23 Tết - ngày đưa ông Táo về trời

Cập nhật, 05:27, Thứ Bảy, 14/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Phong tục tập quán đã hình thành và tồn tại từ bao đời nay, đó là những ứng xử văn hóa của cộng đồng trong xã hội.

Cứ đến 23 tháng Chạp mỗi gia đình chuẩn bị mâm cúng đưa ông Táo về trời. Tại sao không phải ông Thổ địa bay về tâu với trời mà là Táo quân? Nhắc nhớ truyền thuyết Táo quân.

Với mối chân tình của hai ông, một bà. Ba vị ấy được Ngọc hoàng giao trông coi giữ lửa, trông nom việc lành dữ, bảo vệ cuộc sống gia đình. Với những cái bếp đất đỏ than củi ngày ấy, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh “ba ông đầu rau”, “ba hòn kê” hay “chiếc kiềng ba chân” trên bếp.

Trong nhà, bếp luôn được xem là nơi ấm nhất. Bếp ấm, cơm ngon thể hiện hạnh phúc trong mỗi gia đình. Ông Táo cai quản bếp núc của gia đình, về trời để báo kết quả trước thiên đình. Tập tục dân gian được lưu truyền bao đời nay.

Trước khi đưa ông Táo về trời, mỗi gia đình đều dọn dẹp, lau bếp núc gọn sạch. Mua trái cây, bông hoa để cúng. Nên ngày này ở chợ rất nhộn nhịp, những cành bông vạn thọ, những con cá chép được bày bán.

So với các vùng, các miền thì người miền Tây không cầu kỳ trong lễ cúng đưa ông Táo chầu trời, quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn.

Mọi người hay chọn dĩa bánh, dĩa trái cây hay dĩa thịt heo quay, có nhà thêm một con hoặc ba con cá chép sống để cúng đưa ông Táo về trời tâu tình hình gia chủ. Sau khi cúng xong, cá chép được gia chủ cẩn thận thả xuống sông để cá xuôi về nguồn.

Tại sao đưa ông Táo về trời phải là cá chép? Cá chép hay còn gọi là cá chép tiên là loài động vật sống trên thiên đình. Cá chép sống trên trời do phạm phải lỗi nên bị thượng đế đày xuống trần gian tu hành nhằm chuộc lại lỗi.

Cá chép đã tu thành chính quả và hóa rồng bay lên trời để báo cáo công trạng, thành tích đã làm được. Hay truyền thuyết “cá vượt vũ môn”: cá chép đã vượt qua Vũ môn trong cuộc thi huyền thoại để hóa rồng.

Hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự sung túc và thành đạt. Có lẽ vì những tích này nên người đời dùng cá chép để chở ông Táo về trời.

Và cũng chính từ ngày đưa ông Táo về trời được bắt đầu gắn với chữ Tết - 23 Tết. Và cũng bắt đầu những ngày này, nhiều gian bếp đỏ lửa chuẩn bị những món mứt Tết. Không khí Tết tràn về gian bếp mỗi gia đình.

Ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, cũng bắt đầu được gọi là ngày Tết.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG