"Cơm. Cơm đi. Mời cả nhà ăn cơm". Tiếng của chị gọi chồng và các con ăn cơm. Nghĩ. Chị nhà bên thết đãi cả nhà món ăn ngon gì đây, trong tiếng gọi cơm nghe thúc giục.
(VLO) “Cơm. Cơm đi. Mời cả nhà ăn cơm”. Tiếng của chị gọi chồng và các con ăn cơm. Nghĩ. Chị nhà bên thết đãi cả nhà món ăn ngon gì đây, trong tiếng gọi cơm nghe thúc giục.
Ngày trước cuộc sống khó khăn “ăn lấy chắc, mặc lấy bền” được xem là hàng đầu. Ngày nay, “ăn lấy ngon, mặc lấy đẹp”. Ai chẳng mong muốn ngày nào cũng có bữa cơm ngon. Nhưng đúng với hai từ “cơm ngon” thì thật không dễ chút nào.
Cơm là cách gọi bữa ăn chính của người Việt Nam. Theo GS. Trần Quốc Vượng cấu trúc bữa ăn của người Việt là “cơm- rau- cá”. Cơm là ưu tiên hàng đầu, đến cọng rau, con cá.
Và không thể không kể đến thịt, thịt đứng hàng cuối cùng trong bữa cơm, với nhiều loại như thịt gà, heo, bò,…
Bữa cơm có thể chỉ có món kho hoặc món canh nhưng cơm thì không thể vắng mặt. Gọi thế chắc vì cơm là phần chính trong bữa ăn.
Cơm được nấu từ gạo. Gạo được giã, xay từ hạt lúa. Lúa gắn bó bao đời với người nông dân Việt Nam. Nền văn minh lúa nước đã sản sinh ra nhiều món ăn truyền thống mang đậm sắc thái vùng miền, với hàng trăm loại bánh dân gian thơm ngon.
Xứ sở tràn đầy sông nước, rau dại mọc khắp nơi. Phong phú các loài thủy sản đã làm phong phú các món ăn. Cá sặt, cá rô, cá lóc, cá trê, cá mè, cá chốt, cá chạch, cá linh,…
Ngồi mà kể hết những loại cá ở miệt đồng bằng này thì hết giờ bữa cơm chiều cũng chưa hết. Cơm, rau, cá đã làm nên bữa cơm ngon người Việt.
Nói đến món ăn thì không thể thiếu gia vị, chính gia vị làm nên nét riêng của món ăn. Chẳng hạn như, hạt tiêu, trái ớt, trái chanh,… bé xíu vậy mà làm hẫng hụt tâm hồn chớ chơi đâu.
Mùi tiêu làm lòng the thắt nhớ món cá kho khô quẹt. Trái ớt chín đỏ tươi nhắc thèm món canh chua cá. Không có mặt những gia vị ấy trong món ăn, sẽ thấy thiêu thiếu và ăn mất ngon. Gia vị phải được tính toán sử dụng kỹ lưỡng vì nêm nhiều quá cũng mất ngon.
Ở quê thì không nói rồi, đất rộng nên nhà luôn có luống rau diếp cá, bụi ngò gai, bạc hà, hành, vài cây ớt,… Ngay ở thành dù không có đất trống nhưng vẫn trồng được vài cây gia vị trong chậu kiểng, thùng xốp. Để thấy được rằng, không thể thiếu gia vị trong món ăn người Việt.
Trong cái cay sẽ tìm ra vị ngọt. Đúng vậy. Lúc bạn vượt qua nỗi sợ ăn cay. Đến lúc ghiền, ớt và tiêu sẽ tìm ra vị ngọt trong ấy. Nhớ lần đầu ăn rau tía tô, bỏ miếng rau vào miệng… Giật mình.
Trời, chẳng lẽ mình cắn nhầm con bù xích. Ta nói, cái mùi gì đâu mà khó chịu quá đi. Rồi chiếc lá hình răng cưa, màu tím ấy ăn riết thành ghiền. Và những loại cây gia vị thường là những liều thuốc hiệu nghiệm. Hành trị cảm cúm. Húng quế trị đau đầu. Tía tô trị ho.
Món ăn với sự kết hợp hài hòa với rau, cá và gia vị. Chẳng hạn mùa nước nổi đã về, nấu nồi canh chua cá linh phải có cá linh và các loại rau như bông điên điển, bông súng, rau om,… Món ăn phải đủ chất và đủ vị (ngọt, mặn, chua, cay, đắng) và phải được bày biện bắt mắt. Việc bếp núc không đơn giản tí nào dù chỉ là những món ăn dân dã.
Đúng thật. Cá làm tốn cơm! Thường thì anh ăn 2 chén là đã no, với nồi canh chua, với cá kho quẹt anh ăn 3 chén rồi mà có thấy hề hấn gì đâu. Và cái miệng ăn vẫn thấy chưa đã, vẫn còn thèm.
Từ “cơm” đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày. Bươn chải để lo cho đời sống thường nhật thì người ta hay nói “cơm áo gạo tiền”. Còn sống sung sướng, có người lo toan, phục vụ đầy đủ, chu đáo thì nói “cơm bưng nước rót”. Nếu đối xử tốt, hòa thuận trọn vẹn với nhau thì “cơm lành canh ngọt”.
Bữa cơm gia đình ngon là khi món ăn nhìn vào đã thèm rồi. Chân chưa bước vào bếp mà mùi thơm đã nức mũi. Nếm thôi mà đã bắt được vị ngon ngọt và giòn rụm khi nhai.
Những món ăn dân dã vậy mà rất hấp dẫn du khách và là những sợi dây mảnh mai bền chắc đủ sức níu mắc lòng những đứa con xa quê. Nỗi nhớ thương ấy đủ kéo những người con ấy trở về quê chốn cũ.
Và bữa cơm ngon không chỉ hợp khẩu vị mà còn phải đúng nơi, đúng người. Người thấy ngon khi bên mâm cơm đủ đầy các thành viên trong gia đình. Nên mới có câu, ngon như cơm nhà. Người thèm được ngồi ăn trên chiếc xuồng mùa nước nổi.
Ngồi chờ cá mắc lưới, vừa ăn vừa ngắm nghía bông điên điển vàng tươi. Hay thèm ngồi ăn bữa cơm giữa cánh đồng vừa gặt với những người thân quen, tay quệt mồ hôi, tay và cơm, mắt nhìn khói đốt đồng bay bàng bạc. Ngồi ăn với người thân thiết xung quanh, rôm rả những câu chuyện kể…
Nói gọn là cơm ngon khi hợp vị, đúng chỗ, đúng người!
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin