Xã hội hiện đại, người phụ nữ tự chủ về kinh tế thậm chí có nhiều trường hợp làm chủ kinh tế gia đình. Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải chịu nhiều áp lực, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê "xây nhà" mà không "giữ lửa".
Ai là trụ cột không quan trọng, mà cần phải nuôi dưỡng tình yêu, sự tôn trọng, đồng cảm và sẻ chia.Ảnh minh họa |
(VLO) Xã hội hiện đại, người phụ nữ tự chủ về kinh tế thậm chí có nhiều trường hợp làm chủ kinh tế gia đình. Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải chịu nhiều áp lực, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “xây nhà” mà không “giữ lửa”.
Từ khi kết hôn, chị L.C. (45 tuổi) đã là trụ cột kinh tế trong nhà với công việc thuận lợi và vị trí cao hơn chồng, mức thu nhập gấp 3 lần người chồng chỉ là nhân viên bình thường.
Dù biết rõ công việc và tính cách an phận của anh nhưng chị vẫn yêu và quyết định kết hôn bởi vẻ ngoài bảnh bao lịch sự và tâm tính hiền lành, tốt bụng của anh. Tuy nhiên, sau vài năm chung sống thì cũng có nhiều vấn đề không vui xảy ra khiến vợ chồng ngày càng xa cách, không còn mặn nồng như khi trước.
Cũng bởi vì cuộc sống phải lo toan mọi thứ, áp lực công việc lớn khiến chị hầu như dành hết sức lực tâm trí cho công việc mà bỏ bê chồng và con nhỏ, việc nhà giao luôn cho anh và người giúp việc.
Chị thì tính tình nóng nảy, mạnh mẻ, thẳng thắn, chị không hài lòng việc gì là nói ngay như tát nước vào mặt. Còn anh vốn bản tính hiền lành ít nói, lại tự ti về chuyện “ăn bám” vợ như cách nói của vài người xấu tính bàn tán sau lưng chuyện nhà anh chị.
Thế là anh cũng không còn quan tâm chia sẻ được gì với vợ, mỗi khi vợ về nhà, anh lại thường bỏ đi tìm bạn bè nhâm nhi vài ly rượu ở vỉa hè đến say xỉn mới về.
Về tới nhà thì lại có “chiến tranh” xảy ra khiến anh càng thêm chán nản. Chị cũng không vui vẻ, hạnh phúc gì, cuộc sống cứ thế mà ngày càng lạnh nhạt, mất lửa mà không ai chịu tìm hiểu để giải quyết vấn đề.
Chứng kiến cuộc sống gia đình mình như thế, cô con gái đã đến tuổi trưởng thành buồn bã tâm sự rằng, cô bé nhận thấy cả ba và mẹ đều không hạnh phúc, phải sống nhẫn nhịn, đè nén khổ sở vì con. Họ không hiểu nhau, không đồng cảm chia sẻ được với nhau khiến tình cảm ngày càng mất đi. Phụ nữ phải lo toan kinh tế gia đình không dễ chịu chút nào.
Phần lớn trong những gia đình có vợ làm trụ cột, dù là chủ quan hay khách quan thì cánh đàn ông cũng đều tỏ ra khó chịu. Nhiều người trở nên tự ái và bất mãn, ngày càng xa cách vợ rồi tìm niềm vui bằng rượu bia, cờ bạc, có khi là bồ bịch bên ngoài.
Điều đó dễ dàng dẫn đến tan vỡ gia đình. Thực chất, trụ cột gia đình không được đánh giá bởi tiền bạc mà còn được quyết định dựa trên giá trị tinh thần. Một người đàn ông không kiếm được nhiều tiền vẫn hoàn toàn có thể là trụ cột nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Mặc dù là người làm kinh tế chính trong gia đình, nhưng chị em cũng phải học cách cư xử khéo léo, tránh làm tổn thương chồng lúc anh ấy rơi vào tình cảnh khó khăn.
Đừng lên mặt lớn tiếng quát nạt chồng vì nghĩ mình có tiền. Lòng tự trọng của người đàn ông rất cao, nếu như vợ cố tình ra oai có thể sẽ khiến tình hình xấu đi. Điều nên làm là cố gắng động viên và trò chuyện với chồng trên tinh thần ủng hộ.
Nếu tạm thời anh ấy chưa kịp vực dậy làm kinh tế chính trong gia đình, hãy nhẹ nhàng nói với anh ấy có thể giúp vợ lo chuyện nhà để vợ có điểm dựa vững chắc, tiếp thêm động lực cho vợ làm việc tốt hơn.
Mặt khác, nếu tự cảm thấy mình chưa xuất sắc, thay vì ghen tị, mặc cảm, các anh nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để vươn lên. Hãy hiểu và thông cảm những gánh nặng trên vai vợ mình.
Ai là trụ cột kinh tế gia đình không hoàn toàn quyết định hạnh phúc gia đình mà còn tùy thuộc vào nhận thức, cách hành xử của mỗi người, tùy thuộc vào cách nuôi dưỡng tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau.
Như trường hợp chị N. M. cũng có công việc tốt hơn chồng, mức thu nhập chính trong nhà nhưng vợ chồng chị lại hạnh phúc thật sự cũng bởi bản tính khéo léo, hiểu chuyện và tâm lý của chị, hơn hết là tình yêu của chị với chồng luôn được nuôi dưỡng theo ngày tháng.
Chị chia sẻ: “Dù công việc của chồng không thuận lợi bằng mình nhưng mình biết rõ khả năng và tâm tính của chồng nên luôn tôn trọng mọi quyết định của anh ấy. Công việc bận rộn hơn nên việc nhà và con cái giờ cũng phần lớn nhờ vào chồng lo toan.
Nhưng mỗi khi có thời gian rảnh là mình vào bếp nấu bữa cơm gia đình cho chồng con hay tranh thủ đưa đón con đi học. Mình rất cám ơn anh vì sự chịu khó này. Tuy mình thành công trong xã hội nhưng khi về nhà mình vẫn là người vợ người mẹ, mình không nên thể hiện sự uy quyền đó ở nhà sẽ khiến người chồng tự ái, tình cảm sẽ không còn nếu mất đi sự tôn trọng.
Người vợ sẽ không có điều kiện phát huy năng lực nếu không có chồng ủng hộ và giúp đỡ, hạnh phúc gia đình quan trọng nhất vẫn là đồng cảm và sẻ chia”.
Vợ chồng cần nhất là sự tôn trọng, sẻ chia. Các ông chồng hãy luôn làm chỗ dựa cho vợ, không nhất thiết phải là chỗ dựa về kinh tế, mà là chỗ dựa về tinh thần.
Còn người vợ dù là “trụ cột” trong gia đình cũng nên có sự tinh tế trong ứng xử. Hãy học cách yêu chồng, nhìn ra điểm tốt của chồng và đừng tiếc lời khen ngợi. Nếu tình cảm, sự chia sẻ của cả hai xuất phát từ sự chân thành thì dù chồng hay vợ là “trụ cột”, gia đình vẫn ấm êm, hạnh phúc.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin