Truyện ngắn

Ước mơ nhỏ bé

Cập nhật, 16:08, Chủ Nhật, 20/11/2022 (GMT+7)
Ước mơ nhỏ bé
Ước mơ nhỏ bé

(VLO) Hôm nay là thứ hai, Dua gắng đi thật nhanh để đến lớp sao cho sớm nhất. Đầu tuần nào cũng vậy, em luôn muốn mình sẽ là người xuất hiện đầu tiên ở trường. Dua sẽ cùng với các thầy dọn dẹp lớp học cho sạch sẽ, gọn gàng, vì là lớp trưởng nên em coi đó là trách nhiệm của chính mình.

Nhưng hôm nay lạ thật, em vẫn đến trường sớm như mọi ngày, vậy mà từ sân trường đến lớp học đều đã sạch sẽ, mọi thứ đã sẵn sàng cho một tuần học mới.

Dua bước vào lớp, thầy Giang đang đứng trên bục giảng, thấy em thầy mỉm cười nói: “Dua đã đến rồi à, vào lớp đi em”.

Dua ngạc nhiên ngồi xuống ghế, lòng em băn khoăn bao lo lắng: “Sao thầy giáo hôm nay lạ thế, có khi nào thầy lại sắp rời xa nơi này như những giáo viên mà em từng được học không?”.

Dua sợ điều đó và chắc chắn các bạn của em cũng vậy, nghĩ đến đây em nhìn thầy Giang một cách dè chừng mặc cho thầy đang nở nụ cười thật tươi.

Khi cả lớp đã đến đông đủ, giọng thầy Giang đầy xúc động: “Hôm nay thầy sẽ báo cho lớp mình một tin vui, các em thử đoán xem đó là điều gì nào?”. Lớp học bỗng xôn xao: “Trưa nay thầy sẽ nấu món mới cho bọn em ăn phải không ạ?”. Những câu phỏng đoán đầy ngây thơ vang lên.

Thầy Giang lắc đầu: “Không, điều mà thầy sắp nói còn vui hơn thế nhiều!”. Tay thầy cầm một bọc gì đó khá vuông vức. “Các em có biết đây là gì không?”. Vừa nói thầy vừa giơ cái bọc đó lên. Cả lớp lắc đầu vẻ tò mò.

“Đây là bức tranh đạt giải nhất trong cuộc thi vẽ về ước mơ của em do tỉnh đoàn tổ chức. Giờ thầy sẽ mở ra cho các em xem nhé, sau đó bức tranh sẽ được gửi về thành phố để tham gia triển lãm và vài ngày tới sẽ có đoàn ở tỉnh về hỗ trợ thêm vật chất, trang thiết bị cho trường ta”.

Thầy giáo bóc lớp giấy bọc bên ngoài ra và giơ bức tranh đã được đóng khung cẩn thận lên cho cả lớp xem. “Là tranh của Dua mà”, cả lớp cùng đồng thanh. Dua không tin vào mắt mình. Em ngắm nhìn bức tranh, đôi mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.

Dua 10 tuổi, em có dáng vẻ thấp còi, nhà em ở khá xa điểm trường. Hàng ngày để đến trường, em phải dậy từ mờ sáng, đi qua một ngọn đèo, lội qua một con suối.

Khi trời mưa lũ đường trơn trượt, nước lũ dâng cao rất nguy hiểm nên em phải nghỉ học. Dua thấy đi học vui lắm, có thầy cô, bạn bè, và được biết thêm nhiều điều mới mẻ vì thế dù bao khó khăn em cũng cố gắng vượt qua.

Trong các môn học Dua thích nhất môn mỹ thuật, em vẽ mọi lúc, mọi nơi. Ở nhà, em lấy than củi vẽ chằng chịt lên nền nhà. Ở trường, em được thầy Giang hướng dẫn rất tỉ mỉ, thầy nói thầy cũng thích vẽ. Ngoài dạy các môn thầy còn chuẩn bị thêm nhiều phấn màu để hướng dẫn học sinh vẽ.

Thầy nói học vẽ sẽ giúp cho chúng ta tăng cường khả năng quan sát, rèn luyện tính kiên nhẫn đồng thời giúp chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn. Các em nhỏ được thầy dạy cách tự tạo màu bằng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như màu đỏ của đá, màu nâu của đất, màu xanh của lá rừng.

Trường học của Dua nhỏ bé giữa đèo cao, từ lớp học nhìn xuống thấy thung lũng xa xăm, thấy cả những thửa ruộng bậc thang uốn lượn và thấy con suối chảy róc rách ngày đêm, cả trường chỉ có hai lớp học với hai thầy giáo.

Dạo trước, trường cũng có cô giáo dưới xuôi lên, nhưng vì sức khỏe mà cô được điều chuyển đi nơi khác tốt hơn. Từ đó trở đi chẳng có cô giáo nào đến dạy các em nữa.

Thầy Giang đã dạy lớp Dua được hơn hai năm, nghe nói nhà thầy ở thành phố. Thầy còn rất trẻ, tính thầy vui vẻ và hòa đồng.

Em còn nhớ rất rõ trường học đón thầy Giang bằng một cơn mưa, do chưa quen với địa hình nơi đây mà thầy đã bị ngã, quần áo lấm lem, nhưng khi bước vào lớp, thầy vẫn cười tươi rói: “Xin chào các em, thầy tên Giang, hôm nay quần áo của thầy không được đẹp lắm, nên các em không tập trung nhìn thầy mà gắng nhìn lên bảng xem thầy viết gì và lắng nghe thầy nói nhé!”.

Trước đây, buổi trưa các bạn học sinh thường trở về nhà, mà nhà thì cách xa trường, muốn đến trường phải trèo đèo, lội suối. Hễ học sinh về buổi trưa là buổi chiều sẽ nghỉ học gần hết.

Vì thế mà các thầy quyết định nấu cơm trưa cho học sinh tại trường. Cơm ở trường rất đạm bạc, khi thì là mì tôm, khi là mì trắng,... nấu cùng các loại rau hái được ở ven rừng.

Thầy Giang thường nói với học sinh: “Trường học của chúng ta hiện là trường học bốn không: không đường bê tông, không điện, không nước sạch, không công trình phụ. Nên thầy và trò chúng mình phải cố gắng để thực hiện bốn vui: vui đến trường, vui học bài, vui góp sức, vui vượt khó”.

Nhờ lời động viên của thầy mà những ngày đến trường của Dua và các bạn thêm hào hứng, nhiều ý nghĩa hơn. Ngoài giờ học, các em học sinh lại phụ giúp các thầy nấu ăn. Nước được lấy từ khe suối, củi đốn từ rừng về,... thiếu cái gì cả thầy và trò cùng cố gắng khắc phục.

Thấm thoắt đã hơn hai năm thầy giáo về với bản. Giờ đây, có lẽ lớp học của Dua không chỉ là lớp học thông thường mà đó còn như là ngôi nhà thứ hai của em. Em nhớ có lần tình cờ trông thấy thầy giáo khóc, tuy không phải lần đầu tiên em nhìn thấy đàn ông con trai khóc.

Vì ở nhà mỗi khi say rượu bố em thường khóc lóc rồi lảm nhảm chửi bới mẹ con em, Dua thấy phát chán cảnh đó. Thế nhưng khi thầy Giang khóc em thấy lạ lắm, vẻ mặt thầy chất chứa u buồn. Em đứng nép vào tường, lắng nghe hai thầy giáo trò chuyện.

Thầy Trung vỗ vai thầy Giang động viên: “Thôi, đừng buồn quá chú mày ơi, cuộc sống nó vốn như vậy mà. Rồi chú mày sẽ gặp được mảnh ghép còn thiếu của chú mày thôi, vợ chồng nó là duyên phận, như anh đây hơn 30 tuổi mới gặp đúng người...”.

Thầy Giang khẽ tháo cặp kính cận, lấy tay lau vội những giọt nước trên khóe mắt mà rằng: “Em cũng không trách cô ấy đâu anh, em đâu có thể mang cô ấy lên đây để chịu khổ, vả lại em cũng chẳng thể nào bắt cô ấy phải chờ đợi mãi được.

Em hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với cô ấy”. Tuy chẳng rõ đầu đuôi sự việc thế nào, nhưng tâm hồn non nớt của Dua cũng chợt hiểu có lẽ do thầy Giang lên vùng cao dạy học vừa vất vả, vừa thiếu thốn và xa người yêu, nên người thầy thương đã bỏ thầy mà đi lấy chồng mất rồi.

Lại có lúc trong giờ nghỉ trưa, Dua chứng kiến các thầy gọi điện về cho gia đình, giọng rất vui vẻ, các thầy khoe cuộc sống ở đây khá tốt, tuy trường đơn sơ nhưng mọi thứ đều đầy đủ, dạy học vui lắm, các em học sinh rất ngoan. Dua biết là các thầy đang nói dối mà.

Các thầy ở đây khó khăn trăm bề, khó từ đường đi lối lại, cho đến nơi ăn chốn ở, thời tiết thì khắc nghiệt, mùa hè mưa lũ, mùa đông rét mướt.

Có những khi các thầy phải lên bản đến từng nhà vận động đồng bào cho con em đi học mà còn bị hắt hủi. Dua nhớ, thầy dạy là không được nói dối, nói dối là tính xấu. Nhưng khi thấy các thầy nói dối, em lại thấy thương các thầy vô cùng.

Điều đó đã thôi thúc Dua hành động. Em có thể làm gì để giúp các thầy đây? Dua luôn dậy thật sớm, trên đường đến trường em sẽ tranh thủ hái một ít rau rừng phụ các thầy bữa trưa.

Đến trường sớm em sẽ vệ sinh cho lớp học gọn gàng, sạch sẽ hơn. Buổi trưa, em cùng các bạn phụ giúp các thầy nấu cơm, chiều tan học em lại gắng kiếm thêm ít củi khô để ngày mai đun nấu. Dua thấy vui lắm vì em đã làm được những việc ý nghĩa.

Hôm đó, thầy Giang phổ biến cho lớp về thể lệ cuộc thi “Vẽ ước mơ của em” do tỉnh đoàn tổ chức. Thầy hỏi cả lớp: “Lớp mình có ai tham dự không?”. Cả lớp im lặng. Dua rụt rè: “Thưa thầy, em muốn được tham gia thi ạ”.

Thầy Giang vui lắm, thầy tặng cho Dua một tập giấy vẽ, một bộ màu nước nhỏ và những chiếc cọ vẽ. Dua đã nghĩ rất nhiều, vẽ cũng khá nhiều về ước mơ của mình. Có bức em vẽ ước mơ của mình là họa sĩ để vẽ nên thật nhiều bức tranh đẹp, có bức em lại vẽ ước mơ được làm thầy giáo gieo chữ cho những bạn nhỏ nơi đây,...

Nhưng chợt em nhớ ra trên hành trình đến trường của mình, của các bạn, nghĩ về những điều thầy giáo nói mỗi khi lên lớp, trong đầu em bỗng lóe lên một suy nghĩ. Phải rồi, em sẽ vẽ với một niềm tin rằng “tương lai chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn”.

Trong tranh Dua vẽ một ngôi trường trên rẻo cao được bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Những con đường đổ nhựa chạy quanh bản. Thầy giáo của các em đang đi xe đến trường, còn các em học sinh đi học rất đông vui.

“Em có một ước mơ nhỏ bé, ước mơ về một trường học khang trang hơn, trường bốn không sẽ thành bốn có: có đường bê tông, có điện, có nước sạch, có nhà vệ sinh.

Khi thầy của chúng em đến trường, xe không bị bám dính, chết máy nữa, chúng em đi học sẽ đông vui hơn. Sự nghiệp gieo cái chữ của thầy chúng em đỡ vất vả hơn. Và để giấc mơ được đi học của trẻ nhỏ vùng cao thành hiện thực”.

Thầy Giang đọc xong đôi mắt đỏ hoe xúc động. Lòng thầy tĩnh lại đôi chút, thầy nhớ về những ngày đầu tiên đến nơi đây, khi đi qua những con đường uốn lượn ngoằn ngoèo một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Khi ấy, thầy đã vô cùng sợ hãi, thậm chí thầy đã từng có ý định bỏ cuộc.

Thế nhưng khi nhìn ánh mắt ngây thơ của những em học sinh nơi đây, thầy đã dặn lòng phải luôn cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa. Thầy đã làm được, đã vượt qua được những giới hạn của bản thân.

Điều gì đã giúp thầy vượt qua những khó khăn đó, có lẽ chính tình yêu thương đã làm thầy mạnh mẽ hơn, thầy thấy mình gắn bó và thấy mình cần có trách nhiệm hơn với nơi này.

“Chúng em cũng có ước mơ giống bạn Dua thầy ạ, chúng em quý mến thầy!”. Tiếng nói đồng thanh của những em học sinh ngây thơ, làm thầy Giang thấy xúc động vô cùng.

Thầy nhìn các em nhỏ thân thương, nở một nụ cười tươi vui rồi nói: “Thầy cảm ơn các em, bức tranh của bạn Dua đẹp và ý nghĩa lắm, chúng ta hãy cùng vỗ tay thật lớn để chúc mừng bạn Dua nào!”. Những tràng pháo tay giòn giã và cả những tiếng cười trong trẻo từ lớp học, vang vọng vào không gian bao la…

TRẦN TÚ (Phú Thọ)