Ở trận tiến công cứ điểm Đăk Tô năm 1972, trong vòng vây của xe tăng địch đông hơn nhiều lần, chiếc tăng T59 mang số hiệu 377 của ta linh hoạt tới lui dũng mãnh đối đầu 2 mũi công kích với 10 chiếc tăng M41, đã lập nên một chiến công huyền thoại: tiêu diệt 7 chiếc tăng địch trước khi bị bắn cháy.
Tăng 377 lúc còn ở chiến trường Đăk Tô năm 1972. Ảnh: tư liệu |
Ở trận tiến công cứ điểm Đăk Tô năm 1972, trong vòng vây của xe tăng địch đông hơn nhiều lần, chiếc tăng T59 mang số hiệu 377 của ta linh hoạt tới lui dũng mãnh đối đầu 2 mũi công kích với 10 chiếc tăng M41, đã lập nên một chiến công huyền thoại: tiêu diệt 7 chiếc tăng địch trước khi bị bắn cháy.
Năm 2000, toàn kíp xe đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và chiếc tăng mình đầy thương tích ấy được công nhận là “Bảo vật quốc gia” cùng với chiếc tăng T54B số hiệu 843 và tăng T59 số hiệu 390.
Năm 1971, Đại đội tăng số 7 (C7) thuộc Tiểu đoàn 297, Trung đoàn 203 hành quân từ Hòa Bình đến Quảng Bình để tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào với tất cả biên chế toàn là các xe T54 do Liên Xô viện trợ. Sau đó, C7 được bổ sung thêm 8 chiếc tăng T59(*) để tiến vào Tây Nguyên, trong đó có chiếc tăng T59 số hiệu 377 thuộc Trung đội 3 (đây là lần đầu tiên chiến trường Tây Nguyên xuất hiện lực lượng tăng- thiết giáp của Quân Giải phóng).
Bước sang năm 1972, để chống lại Quân Giải phóng tiến công Bắc Tây Nguyên và vùng Trị Thiên, quân Mỹ và quân Sài Gòn lập 3 cụm phòng ngự ở Bắc Tây Nguyên gồm Đăk Tô- Tân Cảnh, TX Kon Tum và TX Pleiku. Trong đó cụm phòng ngự Đăk Tô- Tân Cảnh được chúng xem là một “vành đai thép” có sở chỉ huy của Sư đoàn 22 bộ binh và một số đơn vị khác.
Khi quân ta mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, mục tiêu đầu tiên được Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn là cái “vành đai thép” Đăk Tô- Tân Cảnh và chiếc tăng T59 số hiệu 377 (Tăng 377) được bố trí trong đội hình của lực lượng xung kích cùng với Tăng 352 và Tăng 369. Khởi đầu chiến dịch, 4 giờ 30 ngày 24/4/1972 quân ta nổ súng tiến công vào cứ điểm Tân Cảnh. Trên hướng Tây Bắc của cứ điểm này, ngay loại đạn đầu Tăng 377 và Tăng 352 đã bắn sập tháp nước và đài quan sát.
Ngay sau đó, Tăng 377 dũng mãnh vượt qua các vật cản, công sự và chiến hào đánh thẳng vào sở chỉ huy Trung đoàn 42 của địch. Cùng lúc, Tăng 352 dẫn đầu bộ binh vượt qua mọi sự kháng cự của địch đánh thọc sâu vào khu của cố vấn Mỹ và áp sát sở chỉ huy cứ điểm. Còn Tăng 369 tiến phía sau chi viện cho 2 chiếc tăng đi đầu. Sau 3 giờ chiến đấu ác liệt quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Tân Cảnh.
Sau đó, C7 và một pháo tự hành phối thuộc với Trung đoàn bộ binh số 1 thuộc Sư đoàn 2 tiến đến cứ điểm Đăk Tô. Đoàn quân ta bị địch đưa phi cơ và pháo binh đánh chận dữ dội. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển trên chiếc Tăng 377 lệnh cho lái xe mở hết tốc lực dẫn đầu đoàn quân vượt qua hỏa lực của địch.
Khi áp sát cứ điểm Đăk Tô, địch phát hiện Tăng 377 đang trong tình trạng vượt lên đơn độc đã cho 10 chiếc tăng M41 chia làm 2 mũi vây đánh. Toàn kíp Tăng 377 hạ quyết tâm còn một người cũng đánh, Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ đạo lái xe Trần Quang Vinh linh hoạt tới lui để 2 pháo thủ là Nguyễn Đắc Lương và Hoàng Văn Ái lần lượt bắn cháy đến chiếc xe tăng thứ 7 của địch thì cũng vừa lúc 2 chiếc Tăng 354 và Tăng 369 kịp đến phối hợp.
Nhưng khi Tăng 354 đến đầu sân bay Phượng Hoàng vừa bắn cháy một tăng của địch sau một ụ đất cũng là lúc Tăng 377 bị địch bắn cháy. Không lâu sau đó quân ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Đăk Tô.
Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh góp phần quan trọng trong thắng lợi của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Quân Giải phóng mà kẻ địch cho là thảm họa trong một “Mùa Hè rực lửa”.
Có một sự kiện cảm động là sau trận đánh các tăng của C7 về tập kết nơi dấu quân thì không thấy Tăng 377 đâu, cử người đi tìm chỉ thấy Tăng 377 bị địch bắn cháy trong một hẻm đất bên đường 18, trước nòng pháo của xe tăng này khoảng 40m là xác một tăng M41 của địch.
Ban đầu đồng đội cho rằng toàn kíp xe đều thoát được và trong lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt họ đã rời chiếc xe cháy rồi theo các đơn vị bạn. Phải đến lần kiểm tra thứ hai đồng đội mới phát hiện tại các vị trí của lái xe, pháo thủ trên chiếc tăng bị cháy đều còn một ít tro cốt của đồng đội mình. Các tro cốt của các đồng chí trên Tăng 377 đều được đồng đội trân trọng đem về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Cảnh.
Biết rõ chiến công tuyệt vời của Tăng 377, sau ngày giải phóng, vào năm 1977 Huyện đội Đăk Tô đã đem xác xe về bảo quản. 18 năm sau xe được sơn sửa lại để trưng bày tại khuôn viên Tượng đài chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh. 2 năm sau xe được tu sửa lần thứ hai nhưng vẫn giữ hàng chục vết lõm trên thân xe do bị đạn của địch bắn trúng.
Tăng 377 trưng bày tại khuôn viên Tượng đài chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh. Ảnh: Tư liệu |
Năm 2000, toàn kíp xe được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, riêng chiếc Tăng 377 được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong công văn của Cục Di sản Văn hóa đề nghị Thủ tướng xét tặng danh hiệu này có ghi nhận: “Xe tăng số hiệu 377 có hiệu suất cao nhất trong một trận đánh của lực lượng tăng- thiết giáp. Kíp xe đã nêu cao tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất, quả cảm”.
Bài viết có sử dụng tư liệu của VnExpress
(*) Tăng T59 bằng thép nặng 36 tấn do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho Việt Nam vào những năm 1960. Xe có 1 pháo chính 100mm, 1 súng phòng không 12,7mm và 2 súng máy 7,62mm.
Đối thủ của Tăng 377 trong trận này là M41 do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Sài Gòn. Đây là loại tăng hạng nhẹ, nặng 23 tấn, trang bị 1 pháo 76mm, 1 súng máy 12,7mm và 1 súng máy 7,62mm.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin