Nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt

05:03, 11/03/2023

Trong thời đại của những cơn sóng truyền thông, ký ức quý báu hơn bao giờ hết. Ký ức có thể là những mẩu hồi ký, những trang sử, những điều nằm sâu bên trong tâm trí chúng ta.

Sách “Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình” của TS Vĩnh Đào.
Sách “Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình” của TS Vĩnh Đào.

(VLO) Trong thời đại của những cơn sóng truyền thông, ký ức quý báu hơn bao giờ hết. Ký ức có thể là những mẩu hồi ký, những trang sử, những điều nằm sâu bên trong tâm trí chúng ta.

Khơi lại ký ức, không đơn thuần là khơi lại những điều đã bị lãng quên mà còn là cách tiếp cận cội nguồn, nhìn về quá khứ để xây dựng nền tảng bền vững hơn cho những bước đi của hiện tại và tương lai.

Cuốn sách “Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình” của TS Vĩnh Đào là một cuốn sách như thế.

Bởi vì đây là cuốn sách chạm đến những giá trị thiêng liêng nên Book Hunter- Nhà xuất bản Đà Nẵng đã chăm chút từng trang giấy, từng hình vẽ, từng ký hiệu in nổi, in mờ.

Cuốn sách được phụ chú đầy đủ bởi nhà văn Hà Thủy Nguyên và kèm tranh minh họa sống động của họa sĩ Tamypu cho từng thời kỳ lịch sử. Mở sách ra, hương giấy, hương mực thoang thoảng. Mở sách ra là đã thấy hồn quê đậm đà.

Sách là lời tâm tình đầy cảm xúc của một nhà văn mái đầu đã bạc phơ, dù sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng chưa mở lời nói một chữ tiếng Pháp hay tiếng Anh nào pha trộn khi giao tiếp với người nước mình. Thầy tâm sự: “Bức thư ngỏ này được viết cho bạn.

Tác giả không có ý định giảng giải về một việc tôn trọng nguồn gốc hay về truyền thống dân tộc, hay giảng giải về lịch sử, địa lý.

Tuy nhiên, người viết cuốn sách này muốn nêu lên cùng các bạn vài sự kiện thật kỳ diệu mà các bạn đã được nghe kể đâu đó nhưng chưa hiểu hết… tiếng Việt được phát sinh từ đâu và truyền lại cho chúng ta bằng cách nào?”.

Hành trình phi thường của tiếng Việt được trình bày trong chương thứ hai. Mười một trang sách sẽ giúp chúng ta hình dung về hành trình tiếng nói dân tộc trải qua những thăng trầm của lịch sử, một hành trình đầy gian truân mà tổ tiên chúng ta phải kiên trì hết sức để giữ gìn: “Trong một thời gian rất lâu, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ để nói, không có chữ viết ghi lại.

Từ thời kỳ không có chữ viết, ta chỉ còn lưu lại những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại, những câu ca dao, tục ngữ truyền miệng từ đời này sang đời khác” (trang 37).

Chúng ta thử hình dung, trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, cả dưới thời đô hộ của Pháp, bằng cách nào mà cha ông ta đã giữ tiếng Việt tồn tại thành công?

Chữ Nôm là kết quả của tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần những tác phẩm viết bằng chữ Nôm như Truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm hay thơ Hồ Xuân Hương, tôi vẫn xuýt xoa sao mà lời thơ đẹp đến say lòng: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.” (Nguyễn Du).

Những trang viết trong cuốn sách mang đậm chất văn bởi thầy Vĩnh Đào vốn là tiến sĩ văn học, cùng với đó là chất sử vì kết tinh vốn sống của một người con vùng đất Cố đô, một miền đất mà người buôn thúng bán bưng cũng mang nét đoan trang, lịch thiệp.

Gởi tình vào sách, thầy bộc lộ lòng yêu nước, yêu tiếng Việt nồng nàn và mong muốn mỗi người Việt, nhất là các bạn trẻ giữ hồn dân tộc bằng cách nói tiếng mẹ đẻ sao cho đẹp nhất và trong sáng nhất.

Với những ai muốn khám phá cội nguồn, tìm hiểu lịch sử thì cuốn sách là một món quà vô giá. Tôi rất thích phần phụ chú của sách.

Ví như đọc một đoạn trong Phụ chú 8 trang 41, tôi thỏa lòng khi đọc bài Văn Quốc Ngữ của Phạm Quỳnh: “Ôi! Có nước mà không có tiếng nói thì còn gì khổ bằng!

Trong khi học tập, năm ba anh em ngồi với nhau bàn chuyện thiết tha, nói những điều tâm sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng Tây hay điểm mấy câu chữ Tàu thì cực biết bao nhiêu!

Viết một bức thư là xẻ tấm lòng cho người yêu kẻ mến, lời đi cảm tình cũng phải đi theo, thế mà bày tỏ cái cảm tình ấy ra cũng không thể dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ thì thảm biết dường nào!”

Mạch nguồn cảm xúc sẽ được nối dài từ quá khứ đến hiện tại chỉ qua một tập sách. Cầm sách lên đọc, ta sẽ biết rõ mình là ai và nhận ra rằng: “Từ bỏ tiếng mẹ đẻ cũng là lựa chọn cắt đứt với nguồn gốc của mình” (Henrietter Walter).

Bài ảnh: HUỲNH NHỊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh