Chủ tịch nước Lê Đức Anh với chủ trương vinh danh "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Cập nhật, 05:56, Thứ Ba, 18/10/2022 (GMT+7)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt hàng quân danh dự tại khuôn viên Phủ Chủ tịch.Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt hàng quân danh dự tại khuôn viên Phủ Chủ tịch.Ảnh: Tư liệu

(VLO) Trong lời tựa của quyển “Đại tướng Lê Đức Anh” do Khuất Biên Hòa biên soạn, NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 2005, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Anh Lê Đức Anh là một chỉ huy quân đội đã qua chiến đấu gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, nên ở anh, quan điểm giai cấp rất vững vàng và rõ ràng.

Anh nắm chắc tình hình trong, ngoài nước và tình hình quân đội nên giải quyết chắc chắn. Sinh hoạt và lối sống thì giản dị, mẫu mực. Tôi cho rằng anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1920 - 2019) là người con của quê hương Thừa Thiên Huế. Năm 1937, mới 17 tuổi ông đã tham gia kháng chiến và 1 năm sau ông đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, đời binh nghiệp của ông gắn với chiến trường từ Bắc vào Nam, có cả giai đoạn tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông được giao nhiều trọng trách, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được thăng quân hàm Đại tướng từ năm 1984. Tháng 9/1992, ông được Quốc hội bầu vào chức vụ Chủ tịch nước, sau đó là Cố vấn BCH Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu vào năm 2001.

Khi là Chủ tịch nước, dù bận rộn, ông vẫn dành nhiều thời gian đi xuống các địa phương. Ông đi cốt để nghe và nắm tình hình, lắng nghe người dân nói, người lính nói, cán bộ cơ sở nói.

Vì vậy, khi làm việc với các tỉnh, ý kiến của ông rất sát thực. Là một người chỉ huy trong quân đội nhiều năm, Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn quan tâm đến các vấn đề của quân đội và chính sách hậu phương quân đội.

Như, khi xuống các cơ sở, đến thăm nhiều hộ gia đình có công với kháng chiến, ông phát hiện một việc là nhiều bà mẹ có chồng và các con đi chiến đấu và hy sinh hết, bản thân mẹ thì khó khăn, thiếu người chăm sóc.

Ông hỏi cán bộ địa phương, và họ cho biết có giúp đỡ các mẹ theo tình làng nghĩa xóm, nhưng do cấp trên chưa có chủ trương nên không biết làm gì thêm.

Từ thực tế này, ông cảm nhận tuy đời sống vật chất có thiếu thốn thì các mẹ vẫn chịu được, nhưng khi đất nước đã hòa bình thì sự cô đơn khiến các mẹ càng thêm buồn tủi…

Theo thượng tướng Nguyễn Văn Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thấu hiểu nỗi khổ của các mẹ nên khi về Hà Nội, trong các cuộc họp của Trung ương và ở Bộ Chính trị ông là người kiên trì và tích cực trong đề xuất phong cho các người mẹ danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (VNAH). Ông còn cho rằng với sự hy sinh và chịu đựng của các mẹ, thì việc làm này hãy còn quá muộn!

Được Bộ Chính trị thống nhất cao, ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Sắc lệnh số 36L/CTN công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Ngày 1/12/1994, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ truy tặng và phong tặng Danh hiệu Nhà nước Bà mẹ VNAH đợt đầu tiên tại Hội trường Ba Đình lịch sử.

Cả nước chăm chú theo dõi buổi truyền hình trực tiếp, mọi người xúc động khi thấy đôi vai gầy của các mẹ rung rung, những giọt nước mắt và những nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ. Đọc tên của từng mẹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cứ nghẹn ngào không giấu được cảm xúc của mình.

Và ngày 29 cùng tháng đó, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ VNAH ở tuổi ngoài 70 đã duyệt hàng quân danh dự cùng với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Bên hàng quân danh dự trẻ trung, nghiêm trang, ánh nắng cuối thu soi rõ nụ cười rạng rỡ của các mẹ.

Kể từ đợt đầu tiên, trong 6 năm liên tiếp, Đảng và Nhà nước đã truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý này cho 42.798 bà mẹ. Từ đó, hàng năm đảng bộ, chính quyền các địa phương liên tục điều tra bổ sung vào danh sách này cho thật đầy đủ.

Bên cạnh, còn nỗ lực vận động thực hiện các phong trào: đền ơn đáp nghĩa, xây tặng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH và toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, nhằm duy trì một trong nếp sống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta: uống nước nhớ nguồn!

Khi hay tin các Bà mẹ VNAH đều được các tổ chức xã hội nhận phụng dưỡng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất vui, và ông càng mong muốn: Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta phải cố gắng chăm sóc các gia đình chính sách để họ đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình của người dân trong khu vực.

HỒNG VÂN

* Bài có sử dụng tư liệu từ quyển Đại tướng Lê Đức Anh, do Khuất Biên Hòa biên soạn, NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 2005 và một số tài liệu khác.