Đổi vai một ngày

05:10, 22/10/2022

Tôi vội vàng tấp xe vô tiệm văn phòng phẩm mà con trai tôi chỉ. Thằng nhỏ năm nay học lớp bốn nhưng rất thông minh, lanh lợi. Những ngày lễ lộc gì gì… đều là thằng bé nhắc nhở tôi phải mua hoa, mua quà tặng cho mẹ nó. Tôi cũng không phải là người vô tâm, tôi chỉ nghĩ đã về sống chung nhà cũng không cần thiết phải tặng hoa quà cho rườm rà. Nhưng thằng nhỏ nhà tôi thì không chịu.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

- Ba ơi! Chút nữa ba ghé vô tiệm văn phòng phẩm gần trường con nha.

- Con muốn mua dụng cụ học tập gì hả?

- Mua hoa ạ.

Lúc này tôi mới nhận ra dọc đường hôm nay có rất nhiều chỗ bán hoa hồng. Nhưng rõ ràng tôi nhớ hôm nay không phải ngày 8 tháng 3. Chỉ là một ngày của tháng 10 nhưng là ngày mấy thì tôi cũng không nhớ.

- Ba ơi! Tấp vô, tấp vô, tới kìa ba.

Tôi vội vàng tấp xe vô tiệm văn phòng phẩm mà con trai tôi chỉ. Thằng nhỏ năm nay học lớp bốn nhưng rất thông minh, lanh lợi. Những ngày lễ lộc gì gì… đều là thằng bé nhắc nhở tôi phải mua hoa, mua quà tặng cho mẹ nó. Tôi cũng không phải là người vô tâm, tôi chỉ nghĩ đã về sống chung nhà cũng không cần thiết phải tặng hoa quà cho rườm rà. Nhưng thằng nhỏ nhà tôi thì không chịu.

- Ba ơi! Cho con năm chục ngàn.

Tôi giật mình nhìn hai bó hoa to trong tay con tôi. Chờ đến lúc đưa thằng bé đến trước cổng trường tôi mới hỏi:

- Tại sao hôm nay lại mua hoa? Sao còn mua hoa giả? Sinh nhật cô giáo con hả?

- Ba ôm bó này về tặng mẹ nè. Hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam. Con mua hoa giả để được lâu. Hoa thật mau tàn, uổng tiền? Ba nhớ về tặng mẹ đó.

Trên đường trở về nhà nhìn bó hoa giả treo trên xe tôi dở khóc dở cười. Muốn lấy lòng mẹ nhưng nó cũng không quên tiết kiệm. Thế nhưng tôi nghĩ thầm, tại sao phụ nữ lại có lắm ngày thế? Đàn ông chúng tôi cũng không có ngày nào được chú ý…

Vừa về đến nhà, tôi đã nhìn thấy vợ tôi đang phơi thau đồ trước sân. Tôi dừng xe rồi đem bó hoa “xinh đẹp” đến trước mặt vợ:

- Tặng bà nè.

- Gì đây? Hôm nay trời bão hả?

- Rồi có nhận không?

- Thái độ của ông là sao? Có phải lại là thằng Nam bắt ông mua về tặng tui đúng không?

- Cứ vài tháng lại đến ngày lễ của phụ nữ, lại phải tặng hoa, tặng quà. Trong khi đàn ông cực khổ kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn, sao lại không có ngày nào của mình? Mấy bà chỉ việc chăm sóc con mà cứ được tặng… hoài là sao?

- Vậy ông có giỏi làm phụ nữ một ngày đi. Nếu hết hôm nay đến sáng mai, ông vẫn còn mạnh miệng thì tui sẽ nói với thằng Nam từ đây về sau, bất cứ ngày lễ gì cũng không cần phải nhắc ông hay ép buộc ông tặng quà cho tui nữa.

- Vậy bà phải ra vườn tưới cây, làm cỏ, rồi cắt cỏ cho bò ăn. Tất cả những việc tui làm bà phải làm.

- Được.

- Bà đi đâu vậy? Sao không phơi đồ nữa?- tôi ngạc nhiên khi vừa nói xong bà ấy ném cái móc xuống quay lưng đi vào nhà.

- Chẳng phải đổi vai hả? Phơi xong hai thau đồ này rồi đi chợ về nấu cơm nhé. Đúng rồi! Bé Ngọc còn ngủ trong phòng, lát nó dậy ông nhớ rửa mặt thay đồ khác cho nó, sau đó pha bình sữa cho con uống nữa.

Tôi ngơ ngác vừa phải đi chợ nấu cơm, vừa phải rửa mặt, thay đồ, pha sữa. Làm sao làm được… Hơn nữa, phơi xong mớ đồ này cũng mất bao nhiêu thời gian rồi. Tôi không đồng ý, nên lập tức phản đối.

- Con Ngọc nó quen bà làm cho nó, tôi vào sợ nó khóc không chịu đâu.

- Đó là việc của ông, tôi ra vườn làm cỏ đây. Khi nào cơm chín nhớ gọi tôi vào.

Tôi không biết tôi đổi vai với vợ mình là đúng hay sai, nhưng dù sao cũng đã đổi thì tôi cũng muốn thử xem vợ tôi bận rộn đến mức nào. Tôi còn đang chưa phơi xong số quần áo thì đã nghe tiếng khóc của bé Ngọc. Tôi đành phải chạy vào ẵm nó ra khỏi giường: “Nín nín, ba cưng con nghe.”

Tôi cố gắng dỗ, vừa dỗ vừa ẵm con đi rửa mặt rồi thay quần áo khác cho nó. Tôi đặt nó ngồi xuống xe tập đi để pha sữa, nhưng vừa đặt xuống nó lại khóc lớn. Cuối cùng, tôi phải vừa ẵm con vừa pha sữa. Tôi xách chiếc xe đẩy ra ngoài sân, đặt con ngồi vào để bé tự uống sữa còn tôi tiếp tục phơi đồ. Nhưng:

- Làm sao ba đi chợ đây? Bình thường mẹ con làm thế nào để đi chợ thế? - Tôi nhìn con Ngọc mà hỏi, dĩ nhiên tôi biết con không thể nào trả lời tôi. Vì bé mới hơn hai tuổi.

Tôi suy nghĩ rồi ẵm con sang nhà ông bà nội để gửi. Tôi vừa vào, ba tôi đã ngạc nhiên:

- Hôm nay con Nga đâu mà mày lại ẵm con sang đây. Mày hôm nay không phải đi làm cỏ sớm nữa hả?

- Má đâu rồi ba? Con gửi con Ngọc một chút để đi chợ mua đồ ăn về nấu cơm. - Tôi cố gắng không nhắc đến vợ tôi, vì tôi chẳng thể nào nói với ba tôi về chuyện hai vợ chồng tôi đổi vai cho nhau.

- Má bay đi chợ rồi. Con Nga bệnh hay sao mà mày đi chợ. Thôi đưa bé Ngọc đây ba giữ. Nhưng chút nữa đi chợ về nhớ qua đón con. Tao với má bay còn đi vườn.

***

Lúc đi chợ về rồi đón con Ngọc, về nhà tôi lại đặt con vào xe tập đi, rồi đi nấu cơm. Nhưng một chút sau bé Ngọc nó lại khóc nức nở, tôi cũng không thể để con khóc mãi nên phải ẵm lên. Lúc này tôi mới nghĩ lại, có phải vợ tôi mỗi ngày đều phải trải qua cảnh này.

- Cơm canh xong chưa mình?

- Xong rồi đó. Con Ngọc nó khóc hoài, làm tôi mệt gần chết. Bà còn ngồi đó, cơm canh nấu xong còn không dọn ra ăn đi.

- Bình thường ông từ ngoài vườn vào thế nào? Có phải cơm canh dọn sẵn không?

- Bà không thấy con Ngọc đang khóc hả? - Tôi tức giận hét lớn.

Bình thường con bé ở với mẹ đã quen, hôm nay ở với tôi nó cứ khóc đòi mẹ. Làm tôi cũng bực bội.

- Bà ăn xong rồi thì ẵm con Ngọc cho tui ăn cơm đi chứ. Tui ẵm nó rồi làm sao ăn.

- Bình thường tôi cũng vừa ẵm con vừa ăn cơm đó thôi.

Nga nói xong câu đó rồi bỏ đi luôn lên nhà trên bật ti vi nằm võng, mặc kệ hai cha con tôi.

Tôi cực khổ ăn được bữa cơm thì cũng đến giờ ngủ trưa của Ngọc. Dĩ nhiên Nga vẫn không ngó ngàng gì tới tôi, tôi cũng không muốn đầu hàng trước. Tôi tắm cho bé Ngọc rồi dỗ nó ngủ.

- Nhà dơ quá, ông chưa lau nhà hả?

- Tui rảnh sao. Con Ngọc nó khóc hoài tui có làm gì được đâu.

- Bây giờ nó ngủ thì lo lau nhà đi, nhà dơ quá lỡ có khách đến chơi thì cười cho.

- Tui mệt quá, cũng buồn ngủ nữa. Bà lau nhà đi, bình thường cũng là bà làm mà.

- Hôm nay khác - Nga cười, nhìn tôi.

Vậy là tôi dỗ bé Ngọc ngủ say, sau đó phải đi lau nhà rồi lại rửa chén. Đến khi tất cả mọi chuyện trong nhà đã được tôi làm hết, định thư thả nằm xuống giường chợp mắt một chút. Nào ngờ vừa nhắm mắt mơ màng lại nghe tiếng khóc nức nở của con Ngọc vang lên. Tôi chỉ biết thở dài.

Những ngày trước, tôi đi ra vườn tưới cây, xịt thuốc rồi làm cỏ mệt mỏi nhưng khi vào nhà có thể nằm ngủ nghỉ mà không cần quan tâm đến chuyện gì khác. Bởi vì đã có vợ tôi lo hết.

Tôi ẵm bé Ngọc đi ra sân, đúng lúc gặp được anh Tuấn hàng xóm vừa đi dạy học về. Trên tay anh ấy còn có một giỏ hoa rất đẹp. Anh Tuấn hỏi:

- Hôm nay anh Phúc không đi vườn hả? Chị Nga khỏe không? Sao anh lại ẵm bé Ngọc vào giờ này?

Tôi với anh Tuấn là hàng xóm, cũng thường xuyên trò chuyện thân tình, cho nên tôi lập tức kể hết chuyện đánh cược giữa tôi và vợ cho anh Tuấn nghe.

- Anh nói có đúng không? Cánh đàn ông chúng ta làm cực khổ kiếm tiền nuôi vợ con mà không có lấy một ngày dành cho mình. Còn mấy bả cứ vài tháng lại có ngày lễ này nọ, rồi bắt chúng ta tặng hoa, tặng quà…

Nghe tôi than thở, anh Tuấn liền nói:

- Cô ấy vì tôi đã cực khổ hàng ngày rồi. Hôm trước má vợ tôi bệnh, nên vợ tôi phải lên bệnh viện chăm sóc, tôi xin nghỉ ở nhà trông hai đứa nhỏ và làm việc nhà. Anh biết không, tôi suýt thì phát điên luôn đó. Thật sự những người phụ nữ quá giỏi. Buổi tối đang ngủ ngon, hai đứa nhỏ khóc quấy lại phải ngồi dậy dỗ. Tôi thật sự ám ảnh. Cho nên những ngày này cũng nên tặng chút hoa cho cô ấy vui. Để cô ấy biết tôi thật sự rất thương cô ấy.

Nghe anh Tuấn nói, tôi thấu hiểu ra nhiều chuyện, và suy nghĩ về tất cả những gì tôi đã trải qua trong vai của Nga đến bây giờ. Còn chưa kịp hết ngày, tôi đã mệt mỏi vì phải vừa chăm sóc con, vừa làm rất nhiều việc khác.

- Ông làm gì đứng đây vậy? Bé Ngọc nó đang khóc kêu đói ông không nghe thấy hả? - Nga hờn tôi rồi đưa tay ẵm con, có lẽ Nga không yên tâm giao con cho tôi nên nàng chấp nhận thua cuộc trước.

- Sao bà lại vào nhà? Đã tưới cây chưa? Có cắt cỏ cho bò ăn chưa? Hay là mệt quá muốn bỏ cuộc rồi - Tôi cố ý trêu chọc Nga.

- Đúng, tui bỏ cuộc. Từ nay về sau ông không cần tặng hoa hay quà gì cho tui đâu. Ông cực khổ hơn tui nhiều - Nga bỏ lại một câu rồi ẵm con vào nhà.

Tôi mỉm cười nhìn theo bóng lưng hai mẹ con, rồi tiếp tục ra vườn làm việc, bắt đầu tiếp nhận lại vai của mình. Buổi chiều, tôi đi rước thằng Nam, trên đường về tôi dừng lại mua hai giỏ hoa hồng thật to.

- Ba mua hoa làm gì vậy? Còn đến hai giỏ, mẹ không thích hoa giả con mua hả? - Nhóc Nam hỏi tôi.

Thế nhưng tôi không trả lời chỉ cười cười với nó. Lúc về gần đến nhà ba má tôi, tôi kêu thằng Nam đem một giỏ hoa vào tặng cho bà nội. Thằng nhỏ có vẻ “sốc” nhưng rồi cười rất tươi, nó còn đưa ngón tay cái với tôi nữa.

Về đến nhà, tôi xách giỏ hoa đi thẳng vào, nhóc Nam đi sau lưng tôi cười khúc khích. Tôi thấy Nga đang tắm cho bé Ngọc, tôi bước đến đưa giỏ hoa cho Nga.

- Tặng em! Chúc em ngày Phụ nữ Việt Nam vui vẻ và hạnh phúc.

- Mẹ, cái này ba tự giác mua, con không có nhắc, có ép đâu - Thằng Nam thì thầm rồi lại hét lớn: “Hoan hô ba, chúc mừng mẹ”.

Nga nhìn tôi mỉm cười, tôi đột nhiên cảm thấy xấu hổ, giả bộ ho khan rồi đi lên nhà. Tôi nghĩ tất cả những người phụ nữ đều xứng đáng được thương yêu và trân trọng mỗi ngày chứ không phải chỉ một ngày hôm nay.

TUYẾT LUÔN VÕ 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh