Từ sự việc "bắt cóc hụt" xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Vĩnh Long) hồi cuối tháng 3 vừa qua, thì việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh, nhất là học sinh các bậc mầm non, tiểu học rất cần được quan tâm…
Từ sự việc “bắt cóc hụt” xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Vĩnh Long) hồi cuối tháng 3 vừa qua, thì việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh, nhất là học sinh các bậc mầm non, tiểu học rất cần được quan tâm…
Quản lý chặt chẽ để các em có một môi trường giáo dục tốt và an toàn. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Tân Lược B trong giờ ra chơi. |
Vấn đề từ chuyện “rước dùm”
Sự việc xảy ra vào lúc gần 11 giờ trưa ngày 21/3, lúc học sinh của trường lần lượt ra về, thì em T.H.L.- học sinh lớp 3 gặp 2 thanh niên vào trường nói: “Ba mẹ bận chở em của em đi bác sĩ nên nhờ anh đi rước dùm”. Nghe xong, em L. không đồng ý đi theo và chạy trở về lớp học gặp một bạn nữ học chung lớp cùng đi xuống thì không còn thấy 2 kẻ lạ mặt ấy nữa.
Một lãnh đạo nhà trường cho biết: Sau đó, mẹ em L. đến rước, em L. kể lại sự việc và mẹ em L. cho biết là không có chở con đi bác sĩ và cũng không nhờ ai đi rước dùm.
Còn em L. lý giải, sở dĩ không đi theo là do thấy người lạ, sợ quá nên chạy về lớp rủ một người chị bà con cùng học chung lớp, đi chung xuống cầu thang để chờ mẹ đến rước.
Ngay khi sự việc xảy ra, chiều cùng ngày, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du đã mời giáo viên chủ nhiệm lớp họp để thông báo tình hình và đề nghị thông báo cho các phụ huynh. Đồng thời nhắc nhở học sinh khi tan học cũng như giờ ra chơi không ra ngoài khu vực trường, khi có phụ huynh đến rước mới được về, không nghe người lạ, không nhận quà, bánh, tiền của người lạ để tránh bị lừa đảo, bắt cóc trẻ em…
Ban Giám hiệu nhà trường cũng làm tờ tường trình sự việc gửi đến Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long, Công an Phường 1, UBND Phường 1 yêu cầu có biện pháp phối hợp, hỗ trợ nhà trường giúp đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như các hoạt động dạy và học của nhà trường.
Cần chung tay đảm bảo an toàn
Trong khi đó, ngay khi tiếp nhận sự việc, các trường tiểu học đều đưa ra biện pháp để đảm bảo an toàn cho các em. Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Chí Dũng- Trường Tiểu học Hùng Vương liền triển khai cho Ban Giám hiệu và giáo viên gửi thông báo từ mạng tin nhắn học đường cho tất cả phụ huynh để tăng cường cảnh giác.
Khi biết được sự việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, anh Phạm Đình Chương- Phường 4 (TP Vĩnh Long) liền liên lạc với cô giáo mầm non của con để nhấn mạnh chỉ có 2 vợ chồng mới có quyền rước bé. Anh cho biết “phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ con mình”.
Còn cô Bé Ba (xã Thanh Đức- Long Hồ) chia sẻ: “Nhiệm vụ đưa rước cháu nội đi học đều do con dâu đảm nhận.
Tuy nhiên, do cháu mới 4 tuổi, chưa nhận thức được nhiều nên gia đình chỉ dạy cháu một số chi tiết dễ nhớ như: cha, mẹ tên gì, nhà ở đâu, số điện thoại cha hoặc mẹ, không nhận quà bánh, hãy ở trong trường khi tan học để đợi mẹ rước, không nói chuyện với người lạ… “Dạy cháu như vậy để cháu nhận thức được và xử lý được với những tình huống xấu có thể xảy ra… ”.
Ngoài ra, khá nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần đảm bảo sỉ số, thường xuyên nhắc nhở học sinh và phụ huynh cảnh giác. Thêm nữa, nếu cần thiết có thể trang bị hệ thống camera giám sát ở các cổng trường và có người quan sát để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra…
Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam, PGS.TS, Thượng tá Trần Thế Hưởng- Phó trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, có khoảng 20.000 vụ việc liên quan xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm. Trong đó, số vụ bắt cóc trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45- 50 vụ.
Trước khi hành động, đối tượng có thể thăm dò, nghiên cứu, tìm hiểu gia đình có điều kiện kinh tế hay không.
Thượng tá Trần Thế Hưởng khuyến cáo người lớn phải cân nhắc việc đưa thông tin của trẻ nhỏ lên mạng xã hội. Không nên đưa tên và hình ảnh trường học của con. Không nên đăng tải những bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con. Không nên đưa ảnh của con chụp cùng trẻ khác…
|
Có một số ý kiến cho rằng, dù các trường mong muốn phụ huynh quan tâm hơn đến các em, nhưng đó chỉ là phần nhỏ và được thực hiện tốt nhất ở các trường thành thị.
Thực tế, rất nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con nên rất nhiều em phải đi học một mình, nhất là ở các vùng nông thôn.
Do đó, bên cạnh sự chủ động của các trường, sự phối hợp của phụ huynh thì cách tốt nhất vẫn là dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn, cách nhận biết người lạ hoặc người đáng tin cậy để phòng tránh nguy hiểm… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin