Tuyển dụng lao động, phát triển sản xuất

Cập nhật, 05:42, Thứ Sáu, 13/05/2022 (GMT+7)

 

Đông đảo sinh viên, người lao động tìm hiểu thông tin, cơ hội việc làm.
Đông đảo sinh viên, người lao động tìm hiểu thông tin, cơ hội việc làm.

(VLO) Nhiều công ty, doanh nghiệp ở Vĩnh Long và các tỉnh thành đưa yêu cầu này với người lao động nhằm khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, nhu cầu người lao động tìm việc khá đông và lực lượng sinh viên tìm hiểu thông tin thị trường việc làm cũng nhiều. Các điểm này ghi nhận tại ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2022 do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức.

Bạn Nguyễn Anh Huy (19 tuổi, TP Vĩnh Long) là sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chia sẻ có rất nhiều hoạt động bổ ích, các ngành nghề và việc làm trong ngày hội này. “Sau khi học xong em sẽ chọn một nghề phù hợp, làm tại tỉnh và cố gắng thành công với con đường mình chọn. Nhưng trước tiên em phải học tốt để nuôi ước mơ ấy...”- nam sinh viên nói.

Lê Hoàng Thảo Hân (huyện Long Hồ) học năm 2 ngành kinh tế, cùng trường với bạn Anh Huy. Nữ sinh viên quê vùng cù lao nói: “Em mong khi ra trường sẽ làm việc ngành kế toán và tại tỉnh nhà cho gần và tiện hơn”.

Đi cùng chồng dự chương trình việc làm, công nhân Phùng Thị Cất (sinh năm 1983, ngụ huyện Long Hồ) kể nhiều năm làm công ty bao bì ở TP Hồ Chí Minh, nay đã xin nghỉ việc, hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo anh chị, sau một thời gian “dành cho gia đình, nạp lại năng lượng”, nay chị Cất mong muốn dịch chuyển công việc để tiện đi lại làm lụng, chăm lo con cái.

Là doanh nghiệp có số lượng công nhân nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú) trong đợt cao điểm dịch COVID-19 năm ngoái đã được UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ hơn 21.300 người lao động với hơn 21,3 tỷ đồng.

Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, hơn 400 lao động công ty làm việc, nhằm đảm bảo các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, ổn định sản xuất.

Tháng 10/2021, công ty bắt đầu hoạt động trở lại và gia tăng công suất sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Do đó, công ty đã tiếp nhận trên 5.200 lao động để đáp ứng nhu cầu này.

Đại diện công ty cho biết, trong những năm tới, ngoài các đối tác hiện nay, công ty tăng cường hợp tác với các đối tác ở thị trường Châu Âu, mở rộng nhu cầu sản xuất.

Do vậy, công ty tiếp tục tuyển dụng khoảng 3.700 lao động phổ thông và 100 lao động chuyên môn cho các phân xưởng sản xuất.

Bà Trần Hoàng My- đại diện bộ phận nhân sự của công ty may mặc trụ sở tại TP Thuận An (Bình Dương), đến Ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp nói trên mong muốn kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động để tuyển dụng.

Phụ trách nhân sự công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động, bà Hoàng My nói: “Sau thời gian dịch COVID-19, hiện nay đơn hàng công ty có lại khá nhiều và đơn vị có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề. Chúng tôi đến đây kết nối những trung tâm đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo được lao động để tuyển dụng tham gia ngay vào công việc”.

Năm 2022, theo ngành chức năng, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của tỉnh khoảng 35.000 người (28.000 lao động phổ thông, 7.000 lao động có chuyên môn).

Sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương và từ địa phương khác về tỉnh sẽ gia tăng, lực lượng lao động bổ sung cho thị trường là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng tại tỉnh và nhiều lao động sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ quay lại thị trường lao động... là các điểm dự báo tích cực về cung- cầu lao động thời gian tới.

Hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp tuyển dụng kể trên cùng với các nhu cầu, định hướng từ người lao động nhàn rỗi, muốn tìm việc mới, lực lượng sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, lao động hưởng xong trợ cấp thất nghiệp... kỳ vọng sẽ là nguồn cung cho nhu cầu tuyển dụng, đem lại việc làm cho người lao động trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Bài, ảnh: MINH THÁI