Tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nhà trưng bày "Vườn ông Sáu Dân" vừa được khánh thành. Trong một góc đặc biệt, mô hình sa bàn của họa sĩ Lê Xuân Giang đầy tỉ mẩn và tinh tế, đã kể câu chuyện lịch sử về một ký ức mãi mãi không thể xóa nhòa trong cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sa bàn về chiếc tàu Thuận Phong được đặt trong nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân”. |
(VLO) Tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” vừa được khánh thành. Trong một góc đặc biệt, mô hình sa bàn của họa sĩ Lê Xuân Giang đầy tỉ mẩn và tinh tế, đã kể câu chuyện lịch sử về một ký ức mãi mãi không thể xóa nhòa trong cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đầu năm 1966, khi người con trai út - Phan Chí Tâm vừa được sinh ra ít lâu, vợ Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bà Trần Kim Anh quyết định ra chiến khu thăm chồng.
Vì muốn cho ông biết mặt con, nên bà đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng vừa tròn 8 tuổi. Nhưng trên chiếc tàu Thuận Phong, tới đoạn bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chiếc tàu bị địch ném bom.
Người vợ thương yêu cùng hai con nhỏ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Sài Gòn cùng chiếc tàu Thuận Phong. Người mẹ cơ sở mà ông coi như mẹ đẻ, người đã về thành phố để đón vợ con ông lên căn cứ, cũng cùng nằm lại nơi đây.
Họa sĩ Lê Xuân Giang đã mày mò tìm tư liệu chính xác qua những lời kể, những trang hồi ký, những tư liệu thu thập gần với giai đoạn lịch sử đó. Họa sĩ Lê Xuân Giang chia sẻ: “Tôi mất gần 3 tháng để tìm hiểu cho rõ sự kiện lịch sử. Và mất 6 tháng thì sa bàn về chuyến tàu Thuận Phong mới ra đời.
Đây là một trong những sa bàn to nhất từng làm, thể hiện góc nhìn, tất cả những kỹ năng mà tôi tích góp trong nhiều năm qua.
Trong quá trình tìm hiểu, cảm nhận nỗi đau sâu sắc của người cha, người chồng khi mất đi những người thân yêu. Qua tác phẩm, tôi muốn góp một chút tình cảm của người con Vĩnh Long dành tặng bác Sáu Dân”.
Nghệ thuật sáng tạo sa bàn đòi hỏi độ chính xác cao để đặc tả một không gian đa chiều với tỷ lệ thu nhỏ rất nhiều lần.
Để hoàn thành mô hình, người sáng tạo phải kỳ công trải qua rất nhiều bước: tìm ý tưởng, xây dựng kết cấu, ước đoán tỷ lệ chi tiết, phác thảo, thực hiện từng mô hình, làm địa hình cho tiểu cảnh, đắp đất sét, thạch cao, sơn phết tạo hiệu ứng,…
Họa sĩ Lê Xuân Giang đã lưu giữ hồn quê bằng trọn tâm hồn của tuổi trẻ. Hơn 10 năm chế tạo những sa bàn, đề tài mà anh hướng tới phân ra hai mảng riêng là đề tài quân sự và cuộc sống. “Vốn sinh ra ở miền Tây, có sự gắn bó, nên khi làm mô hình sẽ có hiểu biết và gửi gắm tình cảm của mình vào đó.
Mô hình thì ai cũng làm được, có những nghệ nhân làm rất giỏi, nhưng đối với tôi quan trọng là ý tưởng gốc cũng như tình cảm, mang tính cá nhân của mình để mô hình không là những dị bản vô hồn”- anh chia sẻ.
Tổng thể tác phẩm chiếc tàu Thuận Phong tính theo tỷ lệ 1/35 so với thật. Chiếc tàu tái hiện những năm 60 - 70 thế kỷ trước, từ thiết kế, vật dụng, con người, đến cây cỏ ven dòng sông miền Đông Nam Bộ...
Hình ảnh sinh động, chân thật ở biểu cảm con người, đẹp đến từng bọt sóng nước. Họa sĩ Lê Xuân Giang chăm chút từng rặng dừa ven bờ, từng nhành hoa lục bình tím trên sông.
Cùng với nhiều hình ảnh và tư liệu trong nhà trưng bày, mô hình sa bàn đánh thức giác quan của người xem, tạo nên sự kết nối và không gian đối thoại về lịch sử, cảm xúc, truyền thống cách mạng trong lòng người xem.
Bạn Hồ Nguyễn Quốc Thịnh (TP Vĩnh Long) về Vũng Liêm thăm khu lưu niệm và xúc động: “Câu chuyện vợ con của bác Sáu Dân em đã từng đọc trong sách nhưng đến khi thấy sa bàn cảm xúc càng đầy hơn, thấm hơn. Một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao.
Giúp em hiểu thêm về cuộc đời của một nhân vật lịch sử cụ thể, vừa giúp có được sự nhìn nhận về một thời đau thương của dân tộc”.
Trong “Vườn ông Sáu Dân”, có một điều đặc biệt nữa là gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mang những tấm ván còn lại của chiếc tàu Thuận Phong được vớt lên dưới sông Sài Gòn đặt ngay cạnh sa bàn của họa sĩ Lê Xuân Giang.
Chỉ ở một góc nhỏ nhưng thế hệ hôm nay được “chạm” vào một khoảnh khắc lịch sử đầy bi hùng. Lặng người ngắm nhìn và thêm một lần trân trọng, cảm phục những câu chuyện về bác Sáu Dân…
Họa sĩ Lê Xuân Giang sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long. Anh tốt nghiệp thủ khoa Khoa Sơn dầu Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, cùng với công việc giảng dạy, anh sáng tạo mô hình sa bàn từ năm 2009. Tác phẩm “Chợ nổi Việt Nam” mang về cho anh huy chương bạc tại cuộc thi mô hình ở Đài Loan (Trung Quốc). Sa bàn “Đại bàng hạ cánh”, “Nhà trên sông” giúp anh có thêm 2 huy chương vàng tại triển lãm mô hình ở Malaysia. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin