"Hợp nhất" sách giáo khoa là tùy tiện

Cập nhật, 15:12, Thứ Năm, 01/04/2021 (GMT+7)

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nói không thể để các nhà xuất bản vì lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua những nguyên tắc khoa học, cũng như vi phạm quyền lợi của học sinh và phụ huynh

Đánh giá về việc 2 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 là "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" sẽ "biến mất" trong năm học 2021-2022, ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, cho rằng quyết định này đơn thuần thuộc về đơn vị phát hành sách dựa trên các lý do tối ưu hóa nguồn lực, thay vì các lý do chuyên môn, nhất là thiếu các ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh đang sử dụng các bộ sách.

Gây khó khăn, bất an

Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - nhận định việc "hợp nhất" này không đúng với khoa học SGK, gây khó khăn, bất an trong phụ huynh học sinh và làm xáo trộn trong xã hội.

Học sinh lớp 1 TP HCM trong một giờ học.Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh lớp 1 TP HCM trong một giờ học.Ảnh: TẤN THẠNH

"Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh, còn SGK chỉ là một trong những phương án hay học liệu riêng để giảng dạy. Nhưng thực chất mỗi bộ SGK có một giá trị, một cách tiếp cận khác về nội dung và về phương pháp trình bày.

Để có bộ SGK, những người làm sách đã rất mất công sức, hội thảo, trăn trở mới tìm ra cơ sở lý luận và thực tiễn của bộ sách, để xây dựng bài học mẫu trước khi dạy thử nghiệm.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục đã khuyến cáo cần có đủ các bộ SGK để giáo viên có điều kiện lựa chọn một bài giảng tốt nhất, có hiệu quả nhất cho mình" - ông Ân nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng không dễ gì một sớm một chiều khiến giáo viên có thể thay đổi và coi SGK là tài liệu tham khảo được.

Nhiều khảo sát quốc tế cho thấy ở những quốc gia có chủ trương dùng nhiều bộ SGK khác nhau trong cùng chương trình chuẩn quốc gia, số giáo viên sử dụng SGK làm tài liệu chính khi lên lớp chiếm tới hơn 60%. Giáo dục Việt Nam lần đầu có chủ trương mỗi môn học có nhiều hơn một bộ SGK thì việc giáo viên lúng túng là điều không tránh khỏi.

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục Giáp Văn Dương đánh giá việc "hợp nhất" các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là một sự tùy tiện.

Theo ông Dương, việc hợp nhất không có trong kế hoạch và hình dung trước đó của NXB này cũng như ngành giáo dục và xã hội.

Sự tùy tiện này đã tước mất cơ hội tham gia làm các bộ SGK của các NXB khác. Vì một khi các đơn vị đã chọn bộ SGK nào rồi thì nhiều khả năng năm sau sẽ chọn tiếp bộ SGK đó, do sự tiếp nối về cách tiếp cận và không phải đào tạo lại giáo viên.

"Trong hoàn cảnh này, các bộ SGK khác do NXB khác thực hiện không biết có thể ra đời được không? Và nếu ra đời thì sẽ cạnh tranh làm sao với các bộ SGK đã lưu hành khi sinh sau đẻ muộn như vậy? Đó là một điều đáng tiếc, cũng là một thiệt hại chung cho cả xã hội" - ông Dương nêu ý kiến.

Không thể chỉ vì lợi nhuận

Ông Hoàng Anh Đức cho rằng mối lo ngại cần được quan tâm thực sự sau việc "hợp nhất" SGK, đó là giáo viên sẽ phải tập huấn lại với bộ SGK khác. Đây chính là hệ quả của cả một quá trình tập huấn giáo viên lệch trọng tâm.

"Điều cần làm là tập huấn để giáo viên nắm được chương trình, triển khai được việc dạy và học theo chương trình mới. Thế nhưng trong suốt thời gian qua, các chương trình tập huấn lại quá chú trọng vào việc "tập huấn SGK".

Nếu định hướng phát triển chuyên môn, giáo viên còn tiếp tục sa lầy như vậy, chúng ta sẽ còn lãng phí nhiều nguồn lực và cơ hội" - ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đặng Tự Ân khẳng định quan điểm không thể để giáo viên và cha mẹ học sinh hụt hẫng khi họ mất công cùng nhau suy nghĩ chọn ra bộ SGK mà chỉ dùng được một năm, trong khi đó thư viện nhà trường năm tới phải bỏ đi hàng vạn cuốn sách lớp 1.

"Trường học ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chắc là thiệt thòi nhất về mặt kinh tế" - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, trong cuốn sách "Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và SGK", NXBGDVN đã ghi SGK cần sử dụng lâu dài. Trong một hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo các nhà trường như vậy.

Chính vì thế, theo ông Đặng Tự Ân, Bộ GD-ĐT và những người trực tiếp tham gia làm sách cần có suy nghĩ mới, bỏ lối tư duy xưa cũ khi mà cả nước có duy nhất một bộ "sách công" và được bao cấp bởi ngân sách nhà nước.

SGK xã hội hóa trong cơ chế thị trường phải được giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Không thể để các NXB vì lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua những nguyên tắc khoa học và sự yên dân, cũng như vi phạm quyền lợi của học sinh và phụ huynh.

Song song với kiểm tra, giám sát là sự hỗ trợ kịp thời những khó khăn bất khả kháng mà các NXB gặp phải trong quá trình tác nghiệp làm SGK. Chẳng hạn, khi NXBGDVN muốn thu gọn lại các bộ SGK, Bộ GD-ĐT phải bằng quyền hạn quản lý nhà nước của mình để tác động tới các NXB (ngoài NXBGDVN) liên kết với các nhóm tác giả làm SGK, để không cho "biến mất" các bộ SGK như vừa qua. 

Không ảnh hưởng việc dạy và học

Từ 4 bộ SGK lớp 1 là "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", vừa qua NXBGDVN đã "hợp nhất" còn 2 bộ. NXBGDVN cho hay việc "hợp nhất" nhằm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của tác giả để đầu tư cho việc biên soạn SGK. NXBGDVN cũng cho rằng việc "hợp nhất" này không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.


Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)