Chấp nhận khiếm khuyết của con

06:10, 20/10/2022

Ai cũng mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, lanh lợi. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ có thể mắc các dạng khiếm khuyết khác nhau, thì việc "chấp nhận" con

Gia đình và nhà trường cần đồng hành cùng trẻ.
Gia đình và nhà trường cần đồng hành cùng trẻ.

(VLO) Ai cũng mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, lanh lợi. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ có thể mắc các dạng khiếm khuyết khác nhau, thì việc “chấp nhận” con

với những đặc điểm khác biệt so với trẻ bình thường, là điều cực kỳ quan trọng cho hành trình hòa nhập cộng đồng của con.

Ông Võ Văn Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Cơ sở 4 thuộc trung tâm (xã Thanh Đức - Long Hồ) can thiệp dịch vụ cho trẻ khuyết tật, trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Ngoài chú trọng chuyên môn, chúng tôi rất quan tâm tư vấn, tham vấn cho phụ huynh”.

Theo ông, giáo viên cần tương tác, xử lý hành vi cho trẻ trong giờ học sao cho hiệu quả; còn tinh tế lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của phụ huynh.

Phụ huynh có con em bị khiếm khuyết, tâm lý thường mặc cảm, tự ti. Phải tạo được sự tin tưởng, gắn kết thì phụ huynh mới từ từ chia sẻ. Nghe bằng cả trái tim, thống nhất phương pháp dạy trẻ ở trung tâm và ở nhà bằng cả tấm lòng.

Vừa qua, Sở Lao động - TB - XH mở các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội các cấp, do giảng viên Trường ĐH Lao động - Xã hội TP Hồ Chí Minh giảng dạy. Một trong những nội dung quan trọng là làm thế nào để phụ huynh chấp nhận tình trạng khuyết tật của con mình.

Các cô dạy trẻ khuyết tật ở Trung tâm Công tác xã hội chia sẻ, ngoài giờ dạy chính thức, thì các cô thường chủ động thăm hỏi, trò chuyện cùng phụ huynh, bằng tâm thế gần gũi, tôn trọng. “Lắng nghe để hiểu - Hiểu để thương - Thương để sẵn sàng trợ giúp”.

Đó là một trong những phương châm mà các giáo viên luôn phấn đấu thực hiện. Đặt mình vào trường hợp của phụ huynh, mới thấy được những trăn trở, lo âu, vất vả mà phụ huynh đang trải qua để dạy dỗ các con. Chỉ có thấu hiểu, tiếp cận, giải thích từ từ thì phụ huynh mới dần chấp nhận khuyết tật của con mình.

Một phụ huynh kể: “Ngày nhận kết quả con bị rối loạn phổ tự kỷ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cả nhà tôi sững sờ, không thể tin nổi. Con mới 3 tuổi, dù chưa dạy chữ nhưng đã biết đọc một số từ tiếng Việt và rất thích nói, hát tiếng Anh.

Tôi cứ tưởng con mình thông minh ngôn ngữ, mà bỏ qua các dấu hiệu khác như chỉ thích chơi một mình, ít giao tiếp mắt, hay ăn vạ vô cớ... Phải một thời gian sau, tôi mới dần chấp nhận sự thật, giờ đưa con đi học để mong con tiến bộ, dù là nhỏ nhất cũng mừng vui lắm rồi”.

Mỗi trẻ khiếm khuyết với nhiều đặc điểm khác nhau. Với giáo viên, chấp nhận trẻ để bền bỉ theo nghề dù khó nhọc. Với cha mẹ, chấp nhận con để vơi nhẹ tâm lý nặng nề, phối hợp giáo dục, cùng nhìn về tương lai phía trước của con mà cố gắng vượt lên nghịch cảnh.

Bài, ảnh: THÁI LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh