Hết mình vì người nghèo- xứng danh anh hùng

Cập nhật, 06:17, Thứ Ba, 06/04/2021 (GMT+7)

 

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ngô Ngọc Bỉnh. Ảnh: CẨM HUỆ
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ngô Ngọc Bỉnh. Ảnh: CẨM HUỆ

(VLO) Ngô Ngọc Bỉnh (tên thường gọi Sáu Kỳ), anh ra đời ngày 30/7/1932 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Anh Sáu hơn tôi 6 tuổi nên tôi gọi bằng anh.

Là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long, năm 1983, tôi sang công tác ở đoàn chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia). Năm 1985, anh Sáu Kỳ là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy sang, thay anh Tư Toàn (Trưởng đoàn chuyên gia) mãn hạn về nước. Là chuyên gia ngành tuyên giáo, Bí thư Chi bộ đoàn chuyên gia nên tôi thường được gần gũi làm việc với anh Sáu.

Từ năm 1979, Việt Nam giúp bạn Campuchia theo cơ chế: Trung ương giúp Trung ương, tỉnh giúp tỉnh nên mãi đến năm anh Sáu sang vẫn còn tình trạng “trên cứng, dưới mềm”; cơ sở xã ấp còn bỏ trống; sản xuất khó khăn, khô hạn, mất mùa; người dân nhiều xã ấp phải ăn củ rừng thay cơm.

Tỉnh Kampong Speu có QL 04 đi qua nhưng địa bàn rừng núi, giao thông huyện, xã, ấp rất khó khăn. Tàn quân Pol Pot dựa vào thế lực phản động nước ngoài ẩn náu trong dân, chống phá chế độ mới.

Anh Sáu chỉ đạo chuyên gia phối hợp lực lượng vũ trang Việt Nam đứng trên địa bàn cùng cán bộ tỉnh bạn xây dựng thực lực chính trị: Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh, huyện- thị đến xã, ấp, nhằm tham mưu cho bạn huy động sức dân mở đường giao thông tới tận xã, ấp; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân; đẩy mạnh công tác bình định vận truy quét tàn quân địch.

Phương cách chỉ đạo táo bạo, quyết liệt của anh Sáu làm thay đổi lề lối làm việc của chuyên gia và cán bộ bạn. Nếu cán bộ ngày ngày quanh quẩn nơi công sở thì nay khắc phục khó khăn, thường xuyên đi thực tế giúp cơ sở xã ấp mạnh lên.

Kết quả là chỉ trong hơn một năm: giao thông tới vùng xa, vùng sâu không còn quá khó khăn ách tắc; sản xuất, đời sống của người dân được cải thiện; tàn quân Pol Pot trong nội tỉnh lần lượt ra đầu thú và được công khai trước dân.

Chỉ đạo có bài bản, độc đáo của anh Sáu đã xoay chuyển được tình thế, giúp bạn mạnh lên từ cơ sở; được chuyên gia Trung ương họp biểu dương lấy đó rút kinh nghiệm cho chuyên gia toàn quốc.

Đến năm 1988- 1989, đất nước Campuchia hồi sinh. Cán bộ nước bạn đã trưởng thành, tự lực quản lý được đất nước. Toàn bộ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.

Anh Sáu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch MTTQ tỉnh. Là cán bộ của Ban Tuyên giáo, kiêm Ủy viên không Thường trực MTTQ tỉnh, tôi lại có dịp gặp lại anh Sáu nhiều.

Tháng 5/1995, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tư 04 về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới” ở địa bàn dân cư.

Với tác phong thanh niên, từng là người cán bộ Đoàn làm công tác tư tưởng của Đảng, có tầm nhìn xa, năng lực tổ chức thực hiện, anh Sáu thấy cuộc vận động có nội dung toàn diện, nếu chỉ có mặt trận làm theo chức năng vận động thì kết quả không lớn.

Anh đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy ra chỉ thị, được Tỉnh ủy tán thành, giao cho anh soạn thảo. Anh thêm vào nội dung thứ 6: “Trên cơ sở phong trào xây dựng cuộc sống mới ở địa bàn dân cư ra sức củng cố thực lực chính trị (Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể) ở cơ sở”.

Sau khi Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành đã được Ban Thường trực MTTQ Trung ương bổ sung nội dung thứ 6 này cho toàn quốc.

Là một người năng động, sáng tạo, không dừng lại ở nội dung Chỉ thị 01. Một năm sau, anh lại đề nghị Tỉnh ủy phát động cuộc vận động thứ 2: “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”. Như vậy, cả 2 cuộc vận động bao trùm tất cả mọi đối tượng, từ cán bộ, công nhân viên đến người dân bình thường trong tỉnh đều thực hiện.

Sau thời gian phấn đấu, đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân đã được nâng lên nhưng đời sống sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Ở nông thôn, người dân còn chân trần đạp đất, cầu khỉ giăng giăng, nhà nhà đốt đèn dầu, gió mưa đường sá lầy lội, tăm tối.

Anh Sáu mạnh dạn đề ra khẩu hiệu: “Đường thông xe 2 bánh, điện sáng đến mọi nhà”. Điều này đã được cán bộ và nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện. Sau 3- 4 năm, ấp nào, xã nào cũng có đường giao thông; mạng lưới điện, nước sạch từng bước được mở rộng. Vẻ đẹp công trình đã đi vào ca dao mới Vĩnh Long:

“Quê mình xóm nhỏ xưa nghèo

Chiến tranh tàn phá bưng bầu khó đi

Bây giờ đường sá phẳng lỳ

Nhựa cao láng mặt xe đi dễ dàng

Ngày nào cầu khỉ khó sang

Mưa trơn, đường trượt trẻ con ngại ngùng

Mà nay lối rộng ung dung

Đường đan, cầu đúc mặt bằng dễ qua

Tình quê xóm nhỏ đậm đà

Bình minh nhộn nhịp, chiều tà đông vui.”

(Báo Vĩnh Long- ngày 2/2/2021)

Đã qua hơn 2 thập niên sau ngày giải phóng nhưng hậu quả của chiến tranh còn hết sức nặng nề. Nền kinh tế chưa phát triển, còn nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi, người dân nghèo bệnh hoạn, người cao tuổi sống cô đơn cần được bảo trợ…

Trăn trở lời Bác Hồ: “Độc lập mà dân nghèo đói thì độc lập có ý nghĩa gì”. Nặng lòng với những mảnh đời bất hạnh, anh Sáu tìm đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh để học hỏi rút kinh nghiệm thành lập hội ở Vĩnh Long.

Tháng 8/2002, BCH lâm thời Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Vĩnh Long được thành lập. Những buổi đầu quá nhiều khó khăn, lúng túng: không có kinh phí, không có nơi làm việc, không có cán bộ chuyên trách; không có cán bộ cấp trên hướng dẫn chỉ đạo.

Anh vận động các vị lãnh đạo nghỉ hưu làm chủ tịch hội nhưng không ai chịu làm và cuối cùng anh phải kiêm nhiệm.

Năm 2004, anh Sáu có quyết định nghỉ hưu. Nhớ lời Bác Hồ: “Trong bầu trời này không có gì quý hơn nhân dân… Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Nghĩa Đảng, tình dân không thể “an trí”, anh tiếp tục làm chủ tịch chuyên trách Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh.

Bước đầu Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đề ra 6 chương trình mục tiêu: mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo; mổ tim bẩm sinh cho trẻ em; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện; hỗ trợ đột xuất trường hợp đặc biệt khó khăn; phẫu thuật bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo.

Thực hiện 6 chương trình mục tiêu trên, lúc đầu vận động các nhà tài trợ về chi phí mổ tim cho trẻ em và người lớn gặp không ít khó khăn, nhưng anh Sáu kiên trì thuyết phục: “Chi phí cho một ca mổ tim 50- 70 triệu đồng, nhưng giữ được mạng sống của một đứa trẻ; còn người lớn là trụ cột gia đình, nếu không phẫu thuật tim giúp họ thì gia đình suy sụp, trẻ con cũng suy sụp theo...” và điều đó được các nhà tài trợ tán thành, ủng hộ.

Nhờ đó đến cuối nhiệm kỳ tổng kết chương trình mổ tim, đã đạt hơn 500 ca (tăng gấp 10 lần kế hoạch đề ra). Ngoài ra, còn vận động giúp phẫu thuật tim cho các tỉnh bạn Tây Nam Bộ.

Đầu năm 2011, Tỉnh ủy quyết định hợp nhất 2 tổ chức hội: Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và Hội Bệnh nhân nghèo lấy tên là “Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long”.

Tháng 3/2011, Đại hội tổng kết nhiệm kỳ bầu BCH mới, anh Sáu được BCH tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch hội.

Đến giữa năm 2011, UBND tỉnh có quyết định cho các hội đặc thù thành lập hội cơ sở. Nhận thấy đây là cơ hội, anh chỉ đạo hội cấp huyện- thị- thành lập hội cơ sở trong thời gian sớm nhất. Chỉ trong khoảng 5-6 tháng sau đã thành lập xong hội cấp cơ sở trong toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Trung ương Hội, năm 2007, toàn quốc chỉ có Vĩnh Long và Cà Mau có 100% hội cơ sở.

Ở thời đại 4.0 này, người ta có thể “ngồi phòng lạnh chỉ đạo từ xa”. Nhưng không, vẫn tác phong sâu sát thực tế, anh ngồi trên chiếc xe ôm hay lội bộ vài ba cây số cùng các đồng chí lãnh đạo hội đi khảo sát hầu hết số xã của tỉnh, đến từng nhà đối tượng để biết họ có khó khăn gì cần giúp đỡ để tiếp thêm nghị lực tự vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời qua khảo sát thực tế chỉ ra cho hội cơ sở nhiều vấn đề cần giải quyết cho các đối tượng.

Khoa học là con số. Theo thống kê, kết quả tổng giá trị phúc lợi xã hội 3 cấp tự thân vận động trong 10 năm (2009- 2018) tương đương 600 tỷ đồng. Nhờ đó hàng trăm, hàng ngàn trẻ em mồ côi, khuyết tật, bệnh nhân nghèo, người cao tuổi sống cô đơn trong tỉnh được bảo trợ để vươn lên trong cuộc sống.

Theo báo cáo nhận xét của Trung ương Hội thì Hội Bảo trợ Vĩnh Long có nhiều sáng tạo trong hoạt động, thành tích dẫn đầu cả nước trong nhiều năm liền.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh “truyền lửa” cho thanh niên hồi 3/2021. Ảnh: CẨM HUỆ
Ông Ngô Ngọc Bỉnh “truyền lửa” cho thanh niên hồi 3/2021. Ảnh: CẨM HUỆ

Năm 2005, tôi được UBMTTQ tỉnh mời tham gia biên tập đề tài khoa học “Tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo tỉnh Vĩnh Long” và được xếp loại khá của tỉnh sau khi được nghiệm thu đề tài. Sở dĩ đạt được kết quả đó, phần lớn là nhờ anh Sáu- một người cán bộ lãnh đạo xuyên suốt ở địa phương từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay làm cố vấn đề tài.

Ngoài kho tư liệu sống trong anh cung cấp, anh còn tham kiến MTTQ tổ chức cho chúng tôi gặp tín đồ, chức sắc các tôn giáo; hội thảo xác minh lịch sử… Do đó, công trình có nội dung phong phú được đồng bào các tôn giáo trong tỉnh phấn khởi, tự hào đón nhận.

Sau 3 năm nghỉ hưu lần thứ hai, năm nay anh sắp bước lên hàng thượng thọ: 89 tuổi đời, 65 tuổi Đảng. Nhưng xem ra anh còn rất phong độ, tỉnh táo, sáng suốt.

Tôi hỏi anh bí quyết giữ gìn sức khỏe. Anh trả lời: gien cha mẹ truyền cho một phần, chủ yếu do mình siêng năng lao động, dùng cây nhà lá vườn, những thức ăn nên thuốc, vui với niềm vui của người nghèo được trợ giúp tự vươn lên trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khi về làm việc với tỉnh Vĩnh Long gặp anh Sáu, bà nói: “Chú Sáu tuổi cao trí càng cao, phấn đấu không mệt mỏi, hết mình vì người nghèo, thật xứng đáng anh hùng”.

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 10- năm 2020, anh Sáu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Nhận danh hiệu anh hùng, anh Sáu nói: “Đối với tôi, đây là vinh hạnh lớn, nhưng cá nhân anh hùng là do tập thể anh hùng. Tập thể đó là các thành viên lãnh đạo hội, cán bộ, nhân dân, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đoàn kết chung tay làm công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, không để ai bỏ lại phía sau.”

Cần nói thêm rằng, sự thành đạt của anh Sáu còn có công của người vợ ở phía sau là chị Trần Thị Mười- người phụ nữ trung hậu, đảm đang hơn 60 năm nay nuôi dạy con cháu phát triển kinh tế gia đình để anh Sáu an tâm công tác.

35 năm kể từ ngày biết anh Sáu ở Campuchia đến nay đã để lại trong tôi nhiều cảm kính. Anh là một người không xuất thân từ khoa bảng, được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng với năng khiếu trời phú, năng động, quyết đoán, có tầm nhìn xa, có năng lực tổ chức thực hiện, có tấm lòng rộng mở, không định kiến vùng miền, đoàn kết mọi tầng lớp, có chính kiến trong xã hội, thực tiễn hơn lý luận, nói đi đôi với làm, phấn đấu không mệt mỏi, hết mình vì người nghèo.

Tháng 2/2021

TRƯƠNG CÔNG GIANG