Sách ngày 8/3: Hội ngộ vì bình đẳng giới

Cập nhật, 05:19, Thứ Ba, 07/03/2023 (GMT+7)
Những quyển sách ra mắt độc giả dịp 8/3 năm nay.Ảnh NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
Những quyển sách ra mắt độc giả dịp 8/3 năm nay.Ảnh NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh

(VLO) 8/3 năm nay, lần đầu tiên liên hoan sách về bình đẳng giới đã được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ngành xuất bản cũng có nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng như tọa đàm, giới thiệu sách, tặng sách từ thiện, triển lãm tương tác,... góp phần tôn vinh đóng góp của tất cả phụ nữ.

Sách và bình đẳng giới trong thời đại số

Liên hoan sách đầu tiên về bình đẳng giới có tên gọi “Vút bay”. Bà Lê Lan Phương- Quỹ phát triển phụ nữ Liên hiệp quốc- UN Women Việt Nam chia sẻ, liên hoan sách không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy bình đẳng giới trong văn học mà còn là nền tảng cho các thế hệ tương lai có thể tiếp cận các tác phẩm đa dạng, phá bỏ những rào cản, những quan niệm xã hội ngăn cản phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác tận hưởng và phát huy đầy đủ tiềm năng và khả năng của mỗi người.

Bình đẳng giới không chỉ trong sách vở mà là câu chuyện rất thật, rất gần trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Trong tọa đàm “Bỏ khuôn mòn, khơi lối: Bình đẳng giới và sách trong thời đại công nghệ số”, bà Lê Lan Phương- nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, các đầu sách về chủ đề bình đẳng giới ngày càng phong phú. Đây là một nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản.

Từ cảm nhận cá nhân và mong ước của UN Women, chúng tôi muốn thông qua sách để nói với mọi người về nữ quyền, tạo lập giá trị bình đẳng và tôn trọng”.

Xu hướng xuất bản các tác phẩm đề cập đến nữ quyền đang được hình thành. Trong quá trình xây dựng danh mục 200 đầu sách về vấn đề bình đẳng giới, các cuốn sách ngày càng đa dạng và tiếp cận được nhiều lớp công chúng hơn. Trong đó, nổi bật là tủ sách “Phụ nữ tùng thư” của NXB Phụ nữ Việt Nam.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng- Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, dự án được ấp ủ rất nhiều năm, ra mắt vào năm 2018, cho đến nay tủ sách đã phát triển và có thêm những câu chuyện mới, hướng đến cả đối tượng thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số.

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, tại vùng sâu vùng xa, nữ quyền còn là một khái niệm rất xa vời và các cán bộ địa phương thường xuyên phải tuyên truyền, giải thích với người dân về bình đẳng giới. Tủ sách “Phụ nữ tùng thư” một phần lấy cảm hứng từ câu chuyện đó để mở rộng và phát triển thêm.

“Phụ nữ có thể làm mọi điều mình muốn”

Trong chuỗi sách giới thiệu dịp 8/3 của NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cùng 3 nữ tác giả trẻ là: Hoàng My, Cao Bảo Vy và Hồ Yên Thục cùng trò chuyện về cuộc sống và nghề viết.

Đúc kết sau gần 50 năm cầm bút, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên chia sẻ: “Từ xưa đến nay, các tác giả nữ ở nước ta không hề ít, song một số thường chỉ viết và giữ cho riêng mình.

Hiện nay những người trẻ đã viết nhiều hơn và phổ biến tác phẩm của mình đến công chúng nhiều hơn.

Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi trong một xã hội mà đang đi lên như thế này thì phụ nữ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn”.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên giới thiệu quyển sách “Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng”. 12 truyện vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về cuộc sống tình yêu, hôn nhân gia đình.

Qua tập truyện này, tác giả đưa người đọc vào những tình huống khi thì có thể đoán được diễn biến câu chuyện, khi thì hết sức bất ngờ, khi thì gần gũi ấm áp, khi lại ghê rợn đến run rẩy.

Sách về bình đẳng giới ngày càng đa dạng và tiếp cận được nhiều công chúng hơn.
Sách về bình đẳng giới ngày càng đa dạng và tiếp cận được nhiều công chúng hơn.

Tác giả Hoàng My thì mang đến tác phẩm “Nhà lúc đông lúc vắng” kể về những tình cảm ấm áp, những câu chuyện đời thường, giản dị, đôi khi nhỏ nhặt mà thấm thía về các mối quan hệ trong gia đình.

Tiếp nối chủ đề gia đình là tác phẩm “Chân nhỏ dũng cảm- Cùng con đi khắp thế gian” của Cao Bảo Vy. Sách tập hợp 33 tản văn dung dị và tràn đầy cảm xúc của hai mẹ con khi cùng nhau rong ruổi tại Việt Nam và 6 quốc gia khác.

Trong khi đó, tác giả Hồ Yên Thục nhận được nhiều tình cảm với tác phẩm “Nhật ký cô giáo” như một thước phim đầy hài hước về câu chuyện giảng đường của một cô giáo trẻ.

Bằng trải nghiệm và sự nhạy cảm, các tác giả nữ đã lột tả một cách sống động mọi lát cắt của cuộc sống. Hạnh phúc và sự hy sinh của người phụ nữ lấp lánh trong mỗi trang văn.

Nhà thơ Ngọc Liên nhấn mạnh, nữ quyền có nghĩa là mình có quyền làm những điều gì mình muốn. Phụ nữ có quyền tự do lựa chọn, bất kể là làm những công việc vốn được cho là của nam giới hay từ chối những điều thường được cho là bổn phận của nữ giới…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ