Giúp người khuyết tật vượt khó vươn lên

05:04, 18/04/2022

Thấu hiểu với những mảnh đời bất hạnh, nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, tạo sự lạc quan cho người khuyết tật để họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống. Nhiều số phận kém may mắn sẻ chia cùng nhau tình yêu thương, truyền nghị lực và giúp đỡ nhau vươn lên.

(VLO) Thấu hiểu với những mảnh đời bất hạnh, nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, tạo sự lạc quan cho người khuyết tật để họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống. Nhiều số phận kém may mắn sẻ chia cùng nhau tình yêu thương, truyền nghị lực và giúp đỡ nhau vươn lên.

Hội thi nấu ăn dành cho phụ nữ khiếm thị mang đến niềm vui, giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống.
Hội thi nấu ăn dành cho phụ nữ khiếm thị mang đến niềm vui, giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống.

Để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Trong những năm qua, công tác giúp đỡ người khuyết tật đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của các tổ chức chính trị- xã hội, các tầng lớp nhân dân. Nhiều chủ trương chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật được triển khai kịp thời, có hiệu quả.

Nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo thêm động lực, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Công tác chăm lo cho người khuyết tật được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.
Công tác chăm lo cho người khuyết tật được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, đến cuối năm 2021, tỉnh có 27.161 người khuyết tật (gồm 5.253 người khuyết tật đặc biệt nặng, 14.655 người khuyết tật nặng và 7.253 người khuyết tật nhẹ).

Từ năm 2016 đến nay, chương trình hỗ trợ sinh kế đã góp phần trợ giúp 5.713 người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập vượt mức chuẩn nghèo (trên 700.000 đ/tháng) và trợ giúp thoát nghèo 224 hộ.

Trong 10 năm (2012- 2021), hội đã tặng 5.722 xe lăn, 788 xe lắc, 50 xe bại não, 400 gậy dò đường, xây mới gần 1.000 căn nhà tình thương… giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống.

Mang trong người bệnh gai cột sống nhiều năm, anh Nguyễn Thành Thiện (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) không thể làm việc nặng. Không có ruộng đất canh tác, vợ chồng anh làm thuê chắt chiu để nuôi hai con nhỏ.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội huyện đã vận động giúp anh cất nhà tình thương và hỗ trợ vốn để anh chị phát triển kinh tế gia đình.

Trong căn nhà mới, anh Thiện không giấu được niềm vui: “Chúng tôi thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ cất cái nhà và cho 15 triệu làm vốn với một con bò để nuôi, tụi tui biết ơn dữ lắm. Số tiền vốn đó đi lấy dừa bán, tiền lãi sẽ dành cho con ăn học, tụi tui ráng lo làm ăn để sau này vươn lên, con cái đi học tới nơi tới chốn”.

Hội thi nấu ăn dành cho phụ nữ khiếm thị được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức thường niên. Những món ăn ấm áp được chăm chút bởi bàn tay của người nấu chính là phụ nữ khiếm thị và có người hỗ trợ là người sáng mắt.

Hoạt động duy trì tổ chức để các chị em phụ nữ khiếm thị phát huy năng khiếu, thể hiện ý chí vượt lên khó khăn, chăm sóc tốt gia đình.

Chị Nguyễn Thị Chi (xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn) đã tham gia hội thi 4 lần. Vừa mang đến món lẩu gà lá é, chị Chi cười tươi rói chia sẻ: “Với sự giúp đỡ của em dâu, hễ tham gia được là tui đến nấu ăn ngay. Đến giao lưu gặp gỡ, vui lắm! Các chị em được chia sẻ buồn vui và học tập kinh nghiệm lẫn nhau”.

Vượt lên số phận

Những sân chơi cho người khuyết tật thường xuyên được tổ chức.
Những sân chơi cho người khuyết tật thường xuyên được tổ chức.

Một đôi chân không lành lặn, đôi mắt không được sáng hoặc bất kỳ một khiếm khuyết trên cơ thể gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt.

Có những tấm gương người khuyết tật nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Những câu chuyện cảm động truyền nghị lực và động viên những người khuyết tật cùng cố gắng.

Chị Nguyễn Thị Thùy (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) khi vừa chào đời đã bị dị tật bẩm sinh, 2 chân nhỏ yếu ớt, không thể đi lại được, mãi đến năm 4 tuổi chị mới bắt đầu những bước đi chập chững bằng đôi nạn mà cha làm cho.

Gia đình không có đất canh tác, nguồn thu nhập chính của cả nhà chỉ trông chờ vào số tiền đi làm thuê của cha mẹ, nên chị không có điều kiện để đi chữa trị.

Những ngày đến lớp là những ngày đầy khó khăn và nhiều cảm xúc với chị Thùy. “Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa đi học về nhà kể chuyện, tập đọc rồi tập viết chữ, tôi cũng đòi cha mẹ cho mình đi học dù đi lại khó khăn.

Thấy con ham học, song cơ thể yếu ớt nên cha mẹ phải đưa đến lớp và ngồi trước hành lang lớp để chờ rước về. Những bước đi khiến 2 chân mỏi nhừ, lúc nào đi nhiều lại sưng đỏ lên, nhiều khi còn bị chuột rút, thâm tím lại, nhưng tôi cố gắng nhịn đau và tự nhủ phải cố gắng vượt qua”- chị Thùy kể.

Chị Thùy ghi nhớ lời dạy của cha mẹ, phải cố gắng chăm chỉ học tập để sau này tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. Chị đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào Trường Trung cấp y tế Vĩnh Long chuyên ngành y đa khoa.

Khi ra trường đến nay, chị đã là nhân viên y tế học đường của Trường Mầm non Sơn Ca được 9 năm. Chị Thùy chia sẻ: “Dự định tương lai, tôi sẽ học lên đại học chuyên ngành bác sĩ đa khoa để phục vụ tốt hơn nữa cho trẻ. Thông qua đây, tôi cũng mong rằng mọi người hãy tạo điều kiện giúp đỡ để các em có cùng hoàn cảnh như tôi có cơ hội để học và hòa nhập vào cộng đồng”.

Từng trải qua nhiều khó khăn, hơn ai hết, những người khuyết tật hiểu rõ giá trị của sự nỗ lực trong cuộc sống. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, họ sẽ làm nên những điều kỳ diệu.

Cảm thông với những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt, sự quan tâm, yêu thương, động viên của toàn xã hội chính là động lực, là cầu nối đưa cuộc sống của những người kém may mắn trở nên ý nghĩa hơn.

Năm 2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã lựa chọn chủ đề Ngày người khuyết tật Việt Nam năm nay là: “Hòa nhập và thích ứng- Định hình Tương lai”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh