Còn thương cự củi sau hè…

05:05, 28/05/2024

Là dân miền Tây ai chẳng thích ngân nga đôi câu vọng cổ hoặc chí ít là thuộc vài bản nhạc viết về quê hương xứ sở với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc như dòng sông, bến nước, cây cầu, màu khói lam chiều, của nồi kho, góc bếp

(VLO) Là dân miền Tây ai chẳng thích ngân nga đôi câu vọng cổ hoặc chí ít là thuộc vài bản nhạc viết về quê hương xứ sở với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc như dòng sông, bến nước, cây cầu, màu khói lam chiều, của nồi kho, góc bếp: ... Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao/ Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau… (Bắc Sơn- "Còn thương rau đắng mọc sau hè")… Qua bờ bãi mùa điên điển trổ/ Bông vàng mơ nhớ quá nồi kho… (Trúc Phương- "Chín dòng sông hò hẹn").

Cự củi sau hè.
Cự củi sau hè.

Chỉ qua 2 bản nhạc thôi mà các nhạc sĩ đã đưa vào những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày ở nông thôn như chái bếp, nồi kho. Vùng quê ngày nay mặc dù điện, đường, trường, trạm, nước sạch,… đã về tới tận nhà, nhưng vẫn còn một số gia đình, nhất là những gia đình có người lớn tuổi vẫn trung thành với bếp củi.

Ở quê, củi có thể kiếm tìm quẩn quanh trong vườn nhà, như nhánh cây khô, tàu dừa, tàu cau, vỏ dừa, miểng vùa, tre, trúc, chưa kể rơm rạ ngoài đồng… để sử dụng vào việc bếp núc hàng ngày.

Theo tôi nấu nướng bằng củi có bất tiện là gian bếp sẽ bị ám khói, xoong nồi đen sì, nhưng bù lại nấu bằng củi được cái lợi là tận dụng được cây cối trong vườn, phụ phẩm nông nghiệp khỏi tốn điện, hao gas.

Nhiều người cho rằng cơm nấu bằng bếp củi ngon hơn so với nấu bằng bếp điện, nhất là khi muốn có thứ cơm cháy ngon lành, nhưng cực nỗi phải canh chừng củi lửa để không gặp cảnh cơm khét. Còn lửa than dùng để làm các món nướng thì khỏi chê.

Và để từ cây khô, tàu lá trở thành chất đốt, nhất thiết phải qua bàn tay lao động của con người. Cánh đàn ông trai tráng thì nhận phần nặng nhọc đó là bửa củi.

Những khúc cây lớn như trâm bầu, me, xoài, vú sữa, còng,… được cắt thành đoạn ngắn cho dễ bửa, còn phần phụ nữ thường là chặt những cành củi nhỏ, tàu lá dừa…

Củi sau khi bửa thành những đoạn bằng nhau sẽ được đem phơi ngoài nắng, đến chiều phải gom vào hoặc dùng nilon đậy để tránh mù sương hoặc trời mưa.

Khi thấy củi đã khô thì chất vào nơi bảo quản gọi là cự củi. Tôi nhớ cự củi nhà mình đặt cạnh vách sau nhà bếp.

Chỉ cần đóng cộc hai đầu để định vị, dùng dây chằng buộc cho chắc chắn, tìm vật liệu kê, lót phía dưới cho củi khỏi ẩm, sau đó mang củi chất vào ngay ngắn để dùng dần vào việc nấu ăn.

Thường củi được lấy một ít mang vào bếp để nấu ăn vài ngày, hết thì mới lấy tiếp. Những ngày có đám tiệc thì phải sử dụng nhiều và chọn loại củi to, cháy bền như gốc cây để nấu những món cần duy trì nguồn nhiệt trong thời gian dài như nấu món thịt kho rệu, bánh tét, nồi cháo khuya…

Nhớ hồi anh hai tôi đi cưới vợ, sau lễ hỏi có người đã trêu chọc: Mai mốt mầy qua bên nhà gái, bà già vợ sẽ bảo thằng rể tương lai bửa đủ 3 thước củi mới được về đa!

Chỉ nhìn thấy cái cự củi nhà ai đó củi chất đầy, củi xếp ngay ngắn, được che chắn cẩn thận là có thể nhận xét gia đình ấy biết lo toan, thu xếp chuyện ăn, chuyện ở trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Chu đáo, phòng xa như vậy tất nhiên họ sẽ không bị động trong những ngày giỗ quải, đám tiệc, nước ngập, mưa gió bão bùng…

Cái tên gọi cự củi nghe qua rất là mộc mạc, bình dân, gần gũi với đời sống bà con ở nông thôn nhưng có thể đối với một số thanh niên thời bây giờ nghe lạ lẫm và có khi chưa sờ đụng cự củi lần nào.

Nhắc cự củi ở quê để hoài niệm về một thời kinh tế đất nước còn khó khăn, các tiện nghi như nồi cơm điện, bếp gas, bếp từ, lò nướng… chưa phổ biến như bây giờ. Nhắc cự củi để nhớ về những hình ảnh nay đã trôi vào ký ức như màu khói bếp lãng đãng mỗi hoàng hôn và trên trời cao chấp chới cánh chim chiều bay về tổ.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh