Trong những ngày tết, theo ghi nhận nhanh của phóng viên, người dân Vĩnh Long đã ăn một cái tết năm con gà thật đầm ấm, hạnh phúc và vui vầy.
Tết là dịp gia đình cùng sum vầy, chuẩn bị bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. |
Trong những ngày tết, theo ghi nhận nhanh của phóng viên, người dân Vĩnh Long đã ăn một cái tết năm con gà thật đầm ấm, hạnh phúc và vui vầy.
Nhiều gia đình điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng đều đón một mùa xuân ý nghĩa bên người thân, bạn bè theo kiểu “cây nhà lá vườn”, khách tới nhà… không trà thì bánh, chủ yếu “vui vẻ là chính”.
Tết quê: vừa ngon vừa lành
Tết năm nay, thời tiết hơi “trái tính, trái nết”, đến 28, 29 tết trời vẫn mưa. Điều này gây khó cho nhiều hộ dân bán hoa kiểng khi nhiều loại hoa như vạn thọ bị gãy cành, giập cánh. Song nhiều tiểu thương cũng gần như bán hết dưa hấu, hoa tươi, nhiều cây kiểng cũng được người dân rinh về nhà đón tết.
Tết đến không thể thiếu bánh mứt, nên ai ai cũng chọn mua dăm ba loại mứt để đãi khách. Theo nhiều người, năm nay không chỉ riêng các loại bánh mứt rất phong phú mà các mặt hàng hóa phục vụ tết cũng rất đa dạng, giá cả không biến động nhiều.
Ở nhiều địa phương, người dân vẫn ăn tết tiết kiệm “ngon- bổ- rẻ” theo cách riêng của mình.
Trong khi một số người mua thịt heo vẫn “ấm ức”: “giá heo hơi xuất chuồng chỉ khoảng 30.000 đ/kg, mà giá thịt heo ở ngoài chợ vẫn khá cao” thì gia đình chú Năm Vân (ấp An Phú A, xã Long An- Long Hồ) hùn với 3 gia đình khác “chia thịt” con heo vừa vô tạ. Cạnh đó, một vài nhóm gia đình cũng làm như vậy, nên cả xóm ăn tết rất linh đình với đủ món ngày tết: thịt heo kho rệu, thịt dồn khổ qua, giò heo hầm,…
Chú Năm Vân và nhiều người làm thịt heo tại nhà bày tỏ: Thịt heo nhà nuôi, nhà làm vừa an toàn vừa ngon hơn, lại thắm tình hàng xóm láng giềng hơn. Chia thịt không tính lỗ lã mà chủ yếu là bà con có miếng thịt ngon, lành ăn tết, thường là thêm thịt chứ chẳng có bớt.
Trong khi đó, gia đình chú Hai Hảo gần đó còn trồng trên 50 chậu vạn thọ ra bông khá đẹp, giá hữu nghị nên hàng xóm người “rinh” vài ba chậu, mấy bữa là bán hết, nhờ vậy có tiền mua bánh mứt, nếp thịt gói bánh tét cho con cháu ở xa về cùng ăn.
Tết này, nhiều chị em khéo tay chịu khó làm mứt, lạp xưởng tươi… không kịp bán. “Hàng nhà làm” có tiếng mấy năm qua, nên món lạp xưởng tươi của chị Hạnh ở Chánh An (Mang Thít) bán đắt như tôm tươi.
Theo chị Hạnh, hàng của chị làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhiều khách hàng chờ đợi cả ngày trời mới mua được một ký lạp xưởng với giá 130.000đ. Đến 30 tết, khi đóng cửa nghỉ thì gia đình chị không còn… một cây lạp xưởng nào ăn. Để có vài ký lạp xưởng biếu người thân, chị phải đem “giấu trong buồng” vì sợ “người ta mua hết”.
Cũng vậy, chị Sáu Thanh (xã Long An- Long Hồ) tết này “vô mánh” vì món mứt dừa của chị vừa ra lò đã bán hết, với giá 70.000 đ/kg. Với kinh nghiệm làm mứt dừa truyền thống và cập nhật cách làm mới, năm nay chị làm thêm món mứt dừa sữa vừa dẻo vừa thơm “ai ăn cũng khen ngon”, nên chị dự định năm sau sẽ phát triển sản phẩm này nhiều hơn.
Còn chị Tuyết Xuân (xã Bình Phước- Mang Thít) nói nhà chị năm nay ăn tết đúng “chất” cây nhà lá vườn: gà nhà nuôi, rau xanh, bầu bí nhà trồng. Trên bàn ăn toàn “đồ nhà” nên rất yên tâm thưởng thức, vừa không tốn tiền mua. Khách tới nhà trong khi chờ lên bàn ăn, có thể ra khoảnh vườn gần nhà hái rau cải, càng cua, dưa gang, đu đủ… coi như “góp một tay” cùng gia chủ.
Tết sum vầy, tết đoàn viên
Tết là dịp để người với người được gần nhau hơn, là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng tận hưởng cảm giác ấm áp của giây phút đoàn viên, sum họp bên mái ấm gia đình.
Tết này, anh Lê Minh Tân (TP Hồ Chí Minh) rất thích thú khi được vợ đưa về quê ngoại ở cù lao Dài (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) ăn tết. Chuyến đò dọc từ Chánh An qua cù lao Dài cho anh và các con trải nghiệm sông nước miệt vườn rất đặc biệt.
Điều anh thích nhất là được vào vườn hái trái, những trái bưởi lớn treo lủng lẳng trên cây. Những đứa trẻ thành phố thích thú tắm sông, trèo cây hái trái… Và ấn tượng nhất là bữa cơm gia đình được dọn ngay dưới vườn trái cây xanh mát, trong không khí tết gia đình rất vui vẻ, thân thương.
![]() |
Cùng nhau gói bánh trong ngày tết. |
Trong khi đó, để “đổi gió” cho cả nhà trong dịp tết, gia đình cô Trương Như Minh (TP Hồ Chí Minh) tìm đến khu du lịch sinh thái miệt vườn ở An Bình (Long Hồ) để tận hưởng không khí trong lành miền sông nước và thưởng thức trái ngon, quả ngọt ở quê.
Cô Minh cho hay: “Cả năm làm việc suốt, không có thời gian nghỉ ngơi nên tết chính là dịp cả nhà cùng nhau xả tress. Trong khi nhiều người đổ xô lên thành phố, miền ngoài để đi du lịch dịp tết thì tôi thấy về quê bình yên hơn, gần gũi, thân thương hơn”.
Tết còn là dịp để mọi người cầu chúc bình an cho gia đình, người thân, người thương để cho một năm may mắn, thuận lợi.
Nghĩ vậy nên từ sáng sớm mùng 1 tết, gia đình thím Hai Thanh (xã Chánh Hội- Mang Thít) đã thuê xe đi viếng thăm 10 chùa trong và ngoài tỉnh để cầu bình an. Thiếm Hai cho hay: “Chỉ cầu mong năm mới gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, sum vầy là tôi mừng lắm rồi”.
Còn gia đình của bà Lê Hồng Ánh (xã Bình Phước- Mang Thít) lại ăn một cái tết rộn rã, đầy ắp tiếng cười hơn khi có mấy đứa con làm ăn xa trở về nhà sum họp đón tết. Sáng mùng 1 tết, con cháu quây quần chúc tết ông bà cha mẹ, rồi đi chúc tết họ hàng.
Chiều mùng 2 tết, mấy chị, mấy cô lại cùng nhau xúm lại gói bánh để cúng mùng 3. Bà Ánh xúc động nói: “Lâu rồi mới có dịp con cháu tề tựu lại đông đủ như vầy, cùng nhau ăn bữa cơm, trò chuyện với nhau, vậy là tôi thấy mãn nguyện rồi”.
Theo nhiều người, tết đến, xuân về, dù có bận rộn đến đâu, dù có nhiều điểm du lịch níu chân song ngôi nhà, quê hương, chính là nơi mình phải cùng về. Bởi tết bên gia đình là để yêu thương, để đoàn viên và sum họp.
- Bài, ảnh: LÝ AN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin