Sáng ngời sự nghiệp cách mạng và kiến trúc

06:02, 20/02/2023

Kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tấn Phát, còn gọi Sáu Phát, sinh ngày 15/2/1913, tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình địa chủ đã phá sản.

Lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm tại khu mộ của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chiều 14/2 tại TP Hồ Chí Minh.
Lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm tại khu mộ của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chiều 14/2 tại TP Hồ Chí Minh.

(VLO) Kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tấn Phát, còn gọi Sáu Phát, sinh ngày 15/2/1913, tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình địa chủ đã phá sản.

Hết tiểu học, vào học Trường Trung học Mỹ Tho (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay); sau đó lên Sài Gòn vào học một trong những ngôi trường hàng đầu ở Nam Kỳ lúc đó, Trường Petrus Ký (tức Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tại TP Hồ Chí Minh ngày nay).

Sau khi xong bậc trung học, ông vào học kiến trúc tại Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Tại đây, ông là một sinh viên tích cực tham gia các hoạt động tại trường, nhất là hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ.

Năm 2000, KTS Huỳnh Tấn Phát được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt đầu tiên). Đây là giải thưởng cao quý nhất của nước ta về văn học nghệ thuật, ghi nhận những đóng góp lớn của ông cho sự nghiệp kiến trúc.

Năm 1936, ông tham gia phong trào Đông Dương Đại hội; đã cùng những sinh viên tổ chức đoàn đại biểu của sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard (đại diện cho Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp sang Đông Dương), để trình “Tập thư thỉnh nguyện”.

Sau khi đậu thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938 tại Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương, ông về Sài Gòn mở văn phòng KTS tại số 68 - 70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu, Quận 3). Đây cũng là văn phòng KTS đầu tiền ở Nam Bộ.

Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương tại vườn Ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn, Quận 1) do Toàn quyền Đông Dương Decoux chủ trì. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu chuyển hướng đi theo cách mạng.

Trong suốt thời gian diễn ra tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Sài Gòn, KTS Huỳnh Tấn Phát là một trong những người sáng lập tổ chức Thanh niên Tiền Phong.

Tổ chức này đã đóng vai trò to lớn trong việc huy động lực lượng cách mạng như trí thức, công - nông đứng về phía cách mạng, tạo động lực lớn cho cuộc khởi nghĩa.

Ông là một trí thức nổi tiếng có nhiều hoạt động thu hút giới trí thức và thanh niên, góp phần cống hiến cho Đảng ta, cho sự nghiệp thống nhất đất nước với những trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Cụ thể, sau khi Chính phủ lâm thời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, ông là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1969, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, KTS Huỳnh Tấn Phát tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách quan trọng, như Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, từng là Trưởng BCĐ Quy hoạch Thủ đô và trực tiếp là chủ nhiệm đồ án quy hoạch xây dựng Hà Nội. Nhân cách và tấm lòng của KTS Huỳnh Tấn Phát là tấm gương sáng cho đến hôm nay.

Ở cương vị nào, ông cũng đều giành ý chí, trí tuệ, tâm huyết của mình, hết lòng mình với Đảng, với cách mạng.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Kiến KTS Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 - 15/2/2023), sáng 15/2 tại TP Bến Tre, đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức.

Qua đó, làm sâu sắc thêm những đóng góp to lớn của KTS Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam trong suốt công cuộc đấu tranh giành độc lập, dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là người trí thức tiêu biểu đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước, nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước, công tác đại đoàn kết và đóng góp lớn vào sự nghiệp ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cả sự nghiệp ngoại giao trước và sau năm 1975.

Bài, ảnh: PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh