Tuần lễ học tập suốt đời 2022 có chủ đề: "Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID-19".
Giáo dục trẻ em - ươm mầm non đất nước. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
Tuần lễ học tập suốt đời 2022 có chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID-19”. Có thể nói, học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay đã không giới hạn việc học trong khuôn khổ không gian, thời gian nhất định mà mở rộng mọi lúc, mọi nơi, là điều kiện tốt thực hiện lời Bác dạy “Việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.
Học mọi lúc, mọi nơi
Những ứng dụng công nghệ số đã góp phần vào sự thay đổi phương thức học tập, mô hình học tập đặc biệt là sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi cá nhân đã chọn những cách học hiệu quả, phù hợp với đặc thù cá nhân, công việc của mình.
Thầy Lê Nhựt Trường - Giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa, Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Trung tâm đào tạo từ xa chính thức tuyển sinh từ tháng 1/2021, hiện nay có 1.300 học viên đang theo học bằng hình thức trực tuyến”.
Đây là hình thức học tập phù hợp với công nghệ phát triển như hiện nay; bên cạnh đó, việc học từ xa sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người học, tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển,...
Thầy Nhựt Trường cho biết thêm: “Có những tấm gương hiếu học rất đáng ngưỡng mộ, các cô chú lớn tuổi chăm chỉ học tập không vắng buổi nào và thường xuyên trao đổi thầy cô những vấn đề chưa hiểu”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu- quê quán TP Vĩnh Long, SN 1961 là một giáo viên về hưu hiện đang tiếp tục giảng dạy tại một trường tư thục ở TP Hồ Chí Minh là một tấm gương như thế.
Cô Hiếu chọn học từ xa ngành Ngôn ngữ Anh vì: “Tôi dạy môn công nghệ, học ngành này giúp ích cho tiếng Anh chuyên ngành khi tôi tìm hiểu về môn học. Và tôi cũng muốn làm gương cho con cháu mình, vì học không bao giờ là muộn cả”. Cô Hiếu là học viên siêng năng, học giỏi của lớp.
Cô Hiếu chia sẻ: “Dịch COVID-19, tôi và các bạn học online mỗi thứ bảy, chủ nhật. Hình thức học này hợp với thời gian của tôi nhưng nó mới lạ hơn, trong một thời gian học ngắn, người học phải tập trung cao độ. Tập trung mới học tốt được. Tôi thường nói vui với bạn bè, con cháu nếu ngày xưa tôi học tập trung như bây giờ, chắc tôi đã học giỏi hơn rất nhiều”.
Học online đang trở thành xu hướng cho những người vừa học vừa làm. |
Không chỉ học online giúp người học tiết kiệm, chọn thời gian phù hợp mà học viên còn có thể xem lại tiết dạy của thầy cô trên hệ thống. Nhờ vậy, những phần chưa hiểu, chưa tập trung có thể được xem lại để nắm vững vấn đề hơn.
Nhiều người cũng đã chọn cho mình hình thức học online cho những khóa học ngắn, để bổ sung kiến thức cần thiết cho công việc.
Anh Lê Hoàng Lương- viên chức ở TP Vĩnh Long chọn học online khóa chuyên viên và chuyên viên chính do Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh kết hợp với Học viện Hành chính tổ chức để đáp ứng nhu cầu công việc.
Anh Hoàng Lương cho hay: “Tôi học liên tục 2 khóa, học online mỗi tối sau khi xong giờ làm, đón con, ăn tối xong là học. Như vậy, cuối tuần tôi có thời gian bên gia đình, đưa các con đi chơi”.
Tuần lễ học tập
Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, lễ khai mạc đã được tổ chức đồng loạt ngày 1/10 tại khắp nơi trong tỉnh.
Hưởng ứng tuần lễ học tập tại huyện Trà Ôn, Quỹ khuyến học Hoa Từ Bi chùa Phước Nguyên đã trao học bổng cho 5 sinh viên; 150 suất học bổng cho học sinh, mỗi suất 500.000đ và 10 quyển tập; 10 xe đạp cho học sinh thiếu phương tiện đến trường; 50 sổ gạo cho học sinh khó khăn, mỗi em 5 kg/tháng. |
Theo đó, Quỹ khuyến học Hoa Từ Bi thuộc chùa Phước Nguyên xã Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn) đã trao học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn vươn lên trong học tập.
Đại đức Thích Mật Tịnh - Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì chùa Phước Nguyên cho biết: “Đối tượng được chúng tôi hỗ trợ trao học bổng là học sinh, sinh viên khó khăn nhưng không phải hộ nghèo, cận nghèo vì các em đối tượng này đã có chế độ, chính sách riêng.
Chúng tôi cũng không hỗ trợ sinh viên tài năng vì các em cũng đã có học bổng riêng. Những đối tượng không quá giỏi nhưng hiếu học, ham học nhưng gia đình khó khăn cần được động viên để các em tiếp tục học tập”.
Đối với học bổng dành cho sinh viên, Quỹ học bổng Hoa Từ Bi hỗ trợ các em suốt 4 - 5 năm học tập, mỗi suất 5 triệu đồng. “Khi một sinh viên ra trường thì một sinh viên khó khăn khác được hỗ trợ tiếp nối”- Đại đức Thích Mật Tịnh cho biết.
Quỹ khuyến học Hoa Từ Bi trao học bổng nhân Tuần lễ khuyến học. |
Học tập suốt đời là chuyện không của riêng ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Học không gói gọn tại trường lớp, có thể học bất cứ đâu và học bất cứ khi nào. Chúng ta có thể học thầy, học bạn, học từ những mô hình cách làm hay để áp dụng cho gia đình, bản thân mình.
Trong lễ tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Cửu Long hồi tháng 7 có sự xuất hiện của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và Hoàng Mập với tư cách tân cử nhân. Cả hai nghệ sĩ đã ở độ tuổi 50 vẫn kiên trì việc học.
Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết: “Hai năm học vừa qua là khoảng thời gian quý giá với em. Cho em gửi lời cảm ơn đến ban giám hiệu, thầy cô, bạn bè trong lớp”.
Dịp này, hai nghệ sĩ đã tặng 20 triệu đồng vào quỹ học bổng khuyến học của nhà trường. Hai nghệ sĩ đã tận dụng thời gian chống dịch COVID-19 để học thêm một ngôn ngữ mới, làm phong phú hơn kiến thức của mình.
Học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay đã giúp việc học trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Người học không hạn chế việc học trong một khuôn khổ nhất định mà mở rộng để có thể chọn lựa cho mình cách học phù hợp nhất.
Ông Trương Văn Sáu- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long: “Để khuyến khích việc học suốt đời trong mọi người dân, Tỉnh hội đang đề nghị địa phương xét chọn những cá nhân tiêu biểu, gương sáng trong học tập suốt đời để kịp thời biểu dương, khen thưởng. Học suốt đời chính là học làm theo gương Bác vì “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin