Khi màn đêm buông xuống, lời chào đầu cho buổi giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) cất lên, xen lẫn tiếng guitar so dây, điệu sầu của đàn sến, song lang bắt nhịp, tiếng vọng cổ mùi mẫn vọng về từ những góc quán quen.
Cô Kim Hoàng và chú Thành Khải (đàn guitar) là “tài tử ruột” của nhiều tụ điểm đờn ca tài tử trong tỉnh. |
(VLO) Khi màn đêm buông xuống, lời chào đầu cho buổi giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) cất lên, xen lẫn tiếng guitar so dây, điệu sầu của đàn sến, song lang bắt nhịp, tiếng vọng cổ mùi mẫn vọng về từ những góc quán quen.
Kết nối đam mê
“Mấy rày đau họng dữ lắm mà cũng ráng vô đây hát một bản, gặp gỡ anh chị em, vậy đó mà tối về ngủ mới ngon”- cô Lê Thị Kim Hoàng nhấp trà cho thanh giọng rồi chuẩn bị “lên sân khấu”.
Cô Kim Hoàng, 65 tuổi, quê ở xã Cái Ngang (huyện Tam Bình), cùng chồng đi đờn ca khắp các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ.
Khi còn ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), cô có hơn 20 năm làm “đào chính” cho nhiều vở diễn, cuộc thi vọng cổ lớn nhỏ. “… Đời như đám lục bình trôi, hễ chỗ nào có đờn ca là hai vợ chồng tấp vô, sống mà không có đờn, ca thì chịu sao nổi”, cô Kim Hoàng ví von.
Một ban nhạc tài tử thường có nhiều nhạc cụ, đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, sáo… nhưng trên sân khấu rộng hơn 4m2, rực rỡ đèn hoa tại quán cà phê Cồn Chim (phường Trường An, TP Vĩnh Long) lúc này chỉ có hai nhạc công, một người đang “phiêu” cùng chiếc guitar phím lõm, người còn lại say sưa cùng đàn sến (tần cầm, đờn hoa mai 5 cánh).
Người đàn ông có ngón guitar điêu luyện là chú Trần Thành Khải, chồng của cô Kim Hoàng, gần 70 tuổi, “tay đờn có tiếng” cho các hội nghị, cuộc thi, tụ điểm ĐCTT trong và ngoài tỉnh.
Thu nhập chính từ việc “chạy sô” khoảng 6 triệu đồng/tháng, đủ cho hai vợ chồng trả tiền nhà trọ ở xã Hòa Phú (Long Hồ) và sinh hoạt hàng ngày. Dù vậy thì đôi “chồng đờn, vợ ca” vẫn sống lạc quan, ai mời thì họ đến tận nơi phục vụ.
Mới đây, hai người thành lập CLB ĐCTT Khải Hoàng, sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần tại quán cà phê Cồn Chim, một điểm hẹn của nhiều tài tử gần xa. Tiếng đờn, ca thay lời tâm sự.
Chủ quán cà phê Cồn Chim, anh Nguyễn Anh Bình bộc bạch: “Tui mê nghe nhạc, quán tui gần sông thích hợp để mở ĐCTT. Hơn 8 tháng có hoạt động này thì khách ghé quán đông hơn, chưa kể tài tử bây giờ thích livestream (phát sóng trực tiếp) nên quán cũng được nhiều người biết”.
Vừa đi hơn 20km từ huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đến quán cà phê, chú Văn Út gửi tặng trích đoạn “Người tình trên chiến trận”.
Sau “chuyện tình trái ngang” của chú Út, thì những câu hát ngợi ca Bác Hồ của cô Kim Chi càng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. “… Ai cũng hát nhiều về tình yêu, nhưng cô lại thích hát về Bác và quê hương, nếu hiểu được nội dung thì sẽ thấy rất ý nghĩa, giúp mình sống có ích hơn”, cô Kim Chi cười nói.
Chia sẻ yêu thương
Tài tử hiện đại tìm kiếm khán giả thời 4.0. |
Chiều cuối tuần, ghé quán cà phê Mộc (Phường 9, TP Vĩnh Long) sẽ trông thấy một người phụ nữ ngoài 70, đang loay hoay bày biện mấy món ăn để các tài tử đến giao lưu được “no lòng, ấm giọng”.
Đó là cô Mai Lương, tên thật là Mai Thị Tài (Phường 4, TP Vĩnh Long), Đội trưởng Đội ĐCTT Từ thiện TP Vĩnh Long.
Lượng khách đến nghe ĐCTT vốn không cố định, nhưng đa phần đều đến vì “nghe thầy đờn trực tiếp hay hơn trên mạng, nhịp nhàng tiếng nào ra tiếng đó, mấy anh chị rất nhiệt tình, chỉ cho chị cách nhẩm nhịp để vô vọng cổ”, chị Trần Thị Ánh Minh (Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết.
Nhà văn Sơn Nam từng trải lòng rằng: “Tài tử là người phong lưu, không đặt vấn đề danh lợi trong lúc làm nghệ thuật. Đờn ca là để “di dưỡng tính tình”, giao cảm với bạn tri âm…”.
Vì vậy nên tài tử mới đa sầu, đa cảm nhưng sống rất chân thành, coi trọng nghĩa ân. 3 năm trước, cô Mai Lương được mọi người ủng hộ thành lập đội ĐCTT kết hợp với làm từ thiện.
Từ đó, Đội ĐCTT Từ thiện TP Vĩnh Long ra đời đến nay đã có gần 30 thành viên, trở thành nơi chan chứa tiếng đờn, lời ca và lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện.
Đội ĐCTT của cô Mai Lương sinh hoạt vào tối thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, khách đến nghe có thể “lên bông” (một hình thức tặng tiền bồi dưỡng cho các tài tử).
Cuối buổi giao lưu thì số tiền sẽ được tổng kết, dùng để thanh toán cho nhạc công, đãi ăn cho tài tử, thăm hỏi các đội viên và phát cơm từ thiện tại các bệnh viện trong tỉnh.
Là người chứng kiến quá trình hoạt động của Đội ĐCTT Từ thiện TP Vĩnh Long, thầy Thanh Giang- giáo viên Trường Năng khiếu nghệ thuật và TDTT Vĩnh Long, chia sẻ: “Ngoài tạo sân chơi cho giới tài tử, hoạt động thiện nguyện của đội còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một mô hình hoạt động nghệ thuật hiệu quả đáng để học hỏi và nhân rộng”.
Theo cô Mai Lương, đời sống của đội viên còn nhiều khó khăn, thời gian không đi đờn, ca thì có người chạy xe ôm, làm mướn, phụ hồ… nhưng dù vất vả thì mỗi tuần họ đều tranh thủ đến quán để giao lưu, người biết ca chỉ cho người chưa biết, tiếng đờn nhịp nhàng dìu dắt tiếng ca.
Thấu hiểu những khó khăn của các đội viên, cô Mai Lương nhận ra cần phải chăm lo nhiều hơn cho đời sống đội viên để “trong ấm, ngoài êm”.
Cô dự kiến sẽ sớm thực hiện chương trình góp vốn xoay vòng, rút thăm trúng thưởng hàng tuần… hỗ trợ và tiếp thêm động lực cho đội viên.
Trời dần khuya, tiếng đờn ca nhường phần tiếng nói cười rôm rả. Thành quả của đêm diễn hôm nay không chỉ dừng lại ở số tiền bồi dưỡng được nhận từ những lần “lên bông”, mà niềm vui hơn hết chính là nghệ sĩ mình vẫn còn khán giả.
Người vui vì thỏa đam mê, mình vui vì ngón đàn còn mượt mà, tiếng ca còn tình cảm. Dẫu rằng ngày mai cuộc sống còn bao điều lo toan, vất vả, nhưng với những người “nghệ sĩ” này thì có lẽ chỉ cần “tâm hồn còn lãng mạn thì sẽ thấy những cánh hoa”.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin