Thông điệp của những quyết sách hợp lòng dân

06:05, 14/05/2022

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế- xã hội. Với mục tiêu góp phần phục hồi sản xuất- kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, người sử dụng lao động, các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời được xem là "thông điệp" của những quyết sách hợp lòng dân, tạo ra những giá trị to lớn về tinh thần để chung sức vượt qua đại dịch.

 

UBMTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể đã thực hiện rất tốt các chính sách an sinh. Trong ảnh: Hội Nông dân tỉnh tặng quà tại các khu cách ly.
UBMTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể đã thực hiện rất tốt các chính sách an sinh. Trong ảnh: Hội Nông dân tỉnh tặng quà tại các khu cách ly.

(VLO) Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế- xã hội. Với mục tiêu góp phần phục hồi sản xuất- kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, người sử dụng lao động, các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời được xem là “thông điệp” của những quyết sách hợp lòng dân, tạo ra những giá trị to lớn về tinh thần để chung sức vượt qua đại dịch.

Lấy “an dân” để phòng, chống dịch

Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, huyện Long Hồ là địa phương đầu tiên của tỉnh được phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Sau khi tiếp nhận gạo, huyện đã phân phát đến những hộ dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Gạo được cấp phát kịp thời đã đem đến sự động viên và niềm vui cho người dân.

“Cả nước đang rất khó khăn mà phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia đem đi hỗ trợ bà con còn gì quý bằng, nhận được gạo hỗ trợ từ Nhà nước tui mừng dữ lắm”- anh Phạm Minh Hiền- xã Phú Quới (Long Hồ) nhớ lại và cho biết: “Khi có gạo, chính quyền địa phương đã nhanh chóng đến từng gia đình hỗ trợ. Ngoài nhận gạo, tôi còn được nhận nước uống, rau và trái cây nữa, thiệt là vui hết sức”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Long Hồ cho biết: Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, huyện Long Hồ được phân bổ 2 đợt với trên 305.000kg gạo, hỗ trợ hơn 20.000 người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Huyện còn thực hiện các chính sách về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương và chính sách ngừng việc cho 128 lượt doanh nghiệp với gần 33.900 lao động, số tiền trên 72,7 tỷ đồng.

Bên cạnh còn thực hiện các chính sách: hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất- kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Huyện còn vận động tiền mặt, hiện vật với tổng trị giá hơn 18,1 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân Vĩnh Long ở TP Hồ Chí Minh…

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ cho biết, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Long Hồ là tâm dịch của tỉnh. Huyện và các cơ sở đã thực hiện rất tốt các chính sách của Chính phủ. Lấy “an dân” để phòng chống dịch; lo cái ăn, cái ở cho người dân khi thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở đó”.

Khi huyện kêu gọi hỗ trợ, đã nhận được sự ủng hộ lớn, trong khó khăn mới thấy được nghĩa tình đồng bào rất lớn, nhất là các tôn giáo đã chung tay vận động rất tốt, về phía người dân thì có người kéo cả ao cá đem hỗ trợ khu phong tỏa…

Khẳng định vai trò mặt trận và các đoàn thể

Huyện Long Hồ tiếp nhận và hỗ trợ bình oxy miễn phí giúp người dân điều trị bệnh COVID-19.
Huyện Long Hồ tiếp nhận và hỗ trợ bình oxy miễn phí giúp người dân điều trị bệnh COVID-19.

Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ hàng hóa, lương thực, thực phẩm… hỗ trợ người dân trong các khu cách ly, khu điều trị tập trung, các khu phong tỏa, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị ước trên 180 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 4/2022, Quỹ phòng chống COVID-19 tỉnh đã tiếp nhận được trên 53,3 tỷ đồng, số tiền này được dùng để thực hiện chủ trương chi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, các cấp, các ngành trong tỉnh còn tiếp nhận trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh ủng hộ, tổng trị giá ước gần 118,6 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Các đối tượng được thụ hưởng từ việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 rất phấn khởi.

Các chính sách đều thể hiện tính nhân văn, tương thân, tương ái, giúp nhân dân nhận thức rõ và đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ, bước đầu giải quyết một phần khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Bà Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng khi hỏi người dân về việc thụ hưởng chính sách thì được biết là rất “an dân”, doanh nghiệp thì bảo rằng “rất được quan tâm, cho đến nay đã ổn định và đi vào phát triển”.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đánh giá cao công tác tham mưu, chỉ đạo, tuyên truyền phòng chống dịch; việc phối hợp thực hiện giữa mặt trận và các đoàn thể, chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan trong triển khai, tuyên tuyền, giám sát việc thực hiện chính sách; công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được thực hiện rất tốt, rất quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, không chỉ hỗ trợ cho người dân ở Vĩnh Long mà còn hỗ trợ cho người dân Vĩnh Long ở TP Hồ Chí Minh.

“Qua dịch bệnh COVID-19 thì mặt trận và các đoàn thể càng khẳng định được vai trò của mình”- bà Bùi Thị Thơm nhận định.

Qua kiểm tra công tác giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long, bà Bùi Thị Thơm lưu ý: Cần tiếp tục thực hiện việc giám sát; trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, cần quan tâm đưa các kiến nghị từ cơ sở và đề xuất đến Trung ương để đưa tiếng nói người dân đến Quốc hội và Chính phủ; đồng thời cần theo dõi các kiến nghị sau giám sát.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh