Mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam

01:01, 30/01/2023

 55 năm trước, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

(VLO) 55 năm trước, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, kéo dài 30 năm của nhân dân ta.

Trở lại bối cảnh lịch sử cách đây hơn 55 năm, sau thất bại nặng nề trong “chiến tranh đặc biệt”, để cứu cho chế độ Sài Gòn khỏi sụp đổ, đế quốc Mỹ đã đưa ồ ạt quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng cường không quân và hải quân đánh phá miền Bắc để ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, hòng cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam.

Ở Vĩnh Long cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL, Mỹ tăng cường cố vấn, trang bị binh chủng kỹ thuật hiện đại cho quân ngụy, sử dụng tối đa hỏa lực của không quân, hải quân và pháo binh để đánh phá, hủy diệt quân giải phóng đồng thời tiến hành chiến lược bình định cấp tốc vùng nông thôn, tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng bằng chiêu bài “khu trù mật; “ấp tân sinh”; “ấp đời mới”…

Năm 1966, tổng số quân địch ở Vĩnh Long lên đến khoảng 20.000 tên gồm cả lính chính quy, bảo an, dân vệ, cảnh sát, biệt kích; trong đó có trên 1.000 tên cố vấn Mỹ.

Địch tiến hành xây dựng thêm đồn bót, củng cố các chi khu và căn cứ quân sự quan trọng. Chúng thực hiện biện pháp “tìm diệt và bình định”, với chiến lược hai gọng kìm đã gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Từ năm 1965 - 1967, quân dân miền Nam trong đó có tỉnh Vĩnh Long đã đoàn kết một lòng, quyết tâm vùng lên đánh trả kẻ thù; từ chỗ bị động chuyển sang thế chủ động tiến công địch ở khắp mặt trận, bẽ gãy nhiều trận càn quy mô lớn của địch. Vùng giải phóng ngày càng được mở rộng. Kế hoạch Xít ta-lây Tay-lo của Mỹ bị phá sản.

Nhận định cục diện chiến trường thuận lợi, tháng 12/1967, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở cuộc tổng tấn công, nổi dậy nhằm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Và đó chính là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Một quyết định mang tính lịch sử, ghi lại dấu một mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Vĩnh Long được Khu ủy chọn là địa bàn trọng điểm 2 của Tây Nam Bộ (sau TP Cần Thơ), Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo tốt công tác dân vận; tỉnh đã phát động được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, với tinh thần “tất cả để đánh giặc, tất cả để thắng giặc”!

Cùng với khắp chiến trường miền Nam, cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Vĩnh Long đã nổ ra trong giờ phút đầu tiên của chiến dịch, đúng vào dịp giao thừa, ta tấn công mạnh mẽ trọng điểm vào các cơ quan đầu não địch ở TX Vĩnh Long và các địa phương khác, đặc biệt là trận tập kích vào sân bay Vĩnh Long, trong vòng 30 phút ta đã tiêu diệt, phá hủy 85 máy bay các loại, chiếm toàn bộ sân bay.

Cùng lúc các mũi khác đồng loạt tiến công đánh chiếm khu truyền tin Hoa Lưu; Tòa Hành Chánh; bao vây Tiểu đoàn 43 biệt động quân; chiếm bệnh viện; khống chế Dinh tỉnh trưởng; cắt đứt giao thông, liên lạc làm cho quân địch vô cùng hoang mang, co cụm.

Ở địa bàn vùng ven, nông thôn lực lượng vũ trang kết hợp cùng dân quân du kích, quần chúng nổi dậy bằng 3 mũi giáp công tiến đánh các đồn bót, nhằm căng kéo lực lượng địch trải khắp mặt trận…

Kết quả qua 2 đợt tiến công ta bứt hàng 119 đồn; giải phóng 15 xã; loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch, bắn và phá hủy 120 máy bay; đánh chìm 43 tàu chiến… Lần đầu tiên ở ĐBSCL, ta đánh chiếm được TX Vĩnh Long và làm chủ 6 ngày đêm.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa Xuân 1968 ở Vĩnh Long là thắng lợi của ý chí, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dũng cảm ngoan cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của Đảng, quân dân tỉnh nhà.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 toàn miền Nam nói chung và tại Vĩnh Long nói riêng có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, đánh dấu sự thất bại cơ bản Chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường và xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nhân dịp mừng Xuân mới Quý Mão 2023, ôn lại quá khứ hào hùng - chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta càng khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tất cả thắng lợi của cách mạng Việt Nam; công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đề ra đường lối cho cách mạng tiến lên giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chúng ta cũng sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn các chiến sĩ, các anh hùng, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước đã kiên cường, cùng vượt qua gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người, sức của để làm nên những chiến công vang vội trong cuộc đấu tranh cách mạng giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

DUY DẪN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh