Việc nội trợ "giữ lửa" cho bữa cơm gia đình từ lâu đã không còn là "chuyện riêng" của chị em phụ nữ. Giờ đây, khi đàn ông vào bếp thì hạnh phúc càng ngọt ngào, đầm ấm hơn nhiều.
Việc nội trợ “giữ lửa” cho bữa cơm gia đình từ lâu đã không còn là “chuyện riêng” của chị em phụ nữ. Giờ đây, khi đàn ông vào bếp thì hạnh phúc càng ngọt ngào, đầm ấm hơn nhiều.
Bữa cơm đơn sơ nhưng đầm ấm của gia đình anh Khánh. |
“Giải phóng phụ nữ khỏi bếp núc”
Là cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Trường Giang (Phường 3- TP Vĩnh Long)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy- mở đầu câu chuyện bằng những câu nói hóm hỉnh: “Thời chiến tranh, tôi được học chủ nghĩa Mác- Lê-nin, trong đó có nhắc đến vấn đề không giải phóng phụ nữ khỏi bếp núc thì không thể xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
Trong khi vợ và chồng đều có những công việc ngoài xã hội, thì tại sao khi về nhà việc cơm nước chỉ có mình vợ đảm đương? Hơn nữa, vợ ông Trường Giang lại là bác sĩ, nay dù về hưu nhưng bác sĩ Phượng vẫn bận rộn với phòng mạch tư tại nhà.
Được huấn luyện trong môi trường quân đội từ sớm nên ông Trường Giang biết nấu ăn, ngoài ra ông còn có sở thích đi chợ.
Ông vui vẻ khoe những món ăn mình có thể nấu được: “Canh chua, xào, mặn, lẩu,… tôi đều có thể nấu được. Dĩ nhiên, nhiều món không thể qua bà xã được”.
Nói về sở thích đi chợ của mình, ông Trường Giang cho rằng, đây cũng là cách nắm tình hình xã hội. Hơn thế nữa, “được tự tay chọn lựa những món ăn để chăm sóc gia đình mình thì không gì vui bằng, rồi vợ tôi khen và “nịnh” vài câu là tôi đi chợ hoài hoài”- ông cười.
Niềm vui lớn nhất của gia đình ông Trường Giang bây giờ là lúc quây quần bên nhau. Vì 2 con đã trưởng thành và đi làm ở TP Hồ Chí Minh nên mỗi khi có các con về, ông đều đi chợ chọn những thức ăn con thích.
Nếu con có dẫn bạn bè về thì hỏi xem con có yêu cầu gì thêm không rồi chu đáo chuẩn bị những bữa ăn vui.
Ông nhớ rõ sở thích của gia đình: vợ thích ăn mắm kho nhưng hay bị đau họng nên không dám nấu thường xuyên. Con gái thích ăn cá, thịt dê và các món sườn heo; con trai thì thích thịt bò xào. Không chỉ có sở thích mà cách chế biến món ăn cũng phải phù hợp sở thích khẩu vị từng người.
Ông ví dụ: “Con trai thích ăn thịt bò vừa chín tới mà rau giá vẫn nóng, nên tôi phải xào hai thứ ở 2 chảo riêng, rồi trộn lại. Con gái và vợ thì không ăn cay được, tôi thì lại thích ăn cay nên mình chiều cả nhà, ít ớt lại. Mỗi chén nước chấm cũng theo đó mà ít hay nhiều ớt”.
Chỉ là chia nhiệm vụ
Đối với những gia đình buôn bán thì việc cơm hàng cháo chợ là thường tình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố gắng để có được bữa cơm gia đình, dù muộn. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của người chồng vì vợ phải suốt ngày buôn gánh bán bưng.
Anh Nguyễn Duy Khánh (Tam Bình) có vợ bán đồ rẫy ở chợ xã nhiều năm nay, cũng nhờ đó mà gia đình có “đồng ra đồng vô”, 3 cô con gái cũng được đi học đến nơi đến chốn. Với người đàn ông hay làm, ít nói này thì “nấu cơm, đi chợ là nhiệm vụ phải làm, vì không thể cái gì cũng đổ cho vợ”.
Tầm 3- 4 giờ sáng, anh Khánh và vợ là chị Thanh đã thức dậy đi chợ huyện cân rau. Xong, anh chở chị về chợ xã và cụ bị rau cải từ nhà lên chợ. Buổi chợ sáng tan lúc 11 giờ. Dọn rau về xong, anh Khánh lại tất tả đi chợ đầu mối Sóc Tro lấy rau về cho vợ bán trước cửa nhà, cặp Đường tỉnh 905.
Một ngày buôn bán của chị Thanh thường kết thúc lúc 18 giờ. Do đó, anh Khánh luôn là “bếp chính” vì 2 cô con gái lớn đi làm, đi học xa, mẹ anh đã ngoài 70 tuổi, con gái út mới học lớp 7.
Hàng ngày, dọn đồ và bán phụ vợ vào thời điểm “đông ken” đến khoảng 9 giờ sáng thì anh Khánh mua thịt, cá về nhà chuẩn bị bữa cơm trưa. Nhưng chỉ có buổi tối khoảng 19 giờ, cả nhà anh mới được ngồi chung bàn.
Anh nói: “2 đứa lớn đến cuối tuần mới về nên món ăn thường ngon hơn và chiều theo sở thích các con”. Anh Khánh nói mình không phải là thợ khéo nhưng anh có nhiều món ăn độc, lạ. Như món bột luộc ăn với dừa, rau sống, tép luộc chấm nước mắm, hay món thịt heo kho dừa,…
Anh vui vẻ: “Muốn ăn thì phải lăn vô bếp. Đó là còn chưa kể chuyện vợ có thể buồn vì có chồng vô tâm, không biết sẻ chia công việc”. Vậy là mỗi buổi cơm chiều, nhà anh Khánh dù có những câu chuyện bán buôn lời lỗ, những cái hít hà về thức ăn khi mặn, khi nhạt,… nhưng luôn hạnh phúc bởi có sự quan tâm, chia sẻ của vợ chồng.
Ông Nguyễn Trường Giang Tôi cho rằng việc đàn ông đi chợ, nấu cơm là bình thường. Đó là sự sẻ chia cần thiết của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Mỗi người đều có mối quan hệ khác ngoài gia đình như bạn bè chẳng hạn. Tuy nhiên, gia đình luôn được tôi ưu tiên hơn hết, gia đình sum họp thì bằng mọi giá phải ở nhà. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin