Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh- liệt sĩ

Cập nhật, 06:41, Thứ Hai, 25/07/2016 (GMT+7)

Ngay trong những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài, Bác Hồ vẫn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ- những người đã từng hy sinh cho Tổ quốc, đất nước.

Để thiết thực đền đáp công ơn gia đình thương binh, liệt sĩ, ngày 16/1/1947, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 20SL đầu tiên đặt ra chế độ hưu bổng cho thương tật và tiền tử tuất.

Tháng 6/1947, Người chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành của Trung ương họp ở Phú Minh (huyện Đại Từ- Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh đầu tiên trong cả nước.

Từ đó, ngày 27/7 hàng năm trở thành ngày Thương binh và đến năm 1955, Nhà nước đổi thành ngày Thương binh- Liệt sĩ.

Kỷ niệm ngày Thương binh đầu tiên, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy...”

Cuối thư, Người còn viết: “Tôi xin xung phong gởi chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ biếu tôi, một tháng lương của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch tổng cộng 1.127 đồng”.

Thật ra ngày Thương binh- Liệt sĩ đã được Hồ Chủ tịch khởi xướng từ đầu năm 1946 và Người là Hội trưởng danh dự các tổ chức “Hội giúp binh sĩ bị nạn”, “Hội giúp binh sĩ bị thương”, những phong trào “Mùa đông binh sĩ” và thực hiện hưu bổng, “Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”.

Từ năm 1948 đến 1954, mỗi năm đến ngày này, ngoài thư thăm hỏi, Hồ Chủ tịch không quên gửi quà tặng cho thương binh cũng như gia đình liệt sĩ.

Trước khi ra đi, Bác vẫn còn nhắc nhở qua bản Di chúc tháng 5/1968: “... Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương, xây dựng đài kỷ niệm để giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con liệt sĩ thương binh mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ đói rét”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện trách nhiệm đối với gia đình chính sách. Những chương trình vận động đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc và nuôi dưỡng suốt đời những bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, xây dựng nhà bia tưởng niệm, xây dựng nhà tình nghĩa... Nhiều phong trào được phát động để xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ miễn giảm học phí, viện phí cho gia đình chính sách...

Đảng luôn xác định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta: “Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sĩ, người được hưởng chính sách xã hội”.

Tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng đã động viên toàn Đảng và nhân dân ta thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, đồng thời noi gương hy sinh anh dũng của những người con trung hiếu ấy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó.

NGUYỄN MẪN CÁN