Tạp bút

Những mùa bông Tết

Cập nhật, 07:13, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Những mùa bông ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của chúng tôi…

Chở bông ra chợ Tết. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Chở bông ra chợ Tết. Ảnh: PHƯƠNG NAM

1. Sau vụ lúa cuối năm, khi màu nắng đã dịu dàng hơn mấy hôm má tôi đội nón lá ra sân phơi lúa, chúng tôi lại rôm rả chuẩn bị cho một chuyến đi xa thật xa. Một chuyến rong ruổi trên sông nước.

Bông đã đơm nụ, chiều má đứng giữa vườn cạnh cái mốc gạch đã lâu không nổi lửa, ngó nghiêng. “Năm nay bông tốt hơn năm ngoái, chắc là nở ngay Tết, chuẩn bị ghe đi thôi ba con út”. Những chuyến ghe nổ máy, cộc cạch rời làng bông mang sắc xanh, đỏ, tím, vàng xuôi về muôn phương.

Rồi chúng tôi cũng rời làng bông, chiếc máy cũ bao nhiêu năm xuôi ngược đồng bằng bắt đầu nhả khói đưa chúng tôi đi từ sông này qua kinh nọ.

Làng bông lùi lại sau lưng. Ngồi trên mũi ghe liêu xiêu ngọn gió xuân lành lạnh ngắm con nước bị mũi ghe xé làm đôi, từng cánh sóng dập dềnh, tôi thấy tim mình hân hoan.

Tôi thích đi ghe, bao nhiêu mong đợi suốt một năm ròng cuối cùng cũng đến, niềm vui và nỗi buồn bất chợt xen lẫn trong lòng tôi.

Tôi mơ hồ nghĩ về những miền đất xa xôi, tôi thoáng buồn khi tạm rời làng bông, đến chừng giao thừa mới quay trở lại. Má nói quê hương - bất kể lúc nào cách xa người ta cũng thấy trong lòng chất chồng nỗi nhớ.

2. Ghe chúng tôi đi dọc đôi bờ một dòng sông dài ngoằn, tôi ngồi ngẫm ngợi, hình như là một dòng sông lạ mà chúng tôi chưa từng lui tới.

Má nổi lửa nhóm bếp ở sau lái, cũng chỉ mấy món đơn giản như cá kho, rau luộc, canh bông súng… nhưng tôi nghĩ tới khi mình rời xa chiếc ghe này, rời khỏi đồng bằng chắc tôi sẽ nhớ nhiều dữ lắm.

Má nói “con út ráng học thiệt giỏi, lớn lên không có đi ghe vất vả như má, lớn lên phải đi thiệt xa chứ không như đời má, đời ba, suốt kiếp quẩn quanh ở chốn này, chưn đóng phèn, quê một cục”.

Ngọn khói làm mắt tôi cay xè, tôi ra phía trước ngồi chênh hênh ngắm cảnh. Những ngày giáp Tết, đồng bằng càng thêm đẹp.

Hai bên bờ, người ta đã tất bật chuẩn bị đón Tết bằng những mẻ than hầm khói cuộn lên nghi ngút trong không gian, những mâm mứt gừng, mứt bưởi phơi dọc bờ sông, vài người phụ nữ ngồi dưới mé sông chằm lá dừa nước lợp lại cái mái nhà sau.

Ba tôi ít khi ghé lại những xóm xa xôi, xóm nằm giữa rừng tràm heo hút, bởi ở đó người ta thường không mua bông chưng Tết, hoặc mua đôi ba chậu chứ không nhiều. Nhưng ba thường chọn những dòng kinh ấy để đi ngang qua.

Đời ba biết bao lần xuôi dọc trên sông ba không đếm xuể, thời trẻ ba chạy ghe đi bán gạo, bán hàng bông, đến chừng cưới má, ba má chắt chiu mua được miếng đất ở làng bông rồi sống bằng nghề trồng bông Tết.

Thuở ấy làng bông chưa thành khu du lịch nên trồng được bao nhiêu ba má đem xuống ghe chạy dọc những dòng sông chằng chịt ở miền Tây để bán.

Lời không được bao nhiêu, không bù đắp được công sức ba má đã bỏ ra để có những mùa bông rực rỡ, nhưng những năm tháng ấy ba má và cả tôi không thể nào quên được. Mỗi dòng sông đi qua đều trở thành ký ức trong tâm khảm tôi.

Tôi thấy mình yêu sông từ dạo ấy. Chiếc ghe chúng tôi đến bến chợ trong một sớm mai đầy nắng, từ trong ghe nhìn ra, tôi thấy cơ man những chiếc ghe khác cũng neo đậu dập dềnh.

Xóm chợ gần Tết đông đúc, huyên náo, ghe thương hồ khắp nơi hội tụ trên quãng sông này làm thành một nét riêng của vùng đất mà tôi yêu như máu thịt.

Trên mỗi chiếc ghe là một thứ hàng: ghe dưa hấu, ghe khóm, ghe vải vóc,… nhiều nhất chắc là ghe bông với màu vàng của cúc mâm xôi, vạn thọ, mai, màu tím của cát tường, đỏ của cẩm chướng,…

Nắng rọi xuống xóm chợ trên sông tạo nên những mảng phản quang điểm tô cho nét đẹp sông nước miền Tây. Đến chợ nổi có lẽ là niềm mong đợi lớn nhất của tôi trong chuyến đi dài.

Ở đây, tôi thỏa sức ngắm nhìn, lắng nghe bao câu chuyện vui buồn về những phận đời trên sông, về ngày Tết miền Tây, về những miền đất nằm dọc đôi bờ con sông Tiền, sông Hậu.

Mỗi vóc hình là một câu chuyện nhưng chung quy lại ai cũng đều dành cho mảnh đất và dòng sông này một tình yêu nồng cháy. Ngoài cuộc mưu sinh gian nan, đi ghe - với nhiều người - còn vì nặng lòng thương nhớ những dòng sông.

3. Trong ký ức của tôi cứ đọng hoài hình ảnh má tôi ngồi trên mũi ghe, tay chống ra sau, tay cầm cái nón lá cũ phe phẩy quạt.

Giờ nghĩ lại tôi thấy con nít lạ thiệt, hồi chuẩn bị đi ghe thì háo hức, đến khi thấy người ta rộn ràng chuẩn bị đón Tết, những chiếc ghe bên cạnh đã lần lượt giã từ chợ nổi về nhà, lòng lại ao ước mau trở về đón Tết trong căn nhà cũ có giàn bông giấy giăng ngang.

Chợ nổi Trà Ôn vào mùa Tết. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Chợ nổi Trà Ôn vào mùa Tết. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Má nói: “Bán hết mớ bông này thì về, về không kịp thì ăn Tết trên ghe thêm một năm nữa, có sao”. Nói vậy chứ có bao giờ má để tôi phải đón Tết trên ghe, trừ cái năm nào giờ tôi không nhớ rõ, mà cũng chẳng muốn nhớ nữa, khi sắp sửa qua năm mới mà chiếc ghe vẫn còn đầy ắp những chậu bông, ba má nấn ná lại đến khi nghe tiếng pháo bông nổ giòn rụm trong tivi thì hốt hoảng nhận ra đã tới giao thừa.

Nước mắt má lưng tròng. Đường về xa xôi. Nhiều người quyết định bán bông với giá rẻ bèo, thậm chí bỏ bông lại trên bến rồi dong ghe về đón Tết. Ba má tôi không nỡ làm như vậy.

Má chưa từng bỏ một chậu bông nào trên bến lạ, má nói để có được chậu bông này ba má đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Má không muốn những chậu bông rời ghe một cách vô nghĩa rồi lặng lẽ héo úa, phai tàn.

Rồi những chậu bông ấy cũng kịp về tay người, tô điểm cho không gian căn nhà thêm lung linh, ấm áp. Má tôi đứng chống tay trên mui ghe thở dài, mỉm cười hạnh phúc.

Tôi hí hửng lấy cái gàu múc nước sông tưới cây ớt trồng trong cái thạp bể miệng, trái chín đỏ cây. Trong buổi chiều giáp Tết ngồi co ro trong ghe nghĩ vẩn vơ, tôi biết đó là khoảnh khắc hạnh phúc của ba má. Bán hết bông để được về nhà đón cái Tết sum vầy, để chiếc ghe ngơi nghỉ sau hàng tháng trời rong ruổi sông này kinh nọ.

Tôi bồi hồi nhớ lại một chiều má đội nón lá, nắm tay tôi chuyền nhờ từ ghe này sang ghe khác để lên bờ mua bộ đồ mới, đôi dép xinh xinh.

Mắt tôi ươn ướt khi hồi tưởng về cái lần tôi xúi má mua cái áo bông hường ở cái chợ nào đó mà tôi không nhớ tên. “Áo đó má mặc vô đẹp dữ lắm!”. Má cười: “Thôi, má đen thui, mặc màu hường vô ai coi. Đồ má thiếu gì, mua cho út thôi!”.

Mãi sau này tôi mới biết má đã dành tất cả những gì tốt nhất cho tôi, còn má chẳng có gì ngoài một đời nhọc nhằn vất vả.

4. Mãi sau này tôi mới biết những dòng sông, những xóm chợ, những chuyến đi xa đã trở thành một phần cuộc đời, một phần ký ức của tôi.

Giờ thì ba má tôi không còn trồng bông nữa. Làng bông đã trở thành cố hương mà chúng tôi từng nương thân trong những năm tháng cơ cực nhất.

Những buổi chiều tôi thấy má ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra xa xôi, mắt má sóng sánh buồn, tôi biết má nhớ làng bông, nhớ chiếc ghe cũ đã bán cho người khác mấy năm về trước.

“Út ơi, đưa má về lại làng bông đi con. Má nhớ làng bông. Má nhớ ba con, nhớ nhiều lắm! …” - Má tôi nói vậy.

Hình như khi người ta già, điều người ta cần không phải là những chuyến đi xa, những vùng đất mới mà là được trở về tìm lại dấu yêu xưa.

Tôi đưa má về lại làng bông. Cuối năm, gió trời lành lạnh. Má đứng lặng im nhìn mảnh đất cũ giờ đã được khai thác để làm khu du lịch, cái bến sông xưa nay đã được xây cầu, tàu du lịch tấp nập không ngớt.

Tôi thấy mắt má đỏ hoe. Thời gian trôi qua, mọi thứ đổi dời chỉ có trái tim má tôi đau đáu hướng về chốn xưa người cũ là không hề thay đổi, chỉ có những kỷ niệm tuổi thơ bôn ba phiêu dạt của tôi vẫn tròn vẹn trong lòng.

Tôi thầm cảm ơn mảnh đất này đã dung dưỡng tôi, những chuyến ghe mang tôi đi dọc dài châu thổ để thấy miền Tây mình đẹp, dung dị và nghĩa tình biết bao.

HOÀNG KHÁNH DUY