Trên 80% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề

10:09, 30/09/2015

Vĩnh Long sau 5 năm thực hiện đề án Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định. Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Võ Văn Tám về kết quả đạt được của đề án này.

 

Vĩnh Long sau 5 năm thực hiện đề án Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định. Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Võ Văn Tám về kết quả đạt được của đề án này.

* Kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)  ở Vĩnh Long như thế nào, thưa ông?

- Ông Võ Văn Tám: Theo sự đánh giá chung của BCĐ Trung ương và BCĐ cấp tỉnh về thực hiện đề án thì việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho quần chúng nhân dân, người LĐ, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.

Riêng đối với việc triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tính từ năm 2010 cho đến hiện tại, đã triển khai thực hiện được các kết quả cụ thể sau:

Về công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Đề án, đã thành lập được 1 BCĐ thực hiện Đề án cấp tỉnh, 8 BCĐ cấp huyện- thị xã- thành phố và 109 tổ triển khai thực hiện đề án cấp xã, phường, thị trấn. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND có chỉ thị, nghị quyết về thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT . Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND huyện- thị- thành thực hiện lồng ghép các hoạt động, chương trình của đề án vào các hoạt động của các chương trình, dự án, đề án khác như: Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 theo Quyết định số 103/2008 ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án “hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010- 2015” theo Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng nông thôn mới,…

Về công tác đào tạo nghề cho LĐNT : Đã tổ chức được 2.262 lớp dạy nghề cho 67.132 LĐNT , trong đó: số LĐNT có được việc làm sau học nghề là 54.107 người, đạt 80,60% so với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề.

Về hình thức việc làm luôn được chú trọng quan tâm thực hiện như: tổ chức tư vấn nghề nghiệp trước khi học nghề, hướng dẫn tự tạo việc làm và hướng dẫn vay tín dụng để tổ chức tự tạo việc làm tại địa phương; phối kết hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người lao động, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hoặc giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.

 Về phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT : Nhờ vào chính sách hỗ trợ đầu tư của Đề án từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề, nguồn ngân sách tỉnh,… đã thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm hiện đại hóa các trang thiết bị dạy nghề, bước đầu đã đảm bảo được các điều kiện tổ chức đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT .

Thực hiện chính sách khuyến khích, huy động các loại hình cơ sở đào tạo nghề và phát triển lực lượng người dạy nghề cho LĐNT . Giai đoạn qua, ngoài việc thu hút được các cơ sở dạy nghề tư thục cùng tham gia, còn phát triển mới 5 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT ; đối với lực lượng người dạy nghề như nghệ nhân, thợ lành nghề, nông dân sản xuất giỏi,… cũng được khuyến khích tham gia công tác đào tạo nghề cho LĐNT  và đã được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học để có khả năng giảng dạy tốt trong điều kiện dạy nghề thực tế. Góp phần đáp ứng được nhu cầu sử dụng giáo viên giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

*  Qua đó, ông nhận định yếu tố nào quyết định sự thành công trong quá trình thực hiện đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ?      

-Ông Võ Văn Tám: Từ các kết quả nổi bật nêu trên và từ những đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2010 - 2015, để triển khai thực hiện đề án thành công và thực sự mang lại hiệu quả cao nhất thì điều kiện tiên quyết phải  có sự phối kết hợp tốt giữa 3 nhà: chính quyền - cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.

Về chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương phải thực hiện tốt việc quản lý người LĐNT và định hướng phát triển ngành nghề LĐ theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Về phía doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hợp tác xã,… (gọi chung là các nhà sử dụng LĐ) tham gia thực hiện giải quyết công ăn, việc làm cho người LĐ sau học nghề. Đối với cơ sở đào tạo nghề phải thực hiện tốt việc tổ chức lớp đào tạo nghề chủ yếu áp dụng theo hình thức kềm cập nghề, truyền nghề, chia sẽ kinh nghiệm.

Thứ hai là phải có sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án của các Sở ban ngành tỉnh, gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại từng địa phương.

Thứ ba là tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho LĐNT trước khi tham gia học nghề để lựa chọn ngành nghề phù hợp với trình độ học vấn, năng lực và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng LĐNT để đảm bảo khi tham gia học nghề phải làm theo nghề được học.

-Xin cám ơn ông !

THÚY QUYÊN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh