Nhớ mãi những kỷ niệm về chú Sáu Dân!

Cập nhật, 05:52, Thứ Bảy, 19/11/2022 (GMT+7)
Đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ (thứ 2 từ phải sang) đang làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Tam Bình.Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ (thứ 2 từ phải sang) đang làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Tam Bình.Ảnh tư liệu

(VLO) Hôm nay, trong không khí náo nức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (xin gọi là chú Sáu Dân), lòng tôi rất bồi hồi nhớ chú.

Lúc đầu được tiếp xúc với chú Sáu - khi đó tôi chỉ là cán bộ phục vụ, nhưng rất may mắn được gần gũi với chú từ những buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh, những lần chú đi khảo sát cơ sở cũng như những buổi chú làm việc với các huyện, xã; đặc biệt là những khi chú gặp gỡ và đối thoại với hộ dân và chủ doanh nghiệp. Được đi theo học hỏi ở chú, thật sự tầm nhìn của tôi “lớn lên” từ đó.

Có lần về nghỉ ở phòng khách Văn phòng UBND tỉnh, chú gọi tôi xuống cùng xem đá banh. Dịp này, tôi có kể cho chú nghe về một số đồng chí thuộc gia đình truyền thống cách mạng nhưng vướng “Quy định 75”.

Dù các đồng chí ấy thoát ly gia đình đi kháng chiến từ khi chưa 18 tuổi nhưng nay không thể đề bạt cất nhắc cao hơn được. Đây là vấn đề chú Sáu Dân rất quan tâm!

Chú nói: “Cơ bản là do lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm với Trung ương trong bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc cán bộ, trên cơ sở đánh giá đối với từng trường hợp cụ thể, chứ ở miền Nam làm sao tránh khỏi dính bên này bên kia”. Sau đó, chú cũng có làm việc với lãnh đạo tỉnh và Trung ương về vấn đề này.

Rồi những lần chú cháu dùng bữa, uống trà, có lẽ những lúc vắng vẻ, thư thả như vậy mới có dịp tâm sự. Chú Sáu muốn thời gian còn lại cuối đời sống bên sông Sài Gòn và đến khi qua đời thì tro cốt của chú gieo xuống sông Sài Gòn - dòng sông nơi có vợ và con chú đã qua đời, thật xúc động và sâu lắng!

Chú cũng có ý định sau khi qua đời, tỉnh chỉ cần đặt tượng chú ở trong khu lưu niệm của bác Phạm Hùng là được, không cần xây dựng khu lưu niệm riêng!

Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiện nay là được hình thành từ nhà khách của Huyện ủy Vũng Liêm. Nơi mà khi nghỉ hưu, chú về quê thường nghỉ ngơi và ở làm việc.

Nhà khách được xây dựng lại, thêm một số phòng nghỉ khang trang, phía trước có hồ nước, cây xanh bóng mát.

Rồi phục dựng lại di tích hồ Vũng Linh. Ở công viên Vũng Liêm hiện có ngôi nhà ba gian, trưng bày công cụ nông nghiệp - đây là bước đầu cho việc thực hiện ý đồ đầu tư Bảo tàng Nông nghiệp cho ĐBSCL tại Vũng Liêm. Nơi sinh ra và tuổi thơ của chú Sáu tại Bình Phụng - chú cũng phục dựng lại bờ ao, bến nước để gợi nhớ gợi thương.

Gần đó là ngôi trường tiểu học được cô Phan Lương Cầm (Phu nhân của chú), hỗ trợ xây dựng khang trang cho các cháu có nơi thuận lợi học tập.

Khu mộ gia đình cũng được chú cho quy tập, nâng nền cao ráo sạch sẽ. Có lần cùng chú đến khu mộ ấy, thấy đơn sơ quá, tôi buột miệng hỏi: “Sao chú không cho xây nhà mồ luôn vậy chú?”.

Chú nói rằng: “Ở quê, người ta sao mình vậy”. Rồi ngôi đình Bình Phụng, nơi gắn liền tuổi thơ đá banh, nhảy cò cò, coi hát đình, chú cũng góp phần đầu tư xây dựng lại. Có dịp cùng chú về thăm nơi đây, tôi thấy chú rất vui!

Chú có nhiều góp ý trong việc phát triển tỉnh nhà mà tôi còn nhớ như in. Như việc dời KCN Mỹ Thuận về KCN Hòa Phú hiện nay. Rồi khi thấy nông dân đốt đồng (đốt rơm), chú tiếc vô cùng, chú nói sao không nghĩ ra cách tận dụng rơm để làm ra sản phẩm tăng thêm thu nhập cho nông dân?

Thế là phong trào dùng rơm để ủ nấm ra đời, nấm vừa tiêu thụ nội địa vừa cung ứng cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Chú cũng muốn khuyến khích nông dân trồng dừa, vì cây dừa là cây lâu năm, có giá trị sử dụng từ gốc đến ngọn…

Cả cuộc đời chú Sáu Dân là cống hiến cho Đảng và Nhân dân. Tôi nhớ mãi tất cả những điều chú dạy, chú đã làm cho quê hương Vĩnh Long và cả những điều chú chỉ bảo cho riêng tôi như một người chú thân tình - một con người thật tài giỏi mà bình dị, gần gũi, một vị Thủ tướng kiệt xuất mà nặng tình sâu đậm với gia đình… Thật trân trọng tri ân!

NGUYỄN VĂN LƯỢNG- Nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh