Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam

Chiến thắng mở đường cho kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước

Cập nhật, 05:27, Thứ Bảy, 14/01/2023 (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris 1973.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris 1973.

(VLO) Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” (gọi tắt là Hiệp định Paris 1973) được ký khi Mỹ không còn thấy cơ hội chiến thắng tại Việt Nam và trong bối cảnh trật tự quốc tế xoay chiều.

50 năm nhìn lại sự kiện lịch sử này, chúng ta càng thấy rõ để có hiệp định là cuộc đấu trí về ngoại giao, là cuộc đấu lực trên chiến trường kiên trì, bền bỉ, linh hoạt; là thắng lợi toàn diện của quân và dân ở hai miền Nam Bắc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Bối cảnh đặc biệt

Một điều khẳng định, Hiệp định Paris 1973 là thắng lợi lớn nhất trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam kể từ năm 1945 - 1973. Khởi động ngày 13/5/1968, Hội đàm quốc tế họp tại Paris, Pháp về Việt Nam ban đầu chỉ gồm đại điện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ.

Sau đó, từ 18/1/1969, hội nghị có thêm sự hiện diện đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (tức chính quyền Sài Gòn). Vì thế Hội nghị Paris 1973 còn được gọi là Hội nghị “bốn bên” và “hai phía”.

Hội nghị Paris và việc ký Hiệp định Paris 1973 diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt.

Một là, hội nghị và cuộc chiến diễn ra trong sự bất cân xứng về lực lượng, khi Việt Nam phải đối mặt với bộ máy chiến tranh khổng lồ với 500.000 quân Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand cùng với lực lượng khoảng 1 triệu binh lính thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa (chưa tính cảnh sát) cùng một số lượng vũ khí và các phương tiện chiến tranh thuộc hàng hiện đại nhất thế giới.

Hai là, tiến trình Hội nghị Paris diễn ra một thời gian thì xuất hiện bối cảnh bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, khi hai nước gia tăng cạnh tranh không chỉ nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế và Mỹ đã khai thác triệt để mâu thuẫn này.

Đặc biệt, Trung Quốc vào đầu thập niên 70 thay đổi đường lối ngoại giao vì lợi ích riêng, họ xúc tiến bang giao với Mỹ và khối tư bản nên chủ trương giảm dần sự ủng hộ cuộc kháng chiến chống xâm lược chia cắt đất nước của ta.

Toan tính của các nước lớn

Đến đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta đã kéo dài gần 2 thập kỷ và Hội nghị Paris đã bước sang năm thứ tư.

Đó cũng là năm nước Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống và Tổng thống Nixon muốn trúng cử thêm nhiệm kỳ thứ hai, nhân dân Mỹ muốn chính quyền kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.

Trong bối cảnh giằng co của chiến tranh, chính quyền Nixon đã tiến hành chiến lược 3 gọng kìm bao gồm ngoại giao, truyền thông và quân sự để gây áp lực buộc Việt Nam phải thực hiện kế hoạch của Mỹ.

Về ngoại giao, Tổng thống Mỹ Nixon thực hiện một loạt các biện pháp ngoại giao khác mà đỉnh cao là các cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh và Moscow, đã làm tăng uy tín của Nixon khi năm bầu cử tổng thống bắt đầu.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nixon đã lần đầu tới thăm Trung Quốc (từ 22 - 30/5/1972), lại “gặt hái” thêm một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục với những cái bắt tay hứa hẹn từ các lãnh đạo Trung Quốc.

Âm mưu của Mỹ đã được chính Tổng thống Nixon khẳng định: “Tôi cho rằng việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và hòa dịu với Liên Xô là những phương pháp khả quan để đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh”.

Về truyền thông, cũng trong thời gian đó, Giám đốc CIA Richard Helms đề xuất xây dựng một chuỗi chiến dịch đánh lừa và xuyên tạc thông tin chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để gây thêm khó khăn cho các lãnh đạo Hà Nội và thôi thúc họ quan tâm tới giải pháp đàm phán hơn.

Tin đồn mà Mỹ tung ra là Tổng thống Nixon đã thỏa thuận thành công với các lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc rằng hai nước này sẽ ngừng viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về quân sự, mặc cho các cuộc ngoại giao diễn ra ở Paris, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn đẩy mạnh các cuộc khiêu khích lấn chiếm ở các chiến trường miền Nam kết hợp dùng không quân ném bom miền Bắc.

Trong số đó phải kể đến Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 khi mà Mỹ quyết giành được thắng lợi để gây áp lực với ta trên bàn đàm phán ở Paris.

Rõ ràng, Mỹ đã triệt để dùng con bài chiến lược ngoại giao nước lớn kết hợp với biện pháp truyền thông và hoạt động quân sự ở miền Nam, nhằm cô lập Việt Nam.

Những thỏa thuận mà Mỹ đạt được với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là gọng kìm truyền thông và quân sự cho thấy sự nham hiểm của chính quyền Mỹ và đồng minh đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, gây cho miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam nhiều khó khăn và thiệt hại.

Cụ thể là vào tháng 12/1972, vài tháng sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Nixon đột ngột ngưng đàm phán và bí mật hạ lệnh cho không quân bất ngờ ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều đô thị khác vô cùng tàn bạo với tuyên bố “Đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, gây cho ta rất nhiều thiệt hại trong đó rất nhiều thường dân thương vong.

Quân và dân miền Bắc anh dũng chống trả, bắn rơi hàng trăm máy bay, trong đó có hàng chục chiếc “pháo đài bay B52”, bắt sống rất nhiều phi công thiện chiến của Mỹ.

Sau 12 ngày đêm, thấy không thể chiến thắng, Mỹ mới ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và trở lại Paris đàm phán với ta đồng thời chấp nhận ký hiệp định ngày 27/1/1973.

Như vậy là Hiệp định Paris được ký kết sau bao nhiêu năm nỗ lực ngoại giao của ta muốn kết thúc chiến tranh bằng giải pháp ngoại giao. Đối với Việt Nam, Hiệp định Paris 1973 không chỉ là thắng lợi ngoại giao, mà còn là thắng lợi quân sự, thắng lợi của chiến lược “vừa đánh vừa đàm”.

Trong môi trường quốc tế phức tạp, khó khăn, mâu thuẫn đan xen đó, Việt Nam đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng, song cũng hết sức mềm dẻo.

Chúng ta đối phó linh hoạt, vừa tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn cùng các nước yêu chuộng hòa bình, vừa giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình, không rơi vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Mỹ chủ trương và khuyến khích phá hoại Hiệp định Paris 1973

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân hai miền Việt Nam tưởng rằng chiến tranh sẽ kết thúc, hòa bình sẽ được tái lập, đất nước sẽ thống nhất theo tiến trình mà hiệp định đã ghi bằng mực đen giấy trắng.

Nhưng không, thời gian cho thấy Mỹ chỉ thi hành hiệp định theo nội dung rút quân đội của họ và đồng minh ra khỏi Việt Nam, còn lại với bản chất thâm độc vốn có họ bắt đầu những kế hoạch “thời hậu chiến” hết sức tinh vi, bài bản để cuộc chiến tranh tại Việt Nam tiếp tục mà không có quân đội Mỹ tham dự bằng việc viện trợ tiền, viện trợ vũ khí và chỉ đạo chính quyền Sài Gòn từ nước Mỹ.

Bằng chứng là họ xúi giục và bảo trợ chính quyền Sài Gòn không thi hành Hiệp định Paris. Mỹ vẫn tiếp tục rót viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa.

Để tiếp tục tiến hành chiến tranh, Mỹ vẫn tiếp tục can dự vào miền Nam Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau:

1. Tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế và cố vấn cho  chính quyền Sài Gòn  thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng và củng cố  quân đội Sài Gòn để thực hiện bình định, phá thế “da báo”, “cài răng lược” nhằm mở rộng vùng kiểm soát, trọng điểm là vùng ĐBSCL.

2. Rút quân nhưng để lại vũ khí, khí tài và nhiều nhân viên tình báo, kỹ thuật, cố vấn quân sự dưới vỏ bọc dân sự.

3. Lôi kéo các quốc gia tại châu Á, nhất là Đông Nam Á chống, cô lập Việt Nam; gây sức ép buộc Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác giảm viện trợ cho Việt Nam.

Tiếp tục từng bước làm Quân Giải phóng miền Nam và chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam suy yếu để từ đó xóa bỏ thực trạng hai chính quyền, hai quân đội, ba lực lượng chính trị tại miền Nam Việt Nam và biến miền Nam Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia tách biệt hoàn toàn với miền Bắc Việt Nam như thực trạng trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ duy trì sử dụng lực lượng quân sự tại các căn cứ tại châu Á để răn đe Quân Giải phóng miền Nam cũng như lấy việc rút quân Mỹ tại miền Nam để tiến hành mặc cả, yêu cầu Liên Xô và Trung Quốc thi hành hiệp định giảm viện trợ cho ta. 

Quân số của Mỹ tại Thái Lan ở mức 35.000 người, có 2 tướng, chủ yếu là không quân sẵn sàng can thiệp vào chiến trường Việt Nam bất cứ lúc nào.

Tổng viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa trong năm tài khóa 1974 là hơn 657 triệu USD. Con số này gần gấp đôi tổng viện trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ Liên Xô trong cả 2 năm 1973 và 1974.

Trong năm 1974, chính quyền Tổng thống Ford vẫn đề nghị Quốc hội Mỹ cung cấp gói 6 tỷ 200 triệu USD để viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. 

Từ sau khi hiệp định được ký tới tháng 4/1974, Mỹ đã viện trợ cho Sài Gòn 27 triệu viên đạn cỡ 7,62x51mm, 112.000 tên lửa và rốc-két các loại (chủ yếu là không đối đất và chống tăng) và 80.000 quả bom các loại.

Tự quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc

Những thống kê nêu trên cho thấy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn “cùng thuyền” trong mưu đồ chống phá sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong thời gian 2 năm 1973 và 1975, cũng giống như giai đoạn 1954 - 1956, khi Hiệp định Genève có hiệu lực thì chính quyền Sài Gòn của Ngô Đình Diệm chẳng những không thi hành mà còn chống phá quyết liệt do Mỹ bảo trợ để họ có cớ nhảy vào miền Nam.

Năm 1973, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam vì muốn hòa bình, muốn chấm dứt chiến tranh đã cố gắng nhân nhượng, cố gắng tìm giải pháp thi hành hiệp định, không muốn có thêm những người Việt phải chết do chiến tranh nhưng bất thành. Vì vậy, con đường tiếp tục dùng vũ trang, dùng bạo lực giành lấy tự do độc lập cho mình là con đường bắt buộc phải chọn.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, một lần nữa thanh niên hai miền Nam Bắc tuổi 18 đôi mươi, trong đó có rất đông sinh viên miền Bắc rời mái trường ĐH vào quân đội để ba lô trên vai “xẻ dọc Trường Sơn” vào tiền tuyến cùng thanh niên miền Nam chiến đấu thực hiện Di chúc và phương châm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, để Bắc - Nam sum họp một nhà, giữ liền một dãy giang sơn hình chữ S mà các đời tiền nhân trao lại.

Thế rồi thời cơ lớn cho giải phóng miền Nam cũng đến. Mùa Xuân năm 1975, từ núi rừng Trường Sơn, từ miền Đông, từ ĐBSCL, từ Biển Đông bao la, các binh đoàn thiện chiến của ta kết hợp quân địa phương, du kích, biệt động thành phố,… với khí thế dũng mãnh cùng tiến về các thị xã tỉnh lỵ, cùng tiến về TP Sài Gòn, lấy sức mạnh thời đại Hùng Vương, ý chí Bà Trưng Bà Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, tinh thần Quang Trung quật khởi, kết hợp dùng sức ta giải phóng cho ta, đánh trận cuối cùng đuổi sạch ngoại bang xâm lược còn lại cùng bè lũ tay sai bù nhìn, làm nên đại thắng lần thứ hai sau đại thắng Điện Biên Phủ 1954 tại TP Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Do đó, có thể khẳng định: Hiệp định Paris 1973 là chiến thắng bước ngoặt, có tính mở đường, điều kiện cần để buộc Mỹ và đồng minh rút quân ra khỏi miền Nam nước ta, tạo tiền đề cho quân dân ta tiến hành kết thúc chiến tranh, kết thúc phân chia đất nước khi mà giải pháp chính trị qua con đường ngoại giao để có hòa bình thất bại.

Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao phối hợp nhịp nhàng với quân sự và các mặt trận khác vẫn còn nhiều giá trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

HOÀNG KHẢI