Đô thị "siết nước ngập"

Cập nhật, 06:00, Thứ Tư, 27/10/2021 (GMT+7)

 

Một đoạn đường nội ô TP Vĩnh Long ngập do triều cường.
Một đoạn đường nội ô TP Vĩnh Long ngập do triều cường.

Hiện đã vào mùa mưa lũ, các đô thị trong tỉnh đang tăng cường các giải pháp phòng chống ngập. Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, người dân chủ động kê đồ đạc lên cao, đắp đê bao “dã chiến” quanh nhà…

Cao điểm trực nước

Các đợt triều cường gần đây, nhất là triều cường rằm tháng 9 âl, một số tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long bị ngập, ít nhiều gây ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt và mua bán của người dân. Nhà ở đường Hưng Đạo Vương (Phường 1)- một trong những tuyến đường ngập sâu do mưa, triều cường, chú Trương Hớn Trường rầu rầu: “Những lúc triều cường gặp mưa lớn thì ngập sâu. Nhà có mua bán nên từ cuối tháng 8, tui đã chêm gạch kê bàn ghế, tủ kệ lên cao”.

Nhà ở gần đó, cô Nguyễn Thị Muối nói: “Đường ngập, một số nhà cửa, hàng quán quanh đây cũng bị nước tràn vô… khá bất tiện. Tôi mong đường này sớm được nâng cấp”. Di chuyển chậm chạp qua đường ngập, chị Nguyễn Yến Trang (Phường 4) nói: “Ước gì có biển báo trước đoạn đường ngập để mình né sang đường khác thì hay quá”.

Theo Phòng Quản lý Đô thị TP Vĩnh Long, công tác chống ngập nội ô thành phố năm nay chủ yếu vẫn là vận hành hệ thống van một chiều.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- chuyên viên hạ tầng Phòng Quản lý Đô thị, cho biết: Trên địa bàn thành phố có nhiều tuyến đê bao, bờ kè được đầu tư xây dựng nên đã được khép kín dần. Do đó, năm nay không bố trí máy bơm. Đa số các nắp van một chiều còn khá mới, một số van tự động đóng mở, nhưng cũng có một số van bằng sắt cứng và có kích thước lớn thì phải đóng mở thủ công. Thời điểm này, công tác “trực nước đang vào cao điểm”.

Theo Tổ Thoát nước đô thị (Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) việc kiểm tra, gia cố các nắp cống ngầm và van một chiều nhằm đảm bảo giữa nắp và miệng cống được đậy kín trước khi nước lớn- để nước không tràn qua đường cống gây ngập.

Tổ trưởng Trần Minh Trung cho biết, một con nước thường có hai ba công nhân trực tiếp nhảy xuống cống kiểm tra, gia cố nắp đậy. Nước rút thì quay lại từng miệng cống ngầm và các chỗ lắp van một chiều để kiểm tra xem nước có xả ra chưa.

Chủ động phòng chống ngập

Nội ô TX Bình Minh có nhiều điểm ngập nặng vào mùa mưa lũ hàng năm. Tuy nhiên, năm nay tình hình ngập giảm hơn khi lãnh đạo các phường như Cái Vồn, Thành Phước, cho hay đã chủ động các phương án.

Ông Trịnh Tấn Tài- Chủ tịch UBND phường Cái Vồn cho biết, tới thời điểm này chưa xuất hiện điểm ngập. Vừa qua, phường hỗ trợ các khóm mua vật tư, cừ tràm… để gia cố tạm những đoạn có nguy cơ xuống cấp trong khi chờ thị xã đầu tư.

Phường cũng vận động người dân khắc phục, sửa chữa những đoạn nghiêng, sụp lún, nguy cơ triều cường gây sạt lở. “Nhìn chung, các đoạn xung yếu và có nguy cơ tràn, lở đã được gia cố. Còn điểm ngập nặng hàng năm ở chợ nông sản cũng được đầu tư hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh, các nắp hố ga, nắp cống từ cửa chính ngoài sông vô cũng đã gia cố… nên khả năng ngập năm nay giảm 70- 80% so năm ngoái”- ông Tài nói.

Phường đã chỉ đạo các khóm tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân chằng chống nhà cửa, đắp bờ bao để bảo vệ cây cối, hoa màu, xây gạch trước nhà để chống nước tràn… đề phòng sạt lở, ngập úng.

Theo ông Trần Văn Tám- Chủ tịch UBND phường Thành Phước: Hiện Khóm 4, Khóm 5 bờ bao, cống đập đã được gia cố nên không còn bị ngập nữa. Riêng đoạn QL54- trước UBND phường (do Bộ Giao thông vận tải quản lý) thì hàng năm đều ngập. “Hiện hầu hết các hộ sinh sống, mua bán đã nâng cấp nhà, chủ động gia cố đê bao, chuẩn bị máy bơm… sẵn sàng”- ông Tám nói.

Người dân kê tủ, vật dụng lên cao.
Người dân kê tủ, vật dụng lên cao.

Ông Trần Văn Hiệp- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho biết: Rút kinh nghiệm năm rồi thị trấn bị ngập khá nặng nên năm nay đã sớm chủ động phương án 3 tại chỗ, “đắp bờ cơm nếp” gia cố hơn 10 đoạn có nguy cơ tràn, lở. Sắp tới, thị trấn tăng cường canh nước, nắm tình hình kịp thời. Đồng thời, vận động người dân tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và chủ động gia cố cống bộng để bảo vệ vườn tược, đắp bờ bao dã chiến… để phòng chống ngập.

Thiết nghĩ, bên cạnh siết chặt các giải pháp phòng chống ngập, cần tăng cường cảnh báo, thông báo nguy cơ, khung giờ nước dâng cao qua các phương tiện truyền thông. Qua đó, người dân chủ động sắp xếp đi lại, sinh hoạt, mua bán, sản xuất hợp lý để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại vào mùa mưa lũ.

Thị trấn Vũng Liêm đang nâng cấp hệ thống thoát nước

Ông Võ Văn Chính- Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm cho biết, vừa qua, một số đoạn nội ô thị trấn ngập úng cục bộ do “mưa lớn kết hợp triều cường gây ứ đọng trong vòng 1- 2 giờ”. Tình hình ngập của thị trấn năm nay giảm so những năm trước nhờ được hưởng lợi từ hệ thống cống, đê bao ngăn mặn, ngăn lũ… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện thị trấn cũng đang được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện để nâng cấp các hệ thống thoát nước, góp phần đưa thị trấn lên đô thị loại IV vào năm 2024.

 

Bài, ảnh: SÔNG HẬU