Quá trình chống giặc ngoại xâm của nước ta cho thấy, ở những lần tiến quân thần tốc có quy mô lớn tuy có không gian và thời gian, điều kiện và phương tiện chiến đấu rất khác nhau, nhưng với sự linh hoạt và quyết tâm ông cha ta luôn có cùng một kết quả; thắng lợi vô cùng vẻ vang! Xin được nhắc lại một vài chiến công oai hùng vô cùng linh hoạt đó.
(VLO) Quá trình chống giặc ngoại xâm của nước ta cho thấy, ở những lần tiến quân thần tốc có quy mô lớn tuy có không gian và thời gian, điều kiện và phương tiện chiến đấu rất khác nhau, nhưng với sự linh hoạt và quyết tâm ông cha ta luôn có cùng một kết quả; thắng lợi vô cùng vẻ vang! Xin được nhắc lại một vài chiến công oai hùng vô cùng linh hoạt đó.
Một cánh quân của Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn với nhiều phương tiện do người dân địa phương hỗ trợ. Ảnh: tư liệu |
“Nốt trầm” trong các ca khúc khải hoàn của Hoàng đế Quang Trung với chiến thuật tiến quân thần tốc
Ngày 24/11/1788 (năm Mậu Thân) được tin báo quân Thanh đã vào thành Thăng Long do lực lượng Tây Sơn trấn giữ phía Bắc chủ động bỏ trống để bảo toàn lực lượng, chờ hợp lực với đại quân từ Phú Xuân ra cùng đánh địch. Chỉ với 5 ngày chuẩn bị, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ bắt đầu kéo quân ra Nghệ An.
Ngày 20/12/1788, ông cho khao quân ở vùng Tam Điệp với lời hứa đanh thép quân sĩ sẽ ăn Tết lại vào mùng 7 Tết trong thành Thăng Long. Ngày 30/12/1788, cuộc phản công đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung thần tốc bắt đầu và kết thúc!
Như vậy, từ khi được tin địch vào Thăng Long đến bắt đầu cuộc phản công chúng, đạo quân của Vua Quang Trung chỉ mất 1 tháng 10 ngày vừa hành quân vừa chuẩn bị mọi mặt cho khoảng 10 vạn người cùng 300 thớt voi đi qua 1.200 dặm đường đồi núi, sông suối…
Rồi chỉ 5 ngày đêm từ 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược!
Xin không đề cập thêm làm thế nào một đạo quân đông đảo như thế có thể tiến quân thần tốc- một ngày đi 30 dặm đường (khoảng 48km) và đi không ngừng nghỉ suốt thời gian đó, vì chính sử không ghi chép- mà chỉ đặc biệt chú trọng đến nghệ thuật dụng binh thần tốc đánh địch với những “nốt trầm” của Vua Quang Trung: “Nốt trầm” đầu tiên sau những ngày vội vã tiến quân là ông đã sử dụng 10 ngày quý báu từ 20-30/12/1788 để xác định tình hình thực tế ta và địch, mộ thêm quân và quyết định kế sách đại phá quân Thanh trong điều kiện ta phải 1 chọi với 3 (địch có khoảng 29 vạn quân).
Nhờ vậy, ông sáng suốt không dồn quân tác chiến với tất cả các cánh quân địch mà tập trung đánh vào những nơi bất ngờ nhất là đồn Khương Thượng ở phía Tây và đồn chính Ngọc Hồi ở tuyến phòng thủ phía Nam thành Thăng Long nhằm nhất thời tạo thế cân bằng lực lượng ta và địch để đảm bảo chắc thắng trong một cuộc quyết chiến, dẫn đến thắng lợi toàn cục.
Để đảm bảo thắng lợi, 10 vạn quân của Vua Quang Trung chia làm 5 mũi tiến quân: Mũi 1 mạnh nhất có nhiệm vụ đánh phá phòng tuyến quan trọng của địch ở Nam Thăng Long do chính Vua Quang Trung đảm nhận.
Mũi 2 và 3 do Đô đốc Tuyết và Đô đốc Lộc chỉ huy có nhiệm vụ chặn các con đường tiếp ứng hay rút chạy của địch ở Bắc Thăng Long.
Mũi 4 do Đô đốc Bảo chỉ huy chủ yếu để ngăn cắt địch ở tuyến phòng thủ phía Nam với lực lượng trong thành Thăng Long và phối hợp mũi 1 hạ đồn chính Ngọc Hồi.
Mũi 5 cũng là lực lượng mạnh có kỵ binh và tượng binh phối hợp do Đô đốc Long chỉ huy lãnh nhiệm vụ đặc biệt góp phần quan trọng cho thắng lợi của toàn chiến dịch.
Vào chiến dịch, trong lúc mũi 2 và 3 theo đường thủy vòng lên phía Bắc sông Nhị Hà (sông Hồng) và vùng Hải Dương đón địch, mũi 1 dưới sự thống lãnh của Vua Quang Trung với yếu tố bất ngờ tiến quân thắng như chẻ tre, các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo liên tiếp bị quân Tây Sơn triệt hạ. Đến mùng ba Tết họ áp sát đồn Hà Hồi, địch trong đồn quá bất ngờ quy hàng.
Thừa thắng ngay ngày mùng 4 cánh quân này vây chặt đồn chính Ngọc Hồi, trong cơn “dầu sôi lửa bỏng” ấy lần thứ hai, một “nốt trầm” được Vua Quang Trung thực hiện có chủ đích: không công thành ngay mà chỉ phô trương thanh thế và theo dõi động tĩnh của đạo quân địch còn nguyên vẹn trong thành Thăng Long.
Cùng lúc tạo những hoạt động thu hút sự chú ý của bọn này để chúng không phát hiện hướng phát triển bí mật của mũi quân thứ 5 đang theo đường Chương Đức tiến nhanh lên Sơn Tây làm như đón đánh bọn địch ở đây.
Nhưng rồi bất ngờ ngoặt về làng Nhân Mục, nửa đêm tiến công đồn Khương Thượng (Đống Đa). Bị đánh vu hồi bất ngờ thành này mau chóng thất thủ, tướng giữ thành là Sầm Nghi Đống cũng là chỉ huy cánh quân Điền Châu tự sát.
Thắng thế, ngay trong đêm mùng 4, họ mau chóng thọc sâu vào hướng Tây thành Thăng Long đúng theo kế hoạch.
Khi chủ soái Tôn Sĩ Nghị trong thành Thăng Long hay tin mất đồn Khương Thượng cũng là lúc quân Tây Sơn vừa diệt thêm đồn Nam Đồng kế bên, hắn kinh hoàng mất cả phương hướng dù đồn Ngọc Hồi chưa mất đã cùng đồng bọn cuống cuồng giẫm lên nhau tháo chạy khỏi kinh thành.
Sáng mùng 5, cánh quân đô đốc Long tiến vào thành Thăng Long cũng là lúc Vua Quang Trung phát lệnh tiến công thành Ngọc Hồi.
Thành vỡ, số quân địch sống sót bỏ chạy về hướng Thăng Long bị đạo quân của Đô đốc Bảo chờ sẵn dồn vào Đầm Mực diệt gọn.
Chiều mùng 5, Đô đốc Long cùng Nhân dân thành Thăng Long hân hoan đón Vua Quang Trung vào thành với chiến bào còn nhuộm đen thuốc súng.
Nghe tin thành Thăng Long mất và cánh quân Tôn Sĩ Nghị tháo chạy về nước bị quân Tây Sơn truy kích thiệt hại quá nặng nề, cánh quân Vân Nam- Quý Châu do Ô Đại Kinh lãnh đạo cũng hoảng hốt tháo chạy theo...
Trước đó, 2 vạn quân Xiêm với 300 chiến thuyền mượn danh nghĩa giúp Nguyễn Ánh để xâm lược nước ta. Đến cuối năm 1784, chúng đã chiếm nhiều vùng đất ở phía Nam sông Hậu.
Đầu năm 1785, Nguyễn Huệ mau chóng thống lĩnh một đạo thủy binh Tây Sơn thần tốc vào Nam ứng cứu, đã không vào Gia Định mà đi thẳng đến Mỹ Tho đóng quân gần vùng Trà Tân, nơi địch đặt đại bản doanh.
Đến thật nhanh, Nguyễn Huệ lại có một “nốt trầm”: chỉ đánh nhỏ thăm dò và giả cầu hòa tạo cho chúng khinh địch.
Hiểu rõ quân ta có lòng dân, ông tìm hiểu kỹ thủy văn một đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút với hai bên bờ nhiều sông rạch, giữa có cù lao cây cối rậm rạp thuận lợi cho ta giấu các thuyền chiến để chuẩn bị một trận thủy chiến.
Khi các thuyền vào thế trận mai phục xong, Nguyễn Huệ đưa thuyền đến bản doanh địch khiêu chiến, vốn khinh địch, đoàn tàu chiến kẻ thù trúng kế “tháo chạy” của quân ta đã lọt vào trận địa bày sẵn.
Với thuyền nhỏ linh hoạt và chiến thuật hỏa công, quân Tây Sơn chỉ một đêm 18 rạng ngày 19/1/1785 đánh tan 2 vạn quân Xiêm- Nguyễn với 300 chiến thuyền, hai tướng giặc Châu Tăng và Châu Xương may mắn sống sót cùng vài trăm tàn binh phải chạy bộ về nước. Nguyễn Ánh còn thảm hơn, sau đó cũng chạy sang Xiêm.
Thần tốc tiến công “bốc tách” địch từng lớp để tiêu diệt, ngăn chúng dồn quân co cụm trong đại thắng mùa Xuân 1975
Bước vào tháng 4/1975, sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế- Đà Nẵng, tương quan ta địch có bước chuyển biến lớn: thế và lực của ta áp đảo địch và chúng trước nguy cơ sụp đổ, trong khi người Mỹ tỏ ra bất lực. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”.
Để có thời cơ này là một quá trình dài, cao điểm là khi quân ta mở Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3-3/4/1975) cùng Chiến dịch Huế- Đà Nẵng (từ 21-29/3/1975) mang lại thắng lợi chiến lược, từ đó dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và chỉ trong 4 ngày đêm liên tục tiến công từ 26-30/4/1975 cứ điểm cuối cùng của địch là Sài Gòn được giải phóng.
Cuộc tiến công mùa Xuân 1975 này với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm” quân và dân ta đã khiến bộ máy quân sự khổng lồ của địch với hơn 1 triệu quân cùng bộ máy chính quyền được xây dựng với sự giúp sức của đế quốc Mỹ qua 5 đời tổng thống bị đập tan!
Có được ngày đại thắng 30/4 tuyệt vời đó, ngay sau khi kết thúc đòn mở đầu Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi (3/4/1975), ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có bức điện khẩn gửi đến toàn quân ra lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Tinh thần bức điện mau chóng biến thành kim chỉ nam hành động cho các quân đoàn chủ lực ta ngày đêm “xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam”! Có thể hình dung tiến trình này qua bước tiến quân của Quân đoàn 2: Sau khi tham gia Chiến dịch Huế- Đà Nẵng giải phóng Trị Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, quân đoàn nhận lệnh của Bộ Quốc phòng cấp tốc vào Nam và ngày 24/4/1975 phải có mặt tại Xuân Lộc (Long Khánh).
Với sự hỗ trợ của quân và dân các địa phương, quân đoàn đã thực hiện đúng quân lệnh sau 18 ngày đêm hành tiến thần tốc. Hơn 32.000 người, 2.276 tăng, pháo đi qua gần 1.000 cây số vượt mọi chướng ngại, vừa đi vừa đánh địch.
Trong hành tiến của Quân đoàn 2 là một đòn tiến công sáng tạo gây bất ngờ cho địch, đập tan ý đồ co cụm dọc vùng ven biển miền Trung của chúng, đặc biệt phá vỡ tuyến phòng ngự từ xa cho Sài Gòn tại Phan Rang, mở thông QL1 từ Bắc vào tận cửa ngõ phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một kỳ tích.
Những kỳ tích như thế là sự kế thừa có sáng tạo từ nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta là tổ chức toàn dân đánh giặc và buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta.
Nghệ thuật này thể hiện rõ trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế- Đà Nẵng ở Quân khu 2 và 1: chủ lực địch trấn giữ ở đây là Quân đoàn 2 và 1 thiện chiến, nhưng khi các lực lượng ta tiến công căng kéo đã không thể hỗ trợ nhau và bị “bốc tách” ra khỏi các mối liên kết quân sự của chúng, nên từ quân chủ lực đến quân địa phương lần lượt bị quân ta cô lập tiêu diệt, tự tan rã, số ít chạy thoát cũng không thể co cụm ở các vùng còn lại, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn đành bất lực!
Chính vì vậy, tuyến phòng ngự từ xa phía Đông Sài Gòn tại Phan Rang- sản phẩm sản sinh sau 2 chiến dịch trên- vừa chạm với Quân đoàn 2 của ta từ ngày 14/4 đã mau chóng tan rã, viên trung tướng tư lệnh là Nguyễn Vĩnh Nghi bị bắt sống.
Như vậy, chỉ non 1 tháng từ 2 chiến dịch này ta đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên cùng 12 tỉnh từ Quảng Trị tới Khánh Hòa và thu rất nhiều khí tài quân sự của địch. Quân đoàn 1 và 2 trấn giữ Quân khu 1 và 2 có quân số hầu hết bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh và tan rã đến nỗi không còn được coi là đơn vị chiến đấu.
Có một điều thú vị nữa là Quân đoàn 4 trấn giữ Quân khu 4 trên ĐBSCL bị các lực lượng ta tại chỗ giữ chân và cắt đứt QL4 (QL1 ngày nay), đã gần như bị “bốc tách” ra khỏi hoạt động ở những ngày chống chọi vô vọng của quân đội Sài Gòn.
Nghệ thuật đó còn thể hiện ở chỗ: nhiều tỉnh thành của Quân khu 3- quân khu cuối cùng của quân đội Sài Gòn- đã được quân ta giải phóng hay cô lập trước khi “tuyến phòng ngự phía Bắc từ xa” tại Phan Rang của Sài Gòn bị mở toang từ ngày 16/4, rồi chỉ sau 4 ngày “Cánh cửa thép Xuân Lộc” của Sài Gòn cũng sụp đổ, thế là từ lực lượng hỗ trợ đến các tuyến phòng thủ từ xa cho Sài Gòn lại bị quân ta “bốc tách”, thành phố bị cô lập và bị vây chặt khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26/4.
5 cánh quân của ta với 5 quân đoàn chủ lực trong chiến dịch này hừng hực khí thế với đầy đủ quân số, khí tài thừa sức đập tan các lực lượng địch còn đang hoảng loạn tập trung ở ven đô (khoảng 7 sư đoàn), nhưng trước những giờ phút sinh tử đó ta đã tiếp tục chừa con đường thoát cho người Mỹ thực hiện tiếp cuộc đại di tản khoảng 65.000 người Mỹ, tướng tá quân đội Sài Gòn và những người từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn bằng mọi phương tiện, kể cả không vận trên nóc tòa đại sứ Mỹ(1)…
Đó cũng là thời gian cho người dân ở các “căn cứ lõm” trong thành phố nổi dậy giúp 5 mũi tiến quân ta thọc sâu vượt qua các chốt chặn cuối cùng của địch chiếm lĩnh những mục tiêu then chốt trong nội ô Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô…
Đồng thời vận dụng các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để số địch còn lại có cơ hội “cởi giáp quy hàng” góp phần nhanh chóng làm chính quyền Sài Gòn sụp đổ và TP Sài Gòn được giải phóng vào ngày 30/4 còn nguyên vẹn, tính mạng và tài sản của Nhân dân thành phố được bảo vệ đúng như mong muốn của Sở Chỉ huy chiến địch.
Chính người Mỹ cũng nhận ra điều này(2): Sau ngày miền Nam giải phóng, trong cuộc thảo luận công khai về “Cái chết của chính thể Việt Nam Cộng hòa và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn”, khi nguyên Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam Martin ra điều trần trước Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ viện Mỹ, một số nghị sĩ đã phát biểu: Nếu Quân Giải phóng không lần lượt bốc các lớp tuyến phòng thủ bên ngoài mà tiến công trực diện vào Sài Gòn thì thành phố thành bãi chiến trường và cuộc không vận để di tản cũng không thể diễn ra được...
(1) và (2) theo quyển “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4, 75” của tác giả Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2016.
HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)