Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, năm nay, Chính phủ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ, trong đó Vĩnh Long có thêm 18 bằng Tổ quốc ghi công. Việc mỗi hồ sơ tồn đọng liệt sĩ được công nhận sẽ bù đắp phần nào mất mát của thân nhân liệt sĩ.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, năm nay, Chính phủ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ, trong đó Vĩnh Long có thêm 18 bằng Tổ quốc ghi công. Việc mỗi hồ sơ tồn đọng liệt sĩ được công nhận sẽ bù đắp phần nào mất mát của thân nhân liệt sĩ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân liệt sĩ.ẢNH: VINH HIỂN |
Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ do tỉnh Vĩnh Long tổ chức, thương binh Nguyễn Văn Danh (ấp Ngãi Cá, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) được mời nhận bằng Tổ quốc ghi công của mẹ- liệt sĩ Nguyễn Thị Khải.
Ông Danh xúc động: “Mẹ tui là cán bộ phụ nữ hoạt động bí mật. Bà hy sinh khi được tổ chức mời về học nghị quyết và phân công công tác thì bị địch càn quét bắn chết. Cha tui cũng hy sinh. Nay được nhận bằng cho mẹ, mấy anh em tui mừng lắm, vì mẹ đã được Tổ quốc ghi công”.
Chị Nguyễn Thị Liễu (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) thay ba chị- ông Nguyễn Hoàng Nhi bị bệnh đã mất- đến nhận bằng Tổ quốc ghi công cho em trai thứ ba của ông- liệt sĩ Phan Văn Ba.
Chị cho biết: “Cha tui làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho chú Ba lâu rồi. Tui nghe cha kể, chú làm tổ trưởng du kích mật, bị vướng lựu đạn nên hy sinh. Giờ chú được công nhận rồi, ở nơi chín suối chắc ba và chú tôi mừng lắm”.
Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), hiện cả nước còn khoảng 5.900 hồ sơ tồn đọng, tập trung chủ yếu vào 3 đối tượng: liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Mặc dù Bộ LĐ-TB và XH cùng các tỉnh- thành đã tập trung xem xét, giải quyết, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.
Do tính chất phức tạp của hồ sơ (trường hợp hy sinh quá lâu, không còn nhân chứng, nội dung xác nhận chưa thật rõ hoặc những trường hợp tham gia nội tuyến), nên ở một số địa phương, như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Hải Phòng… đã mời các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để báo cáo và lắng nghe ý kiến về từng trường hợp.
Hiện nay, tất cả các trường hợp trình lên Bộ LĐ-TB và XH, đều đạt được sự nhất trí 100% tại các cuộc họp nhân dân, Hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã, BCĐ cấp huyện, cấp tỉnh, các cuộc họp lấy ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và không có ý kiến gì khác qua thời gian đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Những trường hợp còn có ý kiến khác nhau đều để lại tiếp tục xác minh.
Sau khi hoàn thành bước đầu quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, giữa tháng 7/2017, BCĐ xác nhận người có công với cách mạng tỉnh Vĩnh Long do ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ- chủ trì cuộc họp đi đến thống nhất 18 hồ sơ liệt sĩ tồn đọng lập hồ sơ gởi về Bộ LĐ-TB và XH xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính Phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công đợt 2.
Những hồ sơ này đã được tổ xác minh hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành xác minh làm rõ những nội dung không phù hợp hoặc còn mâu thuẫn và đề nghị bổ sung đối với những hồ sơ chưa hoàn thiện.
Quy trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và được nhân dân đồng tình. Vĩnh Long phấn đấu trong năm 2017 sẽ giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB và XH, Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể thực hiện đúng và đủ các chính sách ưu đãi người có công, không để xảy ra sai sót, tiêu cực; rà soát, giải quyết các hồ sơ người có công còn tồn đọng; tiếp tục thực hiện tốt việc quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chú trọng công tác chăm sóc, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ.
Đây cũng là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của những người làm công tác thương binh, liệt sĩ đối với những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo Sở LĐ-TB và XH tỉnh Vĩnh Long, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh của tỉnh cũng được đặc biệt chú trọng. Hiện, Sở LĐ-TB và XH đã hoàn tất công tác số hóa lưu trữ hồ sơ. Theo đó, hơn 62.000 hồ sơ mộ, người có công của tỉnh được lưu trữ trực tiếp trên máy tính, thuận tiện cho việc tra cứu, tìm hiểu, hỗ trợ kịp thời cho thân nhân các đối tượng. Toàn tỉnh có trên 12.000 người có công được chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng. |
SÔNG TRĂNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin