Bên cạnh nỗi lo già hóa dân số (DS) thì mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi việc thừa nam thiếu nữ không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề hôn nhân mà còn dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác. Xác định nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua, Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp cân bằng tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ.
Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Vĩnh Long giảm, song vẫn cần những giải pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời hơn. |
Bên cạnh nỗi lo già hóa dân số (DS) thì mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi việc thừa nam thiếu nữ không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề hôn nhân mà còn dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác. Xác định nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua, Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp cân bằng tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ.
Nhiều hệ lụy khi mất cân bằng giới tính
Theo kết quả Tổng điều tra DS năm 2019, tính đến 0h ngày 1/4/2019, DS Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó nam chiếm 49,8% và nữ chiếm 50,2%. Tỷ số giới tính (từ lúc sinh ra đến khi chết) là 99,1 nam/100 nữ. Song, kết thúc năm 2018, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức 115,1 trẻ trai/100 trẻ gái- cao nhất từ trước đến nay.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc DS trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS- Kế hoạch hóa gia đình, nếu không can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3- 4,3 triệu nam giới (nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình).
Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng; nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,…
Thời gian qua, công tác DS- kế hoạch hóa gia đình luôn có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Các chiến lược DS trong giai đoạn 2001- 2010, giai đoạn 2011- 2020 đều tập trung giải quyết vấn đề về quy mô DS. Một trong những thành công lớn nhất của công tác DS là kiểm soát được mức sinh, duy trì được mức sinh thay thế trong hơn 10 năm.
Đồng thời, ngành DS quyết liệt giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua các giải pháp đồng bộ như: truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bất bình đẳng giới nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái- nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn trong xã hội.
Hiện nay, với mức sinh giảm, Việt Nam đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc. Song, mức sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng và các địa phương. Tình trạng biết trước giới tính thai nhi đang ngày càng phổ biến, mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, cơ cấu DS theo tuổi biến đổi nhanh. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu DS vàng, tuy nhiên, chất lượng DS có tăng nhưng chưa cao.
Vĩnh Long nỗ lực cân bằng giới tính
Nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của vấn đề thừa nam thiếu nữ luôn được các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tâm lý của nhiều người, đặc biệt là những gia đình có con 1 bề là gái.
Anh Thái Minh Đức (xã Hòa Hiệp-Tam Bình) cho biết: “Vợ chồng anh có 2 đứa con gái và không có quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường. Con trai, con gái con nào cũng là con. Mình yêu thương, chăm con ăn học, vậy là hạnh phúc lắm rồi”.
Công tác tuyên truyền còn được cán bộ và chuyên trách DS tập trung vào những gia đình chưa có con và có con đầu lòng hoặc con 1 bề là gái, nội dung đi sâu vào thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hậu quả của việc thừa nam thiếu nữ.
Chị Nguyễn Ngọc Nữ- Phó trưởng Trạm y tế xã Hòa Hiệp cho biết: “Thực hiện công tác vận động tới từng người dân, hiện tại mức sinh của tỷ lệ mất cân bằng giảm đáng kể và trở lại mức cho phép 103 bé trai trên 100 bé gái. Xã tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để giữ ổn định mức hiện nay”.
Tỷ số giới tính khi sinh được xem là bình thường khi tỷ lệ bé trai trên 100 bé gái dao động từ 103- 107. Tại Vĩnh Long nhiều năm qua tỷ số này luôn dao động từ 109- 117 bé trai/100 bé gái.
Cá biệt có một số địa phương trong tỉnh lên đến trên 130 bé trai/100 bé gái. Trước con số đáng báo động này, các ngành chuyên môn không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kéo giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và năm nay toàn tỉnh đạt mức cho phép 105 bé trai/100 bé gái.
Thực hiện bình đẳng giới góp phần đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh. |
Theo bác sĩ, chuyên khoa 2 Bùi Thanh Tùng- Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, huyện tăng cường công tác truyền thông về giới tính cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ khi đến khám chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở y tế của đơn vị quản lý, có siêu âm khám sản phụ khoa không cung cấp giới tính cho các thai phụ.
Việc đạt mức bình thường của tỷ số giới tính khi sinh sau nhiều năm chênh lệch giới tính khi sinh ở mức báo động đang là tiền đề tốt để Vĩnh Long tiến tới ổn định và cân bằng giới tính. Dù vậy, để duy trì được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng, mọi người nên sinh con theo quy luật tự nhiên và sinh đủ 2 con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử- Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em, tình trạng biết giới tính thai nhi ngày càng phổ biến. Một điều tra cho thấy, 86,7% phụ nữ thành thị biết giới tính thai nhi; ở nông thôn tỷ lệ này là 78,9%; với các gia đình giàu có, tâm lý mong muốn và can thiệp để có con trai cũng rất cao. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin