Truyện ngắn

Viếng cha

Cập nhật, 16:45, Thứ Bảy, 22/07/2023 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Nắng đã buông xuống khu vườn trồng đầy lay ơn, thược dược, hoa huệ, cúc đại đóa… Khu vườn ánh lên những sắc xanh đỏ tím vàng lộng lẫy. Cỏ xanh mềm đẫm sương. Tôi men theo lối đi được đổ đá mịn uốn quanh hai bên hoa nở, dẫn ra cái ao nhỏ nuôi mấy loài cá cảnh.

Gió lồng lộng mát. Căn nhà của mẹ nằm giữa lòng thành phố nhưng mỗi khi trở về và bước qua cánh cổng, tôi lại ngỡ rằng mình đang sống giữa vườn tược yên lành, ở một miền quê xa xôi và thanh tịnh nào đó. Xung quanh nhà là ao hồ, cây cối bốn mùa xanh tốt.

Tất cả đều do chính tay mẹ tôi vun trồng, chăm bón, với mong muốn đơn giản là mỗi lần chúng tôi trở về nhà đều được ngắm hoa, tự tay cắt những bó hoa tươi rói cắm lên bàn thờ của cha tôi- người liệt sĩ đã hy sinh trong những ngày cuối cùng trước khi cuộc chiến tranh kết thúc.

- Mọi thứ đã tươm tất chưa con?- Mẹ tôi từ trong phòng hỏi vọng ra.

- Xong rồi mẹ ạ, chỉ còn chờ anh chị Hai đến là nhà mình xuất phát.- Tôi đáp.

Mẹ không nói gì thêm. Chúng tôi lớn lên, đứa có vợ, đứa có chồng, có con cả rồi, nhưng vẫn thường tề tựu bên mẹ cho vui nhà vui cửa.

Ở cùng với mẹ bấy giờ chỉ còn mỗi Út và con gái của Út, tức là cháu tôi. Hôn nhân sớm đổ vỡ nên Út bế con về sống với mẹ, nói sẽ không lấy chồng nữa, ở vậy suốt đời.

Tôi vừa mừng lại vừa lo. Út ở bên mẹ thì chúng tôi yên tâm, nhưng lỡ một ngày mẹ về trời vì không ai có thể cưỡng lại số phận, vậy Út sẽ đơn độc một đời. Tôi nói Út nếu gặp ai thương Út thật lòng thì Út cũng nên mở lòng, cha ở thế giới khác cũng sẽ vui lòng khi thấy Út hạnh phúc. Út cười hiền.

Út với bé Hoa đã lo lắng chu tất mọi thứ. Bé Hoa còn nhỏ nhưng hiểu chuyện, lại sống bên cạnh mẹ tôi- người phụ nữ đã từng kinh qua chiến tranh và thời bình, vừa truyền thống lại vừa rất hiện đại, thức thời, bé Hoa được dạy dỗ đàng hoàng và hiểu rằng những ngày này vô cùng trọng đại để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã nằm xuống vì Tổ quốc.

Vợ chồng tôi cắm hoa lên bàn thờ cha xong và ngồi đợi anh chị Hai. Anh Hai tôi có lẽ là người thành công nhất trong ba anh em, đúng kiểu là người đàn ông mẫu mực, biết lo lắng cho gia đình. Anh không sống cùng với mẹ nhưng có nhà ở gần để tiện qua lại thăm mẹ.

Chúng tôi đều hiểu mẹ đã dành cả đời để nuôi nấng các con nên người, yêu thương chúng tôi vô điều kiện nên chúng tôi phải sống có trách nhiệm, chẳng những cho gia đình mà còn cho xã hội.

Xe anh Hai đã đến và đỗ trước sân nhà. Bé Hoa tíu tít chạy vào trong phòng gọi bà ngoại. Mẹ tôi bước ra. Căn nhà bất chợt im ắng lạ. Chúng tôi nhìn nhau, nghe cả tiếng đập trong lồng ngực của những trái tim ấm. Mẹ tôi lấy tay sửa cái búi tóc bạc ở sau gáy, kéo lại hai tà áo dài cho đều.

- Trông mẹ kỳ lắm hả?- Mẹ tôi lúng túng.

- Không đâu, đẹp lắm mẹ ơi!- Anh Hai tôi bước vào và nói- Trong mắt của chúng con, mẹ là đẹp nhất.

Mẹ tôi ngượng nghịu xoay mặt sang nhìn lên bàn thờ của cha tôi. Trên bàn thờ là di ảnh trắng đen, đã cũ. Đó là hình ảnh của cha tôi những ngày còn sống trẻ trung và nhiệt huyết, vừa dành tình yêu cho gia đình, vừa lo nghĩ cho đất nước. Chắc mẹ muốn cha được nhìn thấy mẹ vẫn khỏe và đẹp trong tà áo dài dân tộc để cha được an lòng phương ấy.

Chúng tôi lên xe. Chị Hai ra sau ngồi, nhường chỗ phía trước cho mẹ tôi. Mấy chị em tôi cứ rổn rảng trò chuyện từ nhà ra đến nghĩa trang liệt sĩ.

Chỉ mỗi bé Hoa là say xe nên mặt hơi nhăn nhó và úp mũi vào vỏ quýt đã chuẩn bị sẵn. Tôi cười. Con bé đúng kiểu dân ruộng vườn, hồn hậu, chân chất.

Anh Hai cẩn thận lái xe đi trên con đường quanh co dưới những hàng cây xanh che bóng mát hai bên đường trong thành phố dẫn về hướng ngoại ô.

Mẹ tôi nhìn ra ô cửa. Mẹ đang nghĩ ngợi gì mà trông mẹ có vẻ rất đăm chiêu. Tôi biết mẹ vui buồn xen lẫn. Mẹ nhớ cha và trân trọng những kỷ niệm về cha của chúng tôi. Mẹ thương cha sâu đậm nên chọn cách không đi thêm bước nữa, toàn tâm toàn ý lo lắng cho chúng tôi.

Mẹ sống với những ký ức để được kề cận bên ba anh em chúng tôi, nuôi dạy chúng tôi nên người. Chúng tôi chính là niềm tự hào của mẹ.

Những ngày tháng bảy, nghĩa trang liệt sĩ khói hương bay là đà. Chúng tôi men theo con đường giữa hai dãy mộ trang nghiêm đi đến phía cuối đường. Mộ cha và vài người đồng đội vô danh nằm dưới tán cây bồ đề mát rượi.

Chúng tôi dừng lại, bày biện đồ đạc trước mộ, cắm hoa huệ, lay ơn vào trong chiếc lọ đã châm đầy nước. Hương hoa ngào ngạt chen lẫn với hương khói thơm quyện vào mũi tôi.

Mắt tôi cay xè nhưng không phải vì khói bay vào. Mẹ tôi thắp hương cho cha trước, sau đó là đến lượt chúng tôi. Tôi biết mẹ và mấy anh em tôi đều có chuyện muốn tâm sự cùng cha, nhưng không ai nói ra thành lời. Cha sẽ hiểu được những điều mà chúng tôi suy nghĩ.

Mẹ đến ngồi bên cạnh mộ cha, lấy khăn lau bụi trên tấm bia, thủ thỉ:

- Hơn bốn mươi năm rồi, ngày cha các con ra đi. Mẹ vẫn nhớ mãi cái ngày hôm đó…

Mắt mẹ nhìn lên trời xanh. Dòng hồi ức đưa mẹ về những năm tháng xa xưa, khi chiến tranh ì đùng sắp sửa đi đến hồi kết. Ngày đó mẹ tôi gặp cha trên chiến trường miền Nam khói lửa. Cha là bộ đội chủ lực, còn mẹ là cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

Cha mẹ gặp nhau được vài lần rồi đem lòng yêu nhau. Đám cưới tổ chức ở đơn vị, giản dị và ấm áp. Sinh chúng tôi, mẹ trở về chăm sóc, nuôi nấng và trở thành hậu phương vững chắc cho cha tôi nơi tiền tuyến. Ký ức về cha trong tôi không quá nhiều, phần vì ngày ấy tôi còn bé quá.

Nếu có nhớ thì chỉ là những lần chạy theo nắm tay cha lúc cha từ giã mẹ và chúng tôi để ra chiến trường. Nhớ chỉ vậy thôi! Còn trong mẹ tôi là một trời ký ức đẹp.

Một ngày, khi cuộc chiến tranh sắp sửa kết thúc, mẹ tôi nhận được tin cha tôi đã hy sinh trên chiến trường. Mẹ chết lặng. Anh em chúng tôi thuở ấy chưa hiểu nhiều về những đau thương đã trải nên chỉ biết khóc và đòi cha.

Kỷ vật mà người đồng đội của cha mang về trao tận tay mẹ tôi là chiếc mũ xanh có hình ngôi sao phía trước. Mẹ đã giữ kỷ vật ấy đến tận bây giờ. Đó là hiện thân của cha mà mẹ không bao giờ đánh mất.

Hòa bình, cha tôi được đưa ra nghĩa trang liệt sĩ để nằm bên cạnh những đồng đội khác cũng đã hy sinh sau khi tận hiến hết mình cho đất nước, nhân dân.

Tại nơi này, cha tôi từng ngày, từng giờ nhìn ngắm đất nước mình đổi thay- một đất nước được tạo thành từ máu xương của bao thế hệ ngã xuống, nhìn chúng tôi trưởng thành và sống có trách nhiệm. Tôi biết cha sẽ vui lòng nơi chín suối.

Mắt mẹ ướt đẫm. Tôi ngồi sau lưng ôm mẹ thật chặt, kề cằm vào vai mẹ, lắng nghe từng nhịp tim đập trong lồng ngực mẹ tôi. Trái tim của mẹ cũng đã và đang đập vì đất nước.

Nghĩa trang hôm nay đông người nhưng không ồn ã. Ai nấy cũng đều giữ sự trang nghiêm tuyệt đối. Chúng tôi mải miết nói với nhau những câu chuyện về cha, về chiến tranh và hòa bình, về giá trị của sự hạnh phúc được đánh đổi bằng bao mất mát, hy sinh.

Cho đến khi nhìn lại, tôi thấy bé Hoa đang lui cui thắp hương cho những ngôi mộ bên cạnh, chạy dài đến phía xa xa. Lòng tôi dịu mềm. Con bé thật biết chuyện.

Mặt trời đã chếch lên cao, non trưa, chim ngưng hót trên cành để bay đi tìm mồi và nghĩa trang cũng vắng người hơn ban nãy. Chúng tôi xếp đồ đạc vào giỏ rồi ra về. Mẹ tôi lau nước mắt, đưa tay sờ lên di ảnh của cha một lần nữa, mỉm cười rồi nói:

- Cha sắp nhỏ ở lại vui vẻ với đồng đội, tôi và các con về! Chào người đồng chí của tôi.

Sắp sửa ra đến cổng nghĩa trang, tôi vẫn còn thấy mẹ tôi ngoái đầu nhìn lại một lần nữa rồi mới an lòng bước lên xe. Cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, luyến lưu.

Cha mẹ vẫn luôn là niềm tự hào của tôi. Một cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch. Một người chiến sĩ đã sống hết mình với gia đình, đất nước, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Một người tóc bạc lưng còng nhìn ngắm thời gian trôi qua kẽ tay, nhìn ngắm đất nước đổi thay và đàn con thành nhân chi mỹ. Một người đã nằm xuống an nhiên để đổi lấy nền hòa bình cho dân tộc.

Mỗi lần đứng lớp, trước hàng chục học trò, dạy những tác phẩm về đề tài đất nước, đọc những câu thơ: “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con… Có bao người con gái con trai/ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm…” (Nguyễn Khoa Điềm), tôi lại thấy hiện ra trước mắt mình hình bóng cha mẹ tôi- những con người quả cảm và nghĩa tình, thủy chung son sắt với nhân dân, Tổ quốc.

Cửa nhà bật mở. Trong căn nhà của chúng tôi bỗng sáng rực lạ thường. Ánh nắng rọi vào trong nhà, soi lên từng viên gạch. Đóa hoa trên bàn thờ cha tôi rộ nở, tỏa hương ngan ngát không gian…

HOÀNG KHÁNH DUY