Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam (1948-2023) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được".
Nghệ nhân họa chân dung Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình |
Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam (1948-2023) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được”.
Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!
Luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, VHNT. Phải coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.
Nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống
75 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, tạo dựng nên một diện mạo VHNT Việt Nam mới. Nền văn nghệ ấy một mặt phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc; mặt khác, đó là tấm gương chân thực nhất, phản ánh hiện thực sống động, hào hùng, tràn đầy những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, đội ngũ văn nghệ có hơn 4 vạn người, bao gồm 5 thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước.
Văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, đưa văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với các kết quả đã đạt được, VHNT đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội.
75 năm qua, văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người. |
Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây, trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp.
Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người.
Nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống. |
Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.
Theo Tổng Bí thư: “Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”.
Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được.
Cùng nỗ lực điểm tô bức tranh chung
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, hoạt động VHNT của tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều bước chuyển mới.
Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Long cho biết, hoạt động VHNT đã bám sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các đề tài về biển, đảo, biên giới quốc gia, xây dựng NTM, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về dân tộc thiểu số, về thiếu niên nhi đồng, về truyền thống cách mạng, về xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, về ATGT, du lịch, văn hóa… được đưa vào chương trình đầu tư, các cuộc thi, các hoạt động sáng tạo hàng năm và trong từng hoạt động. Nhiều tác giả đã có những phát hiện mới, xây dựng hình tượng mới với những góc nhìn mới.
Tuy gặp nhiều khó khăn về quá trình tiếp biến sự vận động không ngừng của xã hội, đời sống kinh tế khó khăn, một số tác giả đã không thể toàn tâm, toàn lực cho hoạt động sáng tạo nhưng họ vẫn không bỏ cuộc mà kiên trì lao động nghề nghiệp, đó là một phẩm chất đáng quý của người nghệ sĩ.
Ông Trần Thanh Sơn chia sẻ, cần cơ chế chính sách thu hút tài năng, chính sách đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ kế thừa. Và tiềm năng VHNT chỉ có thể được giải phóng, ngoài sự nỗ lực của từng tác giả phải cần có sự đầu tư của Nhà nước thỏa đáng, không chỉ như các ngành nghề khác mà còn cần một cơ chế đặc thù.
Cần có khát vọng và hoài bão để tạo nên tác phẩm có giá trị. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục khẳng định VHNT là công cụ sắc bén, tinh tế trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cùng với văn hóa, VHNT là nền tảng, động lực của sự phát triển; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với sự phát triển VHNT; sự nghiệp phát triển VHNT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Vĩnh Long tiếp tục xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển một nền văn nghệ giàu truyền thống, giàu sức chiến đấu và hiện đại. Từ đó, đội ngũ văn nghệ sĩ đẩy mạnh sáng tác VHNT, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng, Liên hiệp Các hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin