Hiệu quả của các nguồn lực phục vụ an sinh xã hội

Cập nhật, 10:45, Thứ Sáu, 18/11/2022 (GMT+7)
Trao tặng căn nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Bảy hồi tháng 7/2022.
Trao tặng căn nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Bảy hồi tháng 7/2022.

(VLO) Sở Lao động - TB - XH cho biết đến thời điểm này năm nay, công tác vận động các nguồn lực Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác của ngành. Các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Sở Lao động - TB - XH cho biết đến nay, ngành và các địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng.

Trong đó, 431 căn nhà từ nguồn hỗ trợ của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, 69 căn nhà từ nguồn hỗ trợ của địa phương và vận động xã hội.

Đồng thời, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh đã vận động được hơn 22,6 tỷ đồng (đạt hơn 294% kế hoạch). Thông qua nguồn này đã kịp thời góp phần hỗ trợ các gia đình chính sách còn khó khăn về đời sống, nhà ở.

Tương tự, tới hết tháng 10/2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được hơn 2,9 tỷ đồng (đạt gần 98% kế hoạch). Từ nguồn này đã góp phần hỗ trợ, phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo,... trong tỉnh.

Ngày đầu tháng 10, qua con đường ven sông rồi vào vườn, chúng tôi đến nhà ông Thạch Lý (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn). Ông Thạch Lý kể, đầu năm nay ông đã vay hàng chục triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để “đầu tư phân thuốc vào mấy công cam sành và vỗ béo đàn bò”.

Nhiều hộ dân vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư sản xuất, tạo lập sinh kế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Nhiều hộ dân vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư sản xuất, tạo lập sinh kế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Đây là sinh kế chính của gia đình ông mấy năm qua, nhờ phần “trợ lực” từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Đại diện tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp thông qua đoàn thể nông dân, ông Thạch Lý cho biết nhiều hội viên đã tiếp cận nguồn vốn này, qua đó đầu tư tạo lập và phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, thoát cận nghèo, vươn lên khấm khá.

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,26% xuống còn 0,64% (từ 17.405 hộ nghèo giảm còn 1.877 hộ nghèo). Một trong các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022, Sở Lao động - TB - XH cho biết nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,41%.

Đã có nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả cho người nghèo, như: nuôi dê thịt, nuôi bò, nuôi lươn không bùn, nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học, trồng nấm bào ngư,...

Và nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, như: hỗ trợ vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết việc làm, nước sạch, nhà ở, vệ sinh môi trường,...

Triển khai các chủ trương, chính sách cùng kết quả đạt được trên chứng minh công tác giảm nghèo đã thật sự đi đúng hướng, ngày càng có nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong định hướng tới, nhằm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, ngành chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục rà soát hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho người có công và thân nhân người có công phát sinh. Triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định.

Bài, ảnh: MINH THÁI