơ thể người trong cộng đồng, gia tăng số lượng người tình nguyện vì mục đích nhân đạo, lan tỏa các giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong đó, đoàn viên thanh niên là những người trẻ, có sức khỏe, có kỹ năng, có nhiều mối quan hệ ngoài cộng đồng thì sẽ là tấm gương tuyên truyền, tiếp tục là cánh tay nối dài, vận động mọi người tham gia vào công tác hiến mô, tạng.
Sống một cuộc đời ý nghĩa hơn
![]() |
TS Phạm Thị Thu Hồng (trái) chia sẻ, việc hiến mô, tạng là việc làm vô cùng ý nghĩa. |
Hơn 10 năm trước, TS Phạm Thị Thu Hồng đã tự nguyện đăng ký hiến tạng. Cô luôn ý thức việc giữ gìn sức khỏe, sống lạc quan, yêu đời và luôn mang bên mình chiếc thẻ đã đăng ký hiến tạng với mong muốn “sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Một mai khi không còn nữa, mọi người sẽ thấy chiếc thẻ và làm theo di nguyện của mình”.
TS Phạm Thị Thu Hồng chia sẻ: “Gia đình chồng tôi có 3 người mất vì bệnh ung thư, trong đó có ông xã tôi. Khi ở bệnh viện chăm sóc những người thân, tôi chứng kiến biết bao cảnh đời cận kề cái chết.
Dù biết sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên nhưng phút giây đó, tôi mong có phép màu để những người thân không rời xa mình.
Tôi đã đăng ký hiến tạng vì nghĩ rằng khi mình mất đi sẽ có thể giúp đỡ được nhiều người khác. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim mình vẫn hiển hiện… Đó cũng là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.
Một điều đặc biệt ý nghĩa khi TS Phạm Thị Thu Hồng là thành viên trên nhóm Facebook “CLB Cuộc chiến chống ung thư”.
Nhóm có hơn 11.500 thành viên và qua vận động, đã có 98 người cùng đăng ký hiến mô, tạng. Con dâu của TS Phạm Thị Thu Hồng - chị Nguyễn Ngọc Nhi cũng vừa đăng ký hiến tạng.
Chị Thái Thị Hiền - Bí thư Đoàn Trường ĐH Cửu Long cho biết, tại trường học, công tác vận động các hoạt động tình nguyện hướng về cộng đồng luôn được quan tâm. Việc hiến máu tình nguyện đã được triển khai nhiều lần nhưng lần đầu tiên thực hiện vận động hiến mô, tạng.
“Từ lâu tôi muốn hiến mô, tạng nhưng chưa có kênh thông tin, chưa có cơ hội đăng ký, sau khi được thông tin từ Hội Chữ thập đỏ, nắm rõ quy định của pháp luật nên không chần chừ đăng ký ngay thực hiện ước nguyện của mình.
Là người đi đầu vận động, tôi mong muốn có nhiều bạn trẻ làm nhiều việc ý nghĩa hơn vì cộng đồng”- chị Thái Thị Hiền chia sẻ.
Những người hiến tạng ra đi, nhưng trái tim của họ vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động, hai giác mạc của họ ngày ngày vẫn ngắm nhìn cuộc sống. Họ là tấm gương sáng về lòng nhân ái và nhân văn sâu sắc. Họ đã sống một cuộc đời cao cả và trọn vẹn.
Sự ra đi không còn là trở về cát bụi mà từ đó sự sống được hồi sinh. Một mùa xuân mới nữa lại về, cây lá đâm chồi nảy lộc. Cần lắm những tấm lòng để tất cả chúng ta chung tay viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin